Chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng
Chế độ ăn khoa học và hợp lý sẽ giúp bệnh nhân nhanh hồi phục sức khỏe, giảm bớt sự tiến triển của bệnh. Vậy chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ là như thế nào?

Chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ cần được chú trọng để nâng cao sức khỏe, ngăn chặn nguy cơ tái phát. Protein, chất béo và carbohydrate cần được cung cấp đầy đủ và cân bằng. Bên cạnh đó, các bữa ăn cũng nên được chia nhỏ và nên ăn đa dạng các món ăn. 

1. Chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ cần đảm bảo đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng

- Bánh mì, uống sữa lúa mạch hoặc bánh quy chấm sữa; cháo, súp như cháo trai, cháo hàu nên được chế biến cho bữa sáng. Sau khi ăn, nên bổ sung thêm các loại trái cây như táo, cam, bưởi, hoặc ép trái cây thành nước uống để cơ thể dễ hấp thụ.

- Cần đảm bảo thịt nạc mỗi ngày không quá 150g, cá, rau xanh, trái cây. Ngoài ra thịt bò chứa nhiều protein rất tốt cho bệnh nhân sau đột quỵ. 

- Bệnh nhân nên ăn các loại rau củ như cải bắp, cải bó xôi, củ cải, cải cúc, súp lơ, rau muống... Rau có màu xanh đậm chứa nhiều chất xơ, giúp tăng cường máu lưu thông lên não, ổn định huyết áp. 

- Thịt và rau nên luộc hoặc hấp, nên chú ý cho lượng dầu thực vật vừa phải, hạn chế tối đa dầu mỡ. 

- Ăn nhiều cá (mỗi tuần 2 - 3 lần) để thu nhận acid béo hệ Omega 3 (có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu) có tác dụng bảo vệ mạch máu.

- Bổ sung trái cây, ăn các loại hạt hoặc chế biến ngũ cốc để uống vào chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ.

- Bệnh nhân đột quỵ nên uống sữa đậu nành hàng ngày vì chúng rất tốt cho sức khỏe mà không gây độc hay tác dụng phụ cho cơ thể. Mỗi ngày nên uống một cốc sữa đậu nành.

2. Chế độ ăn uống người bị đột quỵ nên tránh

- Không ăn hoặc chế biến thực phẩm quá nhiều muối vì muối sẽ làm tăng huyết áp, nguy cơ tái phát đột quỵ.

- Hạn chế tối đa các loại thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn.

- Hạn chế thực phẩm có đường như bánh ngọt, nước soda, nước ép trái cây, kẹo...

- Hạn chế các thức uống có cồn, rượu bia, không hút thuốc lá.

3. Những chú ý khi chăm sóc, hỗ trợ chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ

Cần chăm sóc, hỗ trợ chế độ ăn uống cho người bị đột quỵ cẩn thận do họ thường gặp phải chứng rối loạn nuốt, dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm phổi và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.

- Thức ăn của người bệnh cần được cắt nhỏ, nấu mềm, lỏng. Nếu có triệu chứng nhai khó, nuốt khó, thức ăn cần phải được xay nhuyễn.

- Nếu người bệnh có ho sặc, thức uống cần được chế biến đặc hơn (do chất lỏng chảy nhanh hơn, khiến bệnh nhân dễ sặc hơn).

- Cần ngồi thẳng khi ăn, uống thuốc, súc miệng.

- Nếu bệnh nhân không thể tự ngồi, người nhà nên quay đầu giường lên cao hoặc đỡ người bệnh xuống ghế có dựa lưng và chỗ đỡ tay, sử dụng gối chêm để hỗ trợ tư thế đúng và thoải mái. Tư thế tốt nhất là vuông góc ở hông, đầu gối và cổ chân, bàn chân chạm sàn hoặc để trên bục nếu ngồi trên giường cao.

- Sau khi ăn 30 phút, người bệnh cần ngồi hoặc đi tới lui để tránh trào ngược.

*Lưu ý: 

- Chỉ cho người bị đột quỵ ăn uống khi tỉnh táo:

- Khi ăn, uống chậm, từng muỗng, từng ngụm nhỏ.

- Nuốt 2 - 3 lần cho hết trước khi ăn, uống muỗng tiếp theo.

- Để thức ăn ở phía bên môi và lưỡi mạnh (bên yếu là bên thức ăn bị chảy ra ngoài).

- Không nói khi đang nhai và nuốt.

- Nếu người bệnh khó mở miệng, người nhà dùng tay hỗ trợ môi, hàm, cằm của người bệnh.

- Nhắc người bệnh nuốt nước bọt hoặc nhổ ra.

- Khi người bệnh ngậm lâu, người chăm sóc nhắc người bệnh nuốt bằng lời nói hoặc bằng động tác sờ vào 2 bên má người bệnh.


Tác giả: HNL