Chống nhiễm khuẩn khi giao mùa với thực phẩm giàu Quercetin

Chống nhiễm khuẩn khi giao mùa với thực phẩm giàu Quercetin
Quercetin là một sắc tố thực vật đặc biệt được gọi là flavonoid, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm nên đặc biệt phù hợp để tăng cường sức đề kháng, chống viêm và nhiễm khuẩn khi giao mùa.

Quercetin được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm và đồ uống, thậm chí là cả thực phẩm bổ sung. Nhờ là chất chống oxy hóa và có tác dụng chống viêm nên Quercetin được dùng như một thành phần giúp giảm sưng, điều chỉnh lượng đường huyết và ngăn ngừa bệnh tim, bảo vệ sức khỏe não bộ cũng như tăng cường hệ miễn dịch (1).

Vậy cụ thể các tác dụng của Quercetin đối với sức khỏe là gì? Có những thực phẩm giàu Quercetin nào bạn có thể bổ sung?

1. Lợi ích của Quercetin đối với sức khỏe

Quercetin đã được nghiên cứu cho thấy rằng flavanoid với tác dụng chống viêm và chống oxy hóa  có thể mang lại nhiều lợi ích, từ việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch đến giảm nguy cơ mắc bệnh.

1.1. Tác dụng chống oxy hóa

Là một phần của quá trình trao đổi chất bình thường, cơ thể con người tạo ra các hợp chất gọi là gốc tự do. Các gốc tự do làm hỏng các tế bào khỏe mạnh, kích hoạt đột biến gen, đẩy nhanh quá trình lão hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau, bao gồm bệnh tim và tiểu đường.

Quercetin đã được chứng minh là chống lại tác hại của các gốc tự do thông qua hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ của nó. Tác dụng chống oxy hóa này có thể giúp cơ thể duy trì trạng thái ổn định, tránh lão hóa sớm và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Phần lớn nghiên cứu này đã được thực hiện trên tế bào hoặc động vật, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng phản ứng này cũng có thể đúng với con người (2).

Chống nhiễm khuẩn khi giao mùa với thực phẩm giàu Quercetin - Ảnh 1.

Quercetin được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm và đồ uống, thậm chí là cả thực phẩm bổ sung (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà

Chất xơ đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

1.2. Tác dụng kháng khuẩn

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Quercetin mang lại đặc tính kháng khuẩn phổ rộng. Quercetin đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại Salmonella enteritidis (salmonella), Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) và Escherichia coli (E. coli), một phần bằng cách phá hủy thành tế bào vi khuẩn và thay đổi chức năng của tế bào (2).

Quercetin cũng đã được chứng minh là can thiệp vào sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc. Điều này có nghĩa là Quercetin có thể giúp chống lại các chủng vi khuẩn không đáp ứng với điều trị. Quercetin đặc biệt hiệu quả đối với vi khuẩn ảnh hưởng đến da, cũng như hệ tiêu hóa, hô hấp và tiết niệu. Nó cũng được chứng minh là có thể có hiệu quả chống lại một số loại virus và nấm (3).

Chống nhiễm khuẩn khi giao mùa với thực phẩm giàu Quercetin - Ảnh 2.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Quercetin mang lại đặc tính kháng khuẩn phổ rộng (Ảnh: Internet)

1.3. Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Quercetin được chứng minh giúp làm giảm cả huyết áp tâm thu (số trên cùng) và huyết áp tâm trương (số dưới cùng) cũng như giảm áp lực lên động mạch. Điều này rất quan trọng bởi theo thời gian, huyết áp cao có thể làm tổn thương động mạch và dẫn tới bệnh tim (4).

Đặc biệt, Quercetin cũng được báo cáo có tác dụng giúp hạn chế tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính, chẳng hạn như Triglyceride là một loại chất béo, với nồng độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim của bạn (5).

Quercetin cũng có thể chống lại một quá trình gọi là quá trình oxy hóa, quá trình này làm thay đổi cholesterol LDL “xấu” theo cách làm cứng động mạch và giúp tái tạo lại mạch máu để cải thiện lưu lượng máu (2).

Chống nhiễm khuẩn khi giao mùa với thực phẩm giàu Quercetin - Ảnh 3.

Quercetin cũng được báo cáo có tác dụng giúp hạn chế tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính (Ảnh: Internet)

1.4. Hỗ trợ quản lý cân nặng

Mặc dù các nghiên cứu còn hạn chế nhưng các nhà nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, Quercetin có tác dụng tới điều trị bệnh béo phì theo cách tích cực bao gồm giảm cân, chỉ số khối cơ thể (BMI), số đo vòng eo - hông - đùi.

Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là với số lượng lớn hơn để chắc chắn về tác dụng của Quercetin trong việc giảm cân hoặc Quercetin sẽ phù hợp như thế nào để ứng dụng trong kế hoạch giảm cân.

Còn một số tác dụng khác của Quercetin đối với sức khỏe khác, chẳng hạn như hỗ trợ chức năng miễn dịch (5), cải thiện kết quả của COVID-19 (6), ngăn ngừa hoặc kiểm soát các bệnh tự miễn (7),... nhưng các tác dụng này chưa được nghiên cứu sâu rộng.

2. Các thực phẩm giàu Quercetin

 Quercetin tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm:

- Trái cây: Táo, các loại quả mọng, anh đào, trái cây có múi, nho, lê

- Rau: Măng tây, bông cải xanh, hành tây, khoai lang, cải xoăn, cà chua

- Các loại thảo mộc, lá gia vị: hẹ, rau mùi, thì là, rau kinh giới

- Đồ uống: trà xanh, trà đen, trà vang đỏ

Chống nhiễm khuẩn khi giao mùa với thực phẩm giàu Quercetin - Ảnh 4.

3. Bao nhiêu Quercetin mỗi ngày là đủ?

Hiện tại, không có khuyến nghị hàng ngày nào dành riêng cho Quercetin cho sức khỏe nói chung hay phòng chống bệnh tật nói riêng.

Người ta ước tính rằng một người trưởng thành hấp thụ từ 50-800mg chất chống oxy hóa flavonoid mỗi ngày. Người ta tin rằng Quercetin chiếm 75% lượng tiêu thụ đó, tùy thuộc vào việc tiêu thụ trái cây, rau và trà.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, khi được sử dụng như một thành phần trong thực phẩm và đồ uống, Quercetin được cho là an toàn với lượng lên tới 500mg mỗi khẩu phần.

Nếu bạn có ý định sử dụng Quercetin dưới dạng thực phẩm bổ sung thì bạn cần cân nhắc tới hiệu quả và tính an toàn khi sử dụng trong thời gian dài do chưa có nghiên cứu rõ ràng về vấn đề này. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn phù hợp hơn.

Nguồn dịch: Health Benefits of Quercetin


Tác giả: Allen