Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thường gây ra nhiều đau đớn, mệt mỏi cho người bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em. Một chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết hợp lí, khoa học sẽ giúp bé mau chóng hồi phục và lại sức.


Triệu chứng cơ bản nhất của người mắc sốt xuất huyết thường là sốt cao (trên 39 độ) không rõ nguyên nhân liên tục trong khoảng 2-7 ngày. Cùng với đó là các triệu chứng như đau đầu, đau nhức cơ, mất nước, đi tiểu ít, lượng tiểu giảm; chóng mặt, nôn mửa nhiều lần; chảy máu bất thường trên cơ thể: chảy máu răng, máu mũi, đi ngoài hoặc nôn ra máu....

Đối với các trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết, các triệu chứng này thường khiến bé đau đớn, khó chịu, mệt mỏi, bỏ ăn, quấy khóc... Hơn nữa, do sức đề kháng của trẻ còn non nớt nên bệnh thường có xu hướng tiến triển khá nhanh, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, nguy cơ xảy ra biến chứng là rất cao. 

Khi trẻ có các dấu hiệu trên, đặc biệt là trong thời điểm dịch bùng phát, cần sớm đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân. Nếu được chẩn đoán sốt xuất huyết, cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không nên tự ý thêm bớt hoặc ngưng sử dụng các loại thuốc để tránh tác dụng phụ.

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, để hạ sốt cho bé, chỉ nên sử dụng paracetamol theo đúng liều lượng phù hợp với cân nặng và lứa tuổi. Sử dụng thuốc quá liều hoặc các thành phần hạ sốt khác như aspirin, analgin, ibuprofen,... có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp chườm mát, lau người,... để hạ thân nhiệt cho bé.

Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc bệnh nhi, chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết là điều nên đặc biệt lưu ý. Một chế độ ăn khoa học, giàu dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết có thể giúp bệnh mau khỏi, bé nhanh chóng lấy lại sức và hồi phục.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết:

1. Tăng cường bù nước

Trong suốt thời gian sốt xuất huyết, trẻ sẽ liên tục bị mất nước do các cơn sốt gây ra, cùng triệu chứng nôn mửa làm cơ thể bé càng bị thiếu nước nghiêm trọng. Lúc này, cha mẹ cần lưu ý tới việc lựa chọn các loại thực phẩm có khả năng bù nước, chất điện giải và chất dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết.

Các loại đồ uống có khả năng bù nước cho cơ thể bao gồm: nước lọc, oresol, nước cam, nước dừa,... Đồng thời, trong thời gian này, cha mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ uống các loại nước không có lợi cho sức khỏe như nước ngọt có ga, trà sữa,...

2. Ăn các món dễ tiêu

Về chế độ ăn trẻ bị sốt xuất huyết cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như: ăn cháo, súp vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm và các loại đồ ăn cứng, khó nuốt.

Nên chế biến các món cháo, súp được nấu từ thịt gà, thịt bò, bí đỏ, cà rốt,... Đây là các loại thực phẩm giàu vitamin A, kẽm,... cung cấp đầu đủ chất dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức đề kháng. 

Các chuyên gia cũng lưu ý, nên thường xuyên thay đổi các nguyên liệu chế biến món ăn để kích thích vị giác, hạn chế chán ăn.

3. Sau khi điều trị sốt xuất huyết

Sau thời gian điều trị bệnh, nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết cũng thay đổi nhiều. Cùng với cảm giác thèm ăn bắt đầu quay trở lại, cha mẹ nên cho trẻ ăn "trả bữa". Tức là tiến hành chia nhỏ bữa ăn, chế biến các món ngon miệng, cân đối dinh dưỡng để tránh tình trạng tụt cân, suy dinh dưỡng sau này.

Như vậy, trong các giai đoạn của bệnh, cha mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết sao cho phù hợp và khoa học. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi sẽ quyết định phần lớn kết quả điều trị sốt xuất huyết ở trẻ.


Tác giả: Thảo Ngân