Ngày 1/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tìm thấy các đoạn RNA nCoV trong máu của các bệnh nhân có triệu chứng Covid-19.
"Tuy nhiên điều này không có nghĩa virus nguy cơ lây nhiễm qua đường truyền máu. WHO khẳng định các virus lây truyền qua đường hô hấp chưa được ghi nhận có khả năng lây truyền qua đường máu, trong hai thập kỷ qua", tiến sĩ Khánh nói tại buổi hiến máu ở Bộ Y tế sáng 12/3.
*Giữa mùa dịch, bạn đã biết cách rửa tay đúng và đủ bước chưa?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC), Hiệp hội các ngân hàng máu Mỹ (AABB) chỉ khuyến cáo trì hoãn hiến máu 21 ngày đối với người trở về từ vùng dịch và người bệnh Covid-19 kể từ khi không còn nhiễm virus. Khuyến cáo này cũng tương tự đã áp dụng cho dịch SARS và MERS trước đây.
Một số cơ sở truyền máu ở Mỹ hiện trì hoãn 28 ngày với người có tiền sử đi tới vùng dịch Covid-19 kể từ thời điểm rời khỏi vùng dịch.
Do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người lo sợ không đi hiến máu. Tiến sĩ Khánh cho biết từ ngày 7/3 đến nay có 70 lịch hiến máu với khoảng 12.000 đơn vị trong tháng đã bị hoãn. Một tuần nay, mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận được 70-80 đơn vị máu, trong khi nhu cầu cần tới 1.200-1.500 đơn vị phục vụ cấp cứu và điều trị tại 170 cơ sở y tế thuộc 25 tỉnh miền Bắc.
Sáng 12/3, hơn 100 cán bộ, nhân viên Bộ Y tế tham gia hiến máu ngay tại Bộ. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng hiến 250 ml máu.
Thứ trưởng Sơn chia sẻ: "Trong thời điểm phòng chống dịch, người dân cần bảo vệ sức khỏe bản thân nhưng cũng nên nghĩ đến sức khỏe cộng đồng bằng việc tham gia hiến máu".
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh, bên cạnh công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện lập kế hoạch sử dụng máu và chế phẩm máu tiết kiệm, hợp lý. Ông kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà quản lý và cộng đồng tiếp tục chung sức, đồng lòng tham gia hiến máu để đáp ứng yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.