Chủ động phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Chủ động phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé
Sốt xuất huyết không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng đối với phụ nữ có thai lại rất nghiêm trọng, có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vào thời điểm này thường dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong năm, chị em phụ nữ cần chủ động phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai, đảm bảo sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé.

1. Mắc bệnh sốt xuất huyết khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

Sốt xuất huyết dengue là bệnh nhiễm trùng cấp tính đặc trưng ở các nước có khí hậu nhiệt đới, mưa ẩm như Việt Nam. Hàng năm, vào khoảng tháng 4 đến tháng 11 là thời điểm dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết nhất. 

Phụ nữ có thai là một trong những nhóm đối tượng dễ bị sốt xuất huyết nếu không có các biện pháp phòng tránh hữu hiệu. Bởi khi mang thai, sức khỏe nói chung và sức đề kháng nói riêng của các mẹ bầu bị suy giảm ít nhiều nên sẽ dễ bị virus dengue tấn công và gây bệnh sốt xuất huyết hơn.

Tuy không trực tiếp gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng những nguy cơ nghiêm trọng mà bà bầu bị sốt xuất huyết sẽ phải đối mặt. Bệnh sốt xuất huyết khi mang thai thường khó chẩn đoán hơn người bình thường vì thai phụ sẽ có tình trạng pha loãng máu sinh lý, làm che lấp tình trạng cô đặc máu. Bà bầu bị sốt xuất huyết ở những tháng đầu thai kỳ thường rất nguy hiểm. 

Lúc này, bà bầu có khả năng cao bị rối loạn đông máu do virus dengue tác động vào cơ quan tạo máu của người mẹ và cả thai nhi, giảm chất lượng, số lượng tiểu cầu trong cơ thể.

Nguy hiểm nhất khi bị sốt xuất huyết khi mang thai là suy thai, sẩy thai, thai lưu, sinh non. Còn với bản thân thai phụ, gặp tình trạng tiểu cầu hạ sẽ dễ gặp tình trạng sinh non và những biến chứng khác như chảy máu khó cầm, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

Phụ nữ bị sốt xuất huyết khi mang thai cũng khó điều trị hơn so với bình thường. Bởi việc dùng thuốc hạ sốt và các loại thuốc điều trị khác cho thai phụ cần hết sức cẩn trọng. 

Khi mang bầu, việc dùng thuốc điều trị sốt xuất huyết dengue có thể gây ảnh hưởng ít nhiều tới thai nhi. Hơn nữa, về mặt chuyên môn, các bác sĩ cho biết với các trường hợp có thai bị sốt xuất huyết cần truyền huyết tương, tăng tiểu cầu rất khó khăn vì ảnh hưởng đến thai nhi rất lớn.

2. Chủ động phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai

Bệnh sốt xuất huyết dengue đang có xu hướng gia tăng lan rộng và mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh này, không riêng gì phụ nữ có thai. Vì vậy, mỗi bà bầu đều cần có biện pháp chủ động phòng tránh sốt xuất huyết, tránh bị muỗi vằn đốt và truyền nhiễm virus dengue. Cụ thể một số biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai như sau:

- Tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng, màn ở những vùng có mật độ muỗi cao

- Tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để sử dụng các loại tinh dầu đuổi muỗi, kem chống muỗi dành riêng cho bà bầu

- Tránh du lịch hay di chuyển đến vùng đang có dịch sốt xuất huyết

- Nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả có nhiều vitamin C.

- Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quang bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng,…

- Không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.

- Khi phát hiện có những triệu chứng nghi mắc sốt xuất huyết khi mang thai như sốt, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp, đau họng,... thì mẹ cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra ngay.

Nếu trong gia đình có người bị sốt xuất huyết thì bà bầu nên tránh ở trong cùng 1 không gian, môi trường hẹp với bệnh nhân để phòng tránh trường hợp muỗi đốt người bệnh rồi truyền virus cho bà bầu.


Tác giả: hoangtrang