Chế độ dinh dưỡng hợp lý sau phẫu thuật thoái hoá cột sống

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sau phẫu thuật thoái hoá cột sống
Phẫu thuật thoái hoá cột sống là phương pháp cần thiết khi bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động. Ngoài vật lý trị liệu thì chế độ ăn uống sau phẫu thuật cũng vô cùng quan trọng đối với người bệnh sau phẫu thuật.

Chế độ ăn uống luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu sau khi phẫu thuật thoái hóa cột sống. Người bệnh nên ăn thức ăn gì phải kiêng khem ra sao? Cùng tham khảo bài viết sau đây để có được những thông tin hữu ích nhé!

1. Thực phẩm nên bổ sung sau phẫu thuật thoái hóa cột sống

Sau phẫu thuật, hệ tiêu hoá và khẩu vị của người bệnh bị ảnh hưởng khá nhiều. Lời khuyên ở đây là bệnh nhân thoái hóa cột sống nên ăn các thức ăn được nấu chín mềm và không có quá nhiều gia vị. Việc ăn thức ăn mềm khiến quá trình tiêu hoá dễ dàng hơn và tránh tác động lên vết mổ. Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung thực phẩm thuộc các nhóm sau:

Nhóm thực phẩm giàu canxi: Canxi giúp quá trình hồi phục, tái tạo của các mô xương diễn ra nhanh hơn. Do đó, chúng đặc biệt hữu ích đối với các bệnh nhân sau phẫu thuật thoái hoá cột sống. Có thể bổ sung canxi thông qua các thực phẩm từ thực vật như: đậu nành, các loại rau có màu xanh đậm, các loại sữa,…

Nhóm thực phẩm giàu vitamin và chất xơ: Rau xanh, các loại hạt, bột yến mạch, khoai tây… là những thực phẩm cung cấp vitamin và chất xơ tốt nhất. Do tác dụng của thuốc kháng sinh, bệnh nhân thoái hóa cột sống thường xảy ra tình trạng khó tiêu, táo bón. Cung cấp các vitamin nhóm A, D, B giúp hỗ trợ chức năng hệ tiêu hoá và hồi phục nhanh.

Nhóm thực phẩm giàu Omega 3: Omega 3 có nhiều trong cá hồi, cá thu, hạt bí,... Nhóm thực phẩm này có tác dụng kháng viêm và hiệu quả trong việc giảm các cơn đau nhức do thoái hóa cột sống. Đây còn là các thực phẩm lành tính, hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.

2. Các thực phẩm cần chú ý kiêng khem sau mổ

Một số thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng được khuyến cáo là không thích hợp trong quá trình hậu phẫu thoái hóa cột sống. Người bệnh cần chú ý để tránh những biến chứng không đáng có do ăn uống không đúng cách. Các nhóm thực phẩm không nên sử dụng sau khi phẫu thuật thoái hoá cột sống bao gồm:

Nhóm thực phẩm quá giàu đạm: Các loại thịt quá nhiều protein như thịt bò, thịt chó, thịt cừu… được khuyên nên hạn chế cho người bệnh thoái hóa cột sống. Lượng đạm cao và được sử dụng thường xuyên làm chậm quá trình hồi phục của vết thương. Ngoài ra, chúng còn gây ra chứng khó tiêu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của bệnh nhân.

Thực phẩm chứa quá nhiều dầu mỡ: Dầu mỡ có nguồn gốc từ động vật không tốt cho người vừa mới phẫu thuật. Các món ăn dành cho người bệnh thoái hóa cột sống chỉ nên được chế biến thanh đạm, tránh chiên, rán hoặc xào với lượng mỡ cao.

Các thực phẩm như rau muống, thức ăn từ gạo nếp, trứng...: Đây là các loại thực phẩm có thể gây ra sẹo lồi đối với người dùng phương pháp mổ hở.

Các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá… đã được khuyến cáo không nên dùng cho người mắc thoái hoá cột sống. Đối với người vừa phẫu thuật lại càng nên tránh xa các chất này.

3. Các món ăn tham khảo cho người bệnh sau phẫu thuật thoái hoá cột sống

Tiêu chí của các món ăn dành cho người thoái hóa cột sống là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và hợp khẩu vị. Nếu còn đang băn khoăn chưa biết nên nấu món ăn nào thì bạn có thể tham khảo:

Cháo xương dê: Người bệnh không thể ăn các thức ăn quá cứng, nên cháo là lựa chọn tối ưu. Xương dê cung cấp nhiều canxi, tốt cho hệ tiêu hoá và người có vấn đề về xương khớp. Cháo sử dụng ít gia vị nên thanh đạm và dễ ăn. Có thể thêm gừng để món ăn trở nên tròn vị hơn.

Sườn heo nấu bí đao: Sườn heo thường được lựa chọn trong khẩu phần ăn của người phẫu thuật cột sống vì giàu vitamin và canxi, lượng protein lại vừa phải, không quá cao. Chất xơ từ bí đao giúp cân bằng dinh dưỡng và tránh tình trạng táo bón.


Tác giả: Thùy Dung