Tắm nước lá cho con để chữa viêm da cơ địa, coi chừng rước họa sớm

Tắm nước lá cho con để chữa viêm da cơ địa, coi chừng rước họa sớm
Tắm lá trầu không, hay bôi mỡ trăn chỉ là một trong nhiều cách các mẹ truyền tai nhau để giúp con chữa viêm da cơ địa. Thế nhưng, phương pháp này tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, có thể gây ra hiện tượng viêm loét da, nhiễm khuẩn khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Các phương pháp như tắm nước lá, bôi mỡ trăn hoặc cứ để bé tự khỏi là những cách các mẹ truyền tai nhau chữa bệnh viêm da cơ địa cho con. Tuy nhiên, thực hư những tin đồn này ra sao, hãy cùng nghe chuyên gia phân tích.

1. Truyền tai nhau cách chữa viêm da cơ địa

Cách chữa này được lan truyền trên mạng xã hội với rất nhiều những kinh nghiệm, gợi ý từ các bà mẹ bỉm sữa chia sẻ cách điều trị cho con ra sao và trẻ đã khỏi viêm da cơ địa như thế nào. Cụ thể, nhiều bà mẹ chia sẻ các bức ảnh con đang tắm lá cúc tần, diệp lục, lá đơn đỏ, lá trầu không, cây long não, cây xoan đất để chứng mình đó là thuốc hiệu quả.

Theo những lời chia sẻ đến từ các bà mẹ trẻ: "Lá cúc tần có tác dụng kháng nấm và làm lành vết thương, nó được dùng để điều trị hiệu quả các bệnh nấm ngoài da và chữa viêm da cơ địa. Còn các lá khác có chất diệp lục giúp kháng khuẩn, chống viêm nhiễm cũng như tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa oxy hóa trên da".

Một bà mẹ có tên là T.T.N.V đưa ra khẳng định: "Lá đơn đỏ hay còn gọi là lá đơn tướng quân là loại cây rất phổ biến ở nhiều nơi có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Trong dân gian thường dùng lá đơn đỏ để chữa trị mụn nhọt, mẩn ngứa, kiết lị rất hiệu quả. Do lá đơn có tác dụng kháng khuẩn, giảm ngứa, loại bỏ tế bào chết cho da và tái tạo làn da mới đối với trẻ bị viêm da cơ địa". Nhiều người cũng cho rằng: "Lá trầu không dùng làm kháng khuẩn, tiêu viêm, ức chế hoạt động vi khuẩn. Trong lá trầu không được xác định có chứa thành phần là các chất diệt khuẩn giúp ức chế tiêu diệt được nhiều loại vi trùng vi khuẩn, chất tanin, còn giúp làm se khô vết thương, ngăn ngừa tình trạng viêm loét".

Tắm nước lá cho con để chữa viêm da cơ địa, coi chừng rước họa sớm - Ảnh 2.

Chữa viêm da cơ địa bằng cách tắm lá cho con vô cùng nguy hiểm

Do đánh trúng tâm lý của các bà mẹ đang lo lắng chữa bệnh cho con, chính vì vậy các phương pháp này được nhiều bà mẹ tin tưởng sử dụng mua về chữa ngay cho con mà không cần kiểm tra độ tin cậy và đảm bảo sức khỏe. 

2. Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm từ việc chữa viêm da cơ địa do tắm nước lá

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết: "Việc dùng các loại cây kể trên, có thể có tác dụng với trường hợp nào đó lý do phù hợp cơ địa, chứ nó không hoàn toàn có tác dụng phổ cập. Với lá trầu không thì cũng cần hạn chế, vì sợ nó còn ảnh hưởng đến làn da non của bé". Lương ý cũng nhấn mạnh, việc nhiều bà mẹ trẻ áp dụng tùy tiện phương pháp dân gian với trẻ nhỏ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không lường trước được. Tốt hơn hết, khi nhà có em bé có biểu hiện bất thường, cần đến gặp chuyên gia để được tư vấn cụ thể.

Nói về bệnh viêm da cơ địa, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Viêm da cơ địa hay xảy ra nhất ở những ngày thời tiết lạnh buốt như thế này. Phần lớn, biểu hiện ban đầu của trẻ nhỏ là mẩn đỏ. Nếu trẻ bị viêm da cơ địa mà phụ huynh thờ ơ, không điều trị tốt sẽ dẫn đến nặng như, ngứa ngáy, chảy dịch. Làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị về sau".

Theo BS Dũng, chữa viêm da cơ địa cho trẻ cần phải đưa trẻ đi khám theo chỉ định của bác sĩ. Từ đó BS sẽ đánh giá được tình hình tiến triển của bệnh để đưa ra đơn thuốc phù hợp cho bệnh nhi.

3. Chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ

Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ nếu không điều trị kịp thời, đúng cách rất dễ làm tổn thương da nghiêm trọng, để lâu có thể dẫn đến biến chứng, viêm da cơ địa mạn tính. 

Theo đó, khi trẻ bị viêm da cơ địa, phụ huynh hãy cho trẻ dùng một số kem dưỡng ẩm, làm mềm, cấp ẩm cho làn da giúp da phục hồi tổn thương nhanh nhất. Đồng thời vệ sinh da cho trẻ để tránh viêm da dị ứng do nhiễm khuẩn, vệ sinh không gian sống, cho trẻ mặc quần áo mềm, thấm hút mồ hôi, thoáng mát. 

Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với các chất độc hại ngoài môi trường, không khí ô nhiễm, nguồn nước bẩn. 

Tác giả: MN