Cho con ăn búp ổi chữa tiêu chảy, mẹ bàng hoàng khi thấy hậu quả!

Cho con ăn búp ổi chữa tiêu chảy, mẹ bàng hoàng khi thấy hậu quả!
Mẹo ăn búp ổi chữa tiêu chảy cho trẻ, bà bầu,... được rất nhiều người áp dụng. Nhưng liệu bài thuốc dân gian này có khiến sức khỏe bị ảnh hưởng hay không?

Mới đây, một bé gái 19 tháng tuổi cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng bị rối loạn điện giải, tiêu chảy, bỏ bú,... do mẹ cho bé ăn búp ổi chữa tiêu chảy.

1. Ăn búp ổi chữa tiêu chảy đúng hay sai?

Đây không phải là trường hợp trẻ gặp nguy hiểm do mẹ dùng mẹo lấy búp ổi chữa tiêu chảy đầu tiên. TS. Phạm Việt Hoàng - nguyên PGĐ Bệnh Viện Tuệ Tĩnh Hà Nội cho biết, lá ổi là lá có vị đắng và chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất flavonoid dạng quercetin. Khi ăn sẽ hoạt động trên sự bài tiết của acetycholin ở trong ruột nên có tác dụng giảm đau nhanh.

Vì thế mà theo quan niệm dân gian, khi bị tiêu chảy ăn búp ổi sẽ đỡ.

Tuy nhiên, TS. Hoàng cũng cho biết thêm, không phải cứ tiêu chảy cho trẻ ăn búp ổi là sẽ đỡ mà phụ huynh cần phải biết được nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy là gì từ đó có những biện pháp can thiệp đúng đắn. Chẳng hạn nếu trẻ bị tiêu chảy do virus, vi khuẩn hay là biểu hiện của các bệnh lý khác, nếu mẹ chỉ khăng khăng cho trẻ ăn búp ổi chữa tiêu chảy sẽ đỡ có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm do không được can thiệp kịp thời.

Ăn búp ổi chữa tiêu chảy cho con, mẹ bàng hoàng khi thấy hậu quả! - Ảnh 2.

Theo quan niệm dân gian, ăn búp ổi giúp chữa tiêu chảy ở trẻ nhỏ, bà bầu, người lớn,.. (Ảnh: Internet)

Ngoài búp ổi thì lá chè, hồng xiêm,.. cũng là một trong những mẹo dân gian chữa tiêu chảy ở trẻ nhiều mẹ áp dụng.

Đồng quan điểm với TS. Việt Hoàng, bác sĩ chuyên khoa nhi PGS.TS Hà Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, phương pháp chữa tiêu chảy bằng bài thuốc dân gian này không những không khiến trẻ đỡ hơn mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe.

BS.Tùng giải thích thêm, trong búp ổi, búp chè hay hồng xiêm xanh có chứa hoạt chất tanin với tỷ lệ cao. Khi vào cơ thể, ngay cả người lớn đều có thể khiến nhu động ruột bị giảm. Lúc này số lần tiêu chảy ở trẻ giảm đi làm cha mẹ hiểu lầm rằng mẹo chữa này hiệu quả. Nhưng thực tế là, những tổn thương trong đường tiêu hóa ở trẻ vẫn còn nguyên.

2. Chăm sóc trẻ tiêu chảy cần chú ý gì?

Vậy khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cha mẹ cần lưu ý tới các vấn đề nào? Ngoài việc không nên áp dụng các mẹo dân gian chữa tiêu chảy như ăn búp ổi hay búp chè xanh,... thì ThS.BS Châu Tố Uyên - khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Đồng I có một số lưu ý dưới đây mà phụ huynh cần ghi nhớ:

- Bù nước

Trẻ bị tiêu chảy thường bị mất nước. Do vậy cha mẹ cần lưu ý tới việc bù nước lại cho trẻ bằng cách uống dung dịch Oresol. Tuy nhiên, một số lưu ý khi uống oresol như thế nào cha mẹ cần xem kĩ hướng dẫn sử dụng để không dùng quá liều đối với độ tuổi của bé.

- Chế độ ăn

+ Đối với trẻ không có dấu hiệu mất nước thì có thể cho bé ăn theo chế độ ăn uống bình thường. Chẳng hạn như trẻ đang bú mẹ thì tieps tục cho bú mẹ. Trừ trường hợp có hướng dẫn khác của bác sĩ.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị mất nước bao gồm:

Ăn búp ổi chữa tiêu chảy cho con, mẹ bàng hoàng khi thấy hậu quả! - Ảnh 3.

Dấu hiệu mất nước ở trẻ 1 tuần - 2 tháng tuổi

Ăn búp ổi chữa tiêu chảy cho con, mẹ bàng hoàng khi thấy hậu quả! - Ảnh 4.

Dấu hiệu mất nước ở trẻ 2 tháng - 5 tuổi

Nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ bị tiêu chảy uống sữa bò được không, bác sĩ cho biết, trẻ vẫn có thể uống sữa bò nguyên chất được. Cha mẹ không cần pha loãng hay ngừng không cho trẻ uống nữa. Trừ khi trẻ có dấu hiệu dị ứng với sữa bò.

+ Bổ sung một số thực phẩm có tinh bột như gạo, lúa mì, khoai tây và protein như thịt nạc, chất xơ như rau xanh và trái cây,.. Đồng thời hạn chế các thực phẩm giàu chất béo vì sẽ khiến trẻ bị tiêu hóa khó.

+ Ăn thành các bữa nhỏ, không nên ăn quá nhiều trong một bữa để giảm nguy cơ nôn trớ ở trẻ.

- Khi nào thì tiêu chảy cần đi viện?

Vậy khi nào thì cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi viện? Nếu có một số dấu hiệu bất thường dưới đây thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám và điều trị:

+ Đi ngoài ra máu

+ Bỏ ăn (8 giờ đối với trẻ nhỏ), bỏ bú (trẻ sơ sinh trong vài giờ)

+ Mệt mỏi, không hào hứng vui chơi

+ Xuất hiện các cơn đau bụng dữ dội

+ Trẻ nôn nhiều lần lặp đi lặp lại.

Ngoài ra, ThS.BS Uyên cũng lưu ý, khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ không nên cho trẻ tới nhà trẻ, trường học cho tới khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Kết

Tóm lại, việc ăn búp ổi chữa tiêu chảy ở trẻ hay ăn búp chè chữa tiêu chảy,... đều không nên tự ý thực hiện và cần xác định chính xác nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy là gì và có biện pháp điều trị phù hợp.


Tác giả: Kim Phụng