Chất lượng không khí là một trong những vấn đề được các nhà nghiên cứu môi trường và người dân đặc biệt quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống con người. Có nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng không khí. Trong đó, chỉ số ô nhiễm không khí là yếu tố tiêu biểu.
Chỉ số ô nhiễm không khí là thước đo đánh giá chất lượng của không khí hàng ngày. Chỉ số ô nhiễm không khí, hay còn gọi là chỉ số chất lượng không khí, chỉ số AQI (viết tắt của cụm từ Air Quality Index) được định nghĩa là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. Đây được coi như thước đo đơn giản hóa mức độ, tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo đó, thông qua chỉ số ô nhiễm không khí, có thể xác định được không khí xung quanh ở một khu vực, địa điểm nhất định nào đó đang ở tình trạng nào, không khí sạch hay ô nhiễm, nếu không khí bị ô nhiễm thì đang ô nhiễm ở mức độ nào.
Đọc thêm:
+ "Ô nhiễm không khí lúc sáng sớm", người dân hay tập thể dục buổi sáng ở khu đô thị lớn cần chú ý
+ 8 lời khuyên giúp bảo vệ phổi khi trời lạnh
Chỉ số ô nhiễm không khí có tác động lớn tới sức khỏe con người, có thể có những triệu chứng tiêu cực được biểu hiện ở sức khỏe khi tiếp xúc chỉ trong vài giờ, hoặc vài ngày với không khí ô nhiễm. Chỉ số ô nhiễm không khí càng cao thì sức khỏe con người gặp rủi ro càng lớn và ngược lại, chỉ số ô nhiễm càng nhỏ thì ít tác động tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Theo Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ, chỉ số AQI (chỉ số ô nhiễm không khí/chỉ số chất lượng không khí) được tính dựa vào 5 thông số ô nhiễm không khí chính. Cụ thể, các thông số ô nhiễm không khí chính bao gồm:
- Thông số ozon mặt đất.
- Thông số ô nhiễm phân tử (hạt lơ lửng): Thông số này thường được đánh giá thông qua hai chỉ số bụi mịn PM 2.5 và PM 10. Trong đó, bụi mịn PM 2.5 và PM 10 là những chất dạng hình hạt. Chúng có thể ở thể rắn hoặc lỏng.
- Thông số Carbon Monoxide (CO).
- Thông số Sulfur Dioxide (SO2).
- Thông số Nitrogen Dioxide (NO2).
Cần lưu ý, đối với mỗi chất gây ô nhiễm, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ đã thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, cơ quan này đã quy định một màu sắc cụ thể đối với từng khoảng giá trị chỉ số ô nhiễm không khí. Điều này nhằm giúp người dân dễ dàng hiểu được không khí bị ô nhiễm hay không, nếu bị ô nhiễm thì đang ở mức độ nào.
Một số nước trên thế giới có thang đo chỉ số ô nhiễm không khí/chỉ số chất lượng không khí riêng. Điển hình như: Chỉ số Sức khỏe và Chất lượng không khí Canada, Chỉ số Ô nhiễm không khí của Malaysia, chỉ số Tiêu chuẩn ô nhiễm của Singapore.
Như đã nói, chỉ số ô nhiễm không khí được chia thành nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó, chỉ số ô nhiễm không khí sẽ có mức độ là an toàn với sức khỏe, mức giới hạn và mức nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Cụ thể, chỉ số ô nhiễm không khí bao nhiêu là nguy hiểm được thể hiện rõ ràng trong bảng dưới đây:
Chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) | Chất lượng của không khí | Mức độ ảnh hưởng sức khỏe |
Từ 0 - 50 | Tốt | Không có ảnh hưởng đến sức khỏe |
Từ 51 - 100 | Trung bình | Chất lượng không khí ở mức có thể chấp nhận được. Những người nhạy cảm được khuyến cáo nên hạn chế thời gian ra ngoài. |
Từ 101 - 150 | Kém | Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhóm đối tượng nhạy cảm. Họ nên hạn chế thời gian đi ra ngoài. |
Từ 151 - 200 | Xấu | Nhóm đối tượng nhạy cảm không nên ra ngoài. Những đối tượng khác cần hạn chế ra ngoài. |
Từ 201 - 300 | Rất xấu | Cảnh báo sức khỏe ở mức độ khẩn cấp. Ảnh hưởng đến tất cả người dân. |
Từ 301 - 500 | Nguy hại, nguy hiểm | Chất lượng không khí ở mức đáng báo động, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. |
Như vậy, nếu như chỉ số ô nhiễm môi trường dưới 50 thì không ảnh hưởng tới sức khỏe con người thì chỉ số AQI trên 50 là đã có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là những người có cơ địa hay bị dị ứng.
Cần lưu ý, nếu chỉ số AQI từ 150 trở lên là rất xấu, đã tác động trực tiếp tới những người sinh sống ở khu vực đó. Lúc này, những người nhạy cảm như những người cao tuổi, trẻ em, những người có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp hay tim mạch... không nên ra ngoài và những đối tượng khác hạn chế ra ngoài. Như vậy, chỉ số ô nhiễm không khí trên 150 đã là nguy hiểm.
Vì vậy, ngay khi có kết quả đo chỉ số ô nhiễm không khí, các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp cụ thể và thiết thực, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người dân cũng như chất lượng cuộc sống của họ.
Theo đó, thông thường, trong những thời kỳ tình trạng không khí cực kì kém, chỉ số ô nhiễm không khí cao đến mức phơi nhiễm cấp tính có thể gây ra tác hại nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, các nhà chức trách sẽ đề xuất kế hoạch khẩn cấp phù hợp với thực tế. Ví dụ như giải pháp giảm thiểunguồn phát khí thải lớn để giảm lượng khí thải cho đến khi sự độc hại giảm bớt...
Khi phát hiện chỉ số ô nhiễm không khí cao, có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe con người, tất cả người dân cũng như các cơ quan chức năng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Các cơ quan chức năng cần thông báo cho người dân biết thực trạng ô nhiễm không khí tại khu vực mình để người dân chủ động trong việc phòng ngừa những tác hại xấu của ô nhiễm không khí tới sức khỏe.
- Phát động các phong trào bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, ngày hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp...
- Khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân để di chuyển.
- Khuyến khích sử dụng loại khẩu trang có chức năng lọc các hạt mịn để phòng tránh bụi mịn bay vào phổi...
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc chỉ số ô nhiễm không khí là gì cũng như chỉ số ô nhiễm không khí bao nhiêu là nguy hiểm và một số vấn đề cần lưu ý khi chỉ số ô nhiễm ở mức độ cao, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người.
Để không khí luôn sạch, mỗi người cần tự ý thức bảo vệ môi trường nói chung, tránh tình trạng ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.