Celine Ryan - một kĩ sư 50 tuổi và là mẹ của 5 đứa trẻ, đến từ Rochester Hills, mắc bệnh ung thư trực tràng đã di căn lên phổi mặc dù đã được phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Ryan có 7 khối u trong phổi. Đáng nói là các khối u một khi đã di căn đến bộ phận đó có thể gây tử vong cho bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Cô đã được mời tham gia vào nghiên cứu lâm sàng sử dụng tế bào tự miễn của chính mình để chống lại bệnh ung thư sau nhiều lần bị từ chối vì khối u không đủ lớn cho việc sản xuất TILs. Ryan đã không bỏ cuộc và cuối cùng được chấp nhận tham gia vào nghiên cứu vào tháng 3/2015.
Sau khi điều trị, 6 khối u co lại và rồi biến mất trong 9 tháng tiếp theo. Khối u thứ 7 ban đầu cũng co lại nhưng sau đó lại phát triển nên các bác sĩ đã phải cắt bỏ thùy dưới của phổi trái để loại bỏ khối u này.
Hiện tại, Ryan không có dấu hiệu tái phát bệnh.
"Điều này thật tuyệt vời, tôi đã nghĩ mình có thể chết vì ung thư đại trực tràng nhưng đến nay tôi vẫn sống. Tôi hi vọng những người bị bệnh như tôi có thể được điều trị và khỏi bệnh", cô chia sẻ.
Phương pháp điều trị cho Ryan là phương pháp thành công đầu tiên nhắm vào sự đột biến (dẫn đến tình trạng siêu kháng thuốc) thông thường của khối u.
Liệu pháp điều trị miễn dịch là một sự cách mạng hóa trong điều trị ung thư. (Ảnh: Internet)
Niềm hi vọng cho hàng trăm người đang mắc ung thư trực tràng và tuyến tụy
Đó là liệu pháp điều trị miễn dịch, là sử dụng chính hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại bệnh tật, một cuộc cách mạng hóa trong điều trị ung thư, tờ New York Times cho biết.
Tiến sĩ Carl H.June đến từ đại học Pennsylvania cho rằng nghiên cứu này là phương pháp đầu tiên thành công nhắm trúng đích là một khiếm khuyết của gen, được gọi là KRAS
Điều này rất quan trọng bởi loại đột biến này hết sức phổ biến. Hơn nữa, ngành công nghiệp dược phẩm đã tiêu tốn hàng tỷ USD mà vẫn chưa thành công trong việc kiểm soát loại gen này.
Các tế bào miễn dịch chống ung thư trong cơ thể được gọi là tế bào lympho khối u xâm nhập (tế bào T).
Nghiên cứu liên quan đến các tế bào miễn dịch chống ung thư được gọi là các lymphocyte xâm nhập khối u (TILs), bạch cầu cùng nhau vây quanh khối u, một dấu hiệu của hệ miễn dịch đang cố gắng tấn công ung thư.
Tiến sĩ Drew M. Pardoll, giám đốc Viện Bloomberg-Kimmel nghiên cứu liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư tại Đại học Johns Hopkins Medicine, nói rằng khả năng thoát khỏi các tế bào T hé lộ một điểm yếu tiềm tàng trong phương pháp nhắm trúng đích một đột biến đơn lẻ.
"Điều này thực sự quan trọng. Nó không thay đổi liệu pháp điều trị hôm nay, nhưng có thể thay đổi vào ngày mai", Leonard Saltz, trưởng khoa ung thư đường tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering-New York cho biết.