Trước hết, nên nhớ rằng các "cơn" tai biến mạch máu não là tình huống cấp cứu, cần được xử trí bài bản và kịp thời. Bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu càng nhanh càng tốt.
Mỗi bệnh nhân mắc "bệnh" tai biến mạch máu não có thể tái lại các "cơn" nhiều lần trong đời, do vậy điều trị dự phòng là điều cần thiết. Ngoài ra, y học hiện nay có thể giúp bệnh nhân cải thiện phần nào các di chứng sau tai biến mạch máu não bằng các phương pháp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu - phục hồi chức năng.
Tai biến mạch máu não xảy ra đột ngột bất thình lình, là tình trạng máu đến nuôi dưỡng não rất ít, hoặc không đến được do hẹp hoặc do tắc nghẽn động mạch não hoặc do vỡ mạch máu não.
Vì vậy, người ta gọi đột quỵ não là não bộ bị tổn thương một cách đột ngột, dẫn đến những rối loạn chức năng như: Yếu liệt nửa người, tê bì mất cảm giác, miệng méo, mắt nhắm không được, lú lẫn (giảm tri giác) hoặc hôn mê, rối loạn hô hấp và tim mạch, đại tiểu tiện không tự chủ... thậm chí những trường hợp nặng có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tai biến mạch máu não có 2 thể: Nhồi máu não (do tắc mạch/nghẽn mạch) và Xuất huyết não (chảy máu não/vỡ mạch não).
Nhức đầu dữ dội, đột ngột. Triệu chứng này có ở trên 50% số bệnh nhân. Đột nhiên thấy chóng mặt, ù tai, choáng váng. Một bên chân bị yếu hẳn, không vững. Đột nhiên một bên tay không cầm nắm chắc được đồ vật, dễ rơi thìa, đũa, bát. Nhặt lại vật dụng để rơi một cách khó khăn. Đột nhiên rối loạn ngôn ngữ: nói khó, nói ngọng, mọi người không hiểu được bệnh nhân nói gì.
Triệu chứng này có thể chỉ diễn ra trong ít phút, nhưng cũng có thể kéo dài cả ngày trước khi tai biến nghiêm trọng xảy ra: bệnh nhân không còn khả năng phát ngôn.
- Đột nhiên bệnh nhân có cảm giác như kim châm, kiến đốt ở đầu chi tay, chân, một nửa bên trên người.
- Xuất hiện những "khoảng vắng": thỉnh thoảng bệnh nhân như mất hẳn sự kiểm soát của chính mình.
- Đang nói bỗng mất ngang trong giây lát mới lại tiếp tục được câu chuyện.
- Để rơi vật dụng trong tay mà không biết để rồi vài giây sau mới sực nhớ ra và nhặt lên.
- Những rối loạn trí thức: bệnh nhân đột nhiên mất định hướng trong vài phút, vài giờ. Thoáng quên, thoáng điếc, mất định hướng về không gian và thời gian.
- Đột nhiên xuất hiện cảm giác như có ruồi bay trước mắt, mất thị lực hoàn toàn hoặc một phần, hoặc một hai bên trong giây lát.
Ảnh: Internet
Các nguyên nhân gây nên tai biến mạch máu não là các bệnh lý gây nên tình trạng tắc nghẽn mạch máu hay vỡ mạch gây ra xuất huyết não:
-Tăng huyết áp: đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai biến. Tăng huyết áp sẽ khiến áp lực của máu tác động lên thành mạch tăng lên, lâu dần sẽ gây những tổn thương cho thành mạch như dày thành mạch, giảm tính đàn hồi, mạng xơ vữa, phình dãn thành mạch,... Đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ tai biến sẽ cao hơn 2,5 lần so với những người bình thường.
-Xơ vữa động mạch: các mảng xơ vữa bám ở thành mạch máu, khi mảng xơ vữa này dày lên sẽ gây hẹp lòng động mạch, nguy cơ hình thành cục máu đông tại đó và gây tắc mạch, mạng xơ vữa có thể làm phình dãn thành mạch và nguy cỡ vỡ thành mạch
-Các bệnh về tim: các bệnh tim có thể gây nên tai biến mạch máu não như suy tim, bệnh van tim, rung nhĩ, tim phì đại,... các bệnh tim này có nguy cơ hình thành cục máu đông tại tim, khi cục máu đông này di chuyển và bị tắc lại tại mạch máu của não sẽ gây nên tai biến.
-Các nguyên nhân khác: giảm huyết áp mạnh đột ngột (tụt huyết áp đột ngột hơn 40 mm Hg),viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc xoang tĩnh mạch. Ở người trẻ: bệnh tiểu cầu gây chảy máu dưới màng nhện, dị dạng động mạch cảnh.
Các di chứng sau tai biến khiến người bệnh trở thành gành nặng không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và xã hội. Một số di chứng mà người bệnh có thể gặp phải sau tai biến mạch máu não:
-Liệt nửa người: đây là một di chứng thường gặp sau tai biến mạch máu não, mức độ nhẹ có thể chỉ là yếu cơ, hạn chế vận động, nặng có thể là liệt hoàn toàn, mất vận động và cảm giác, liệt 1/2 mặt gây méo miệng, nhắm mắt không kín.
Các di chứng sau tai biến khiến người bệnh trở thành gành nặng không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và xã hội. (Ảnh: Internet)
-Rối loạn ngôn ngữ: Người bệnh có thể gặp rối loạn ngôn ngữ với các biểu hiện như: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi thậm chí không phát âm được
- Rối loạn nhận thức: Đây là sự suy giảm các chức năng cao cấp của vỏ não do tổn thương tế bào não gây nên. Rối loạn nhận thức có thể có các biểu hiện sau: hay quên, giảm trí nhớ, lơ mơ không tỉnh táo, không định hướng được không gian thời gian, không nhận biết được người thân gia đình của mình, không hiểu được ngôn ngữ...
- Rối loạn cơ tròn: Biểu hiện với các mức độ khác nhau như: tiểu khó, bí tiểu, táo bón, đại tiểu tiện không tự chủ.
Một lời khuyên cho tất cả các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tai biến là phải được khám, theo dõi điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ tai biến, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, tránh việc xem nhẹ, làm kéo dài thời gian quý giá can thiệp điều trị, để lại di chứng nặng cho bệnh nhân.
Để chủ động phòng ngừa tai biến mạch máu não, cần phát hiện và chữa trị các bệnh là nguyên nhân gây tai biến như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch... nhất là đối với những trường hợp có bệnh lý tăng huyết áp. Đồng thời cũng cần phát hiện và xử trí những dị dạng mạch máu có thể là nguyên nhân của tai biến mạch máu não.
Ngoài ra cần tránh những yếu tố có thể tạo nên điều kiện xuất hiện tai biến mạch máu não như tình trạng stress tâm lý, gắng sức quá nhiều, bị lạnh đột ngột, uống nhiều rượu bia, có cơn tăng huyết áp...
Tuy tai biến mạch máu não là một bệnh nguy hiểm, nhưng có thể dự phòng được nếu ta biết cách điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ.
Các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh tim mạch, tăng lipid máu, hút thuốc lá... là bệnh có thể cải thiện được bằng cách thay đổi lối sống ít vận động sang tập thể dục, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm cân nặng chống béo phì, tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại. Đồng thời, cần kiểm soát huyết áp; không hút thuốc; kiểm soát đường máu nếu có đái tháo đường, ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp, hạn chế uống rượu…