Chế độ ăn uống cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Chế độ ăn uống cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Lựa chọn thực phẩm lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý, khoa học là cách giúp bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nhanh chóng phục hồi.

Các bệnh nhân mắc bệnh ung thư tuyến giáp thường phải áp dụng các biện pháp điều trị như phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Việc điều trị bằng những phương pháp này thường gây cho bệnh nhân những tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi… Vì thế cần phải có một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt, thay đổi lối sống để hỗ trợ bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp điều trị bệnh được hiệu quả.

1. Nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

- Điều quan trọng nhất là người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp cần có một chế độ ăn uống nghiêm ngặt với hàm lượng iod thấp, đồng thời tránh những thực phẩm khô như bánh mì, bánh quy, khoai tây chiên… bởi những người mắc căn bệnh này khó nuốt và hay mệt mỏi. Những thức ăn dễ tiêu, lỏng nên được bổ sung vào chế độ ăn uống.

- Khi chế biến thức ăn cho người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên nấu chín để thực phẩm mềm, dễ ăn hơn. 

- Chọn thực phẩm giàu protein để bổ sung lượng calo và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Có thể nghiền rau và thịt hầm, nước ép trái cây để người bệnh dễ nuốt. 

- Bổ sung nhiều trái cây tươi và rau quả. Đồng thời nên chia bữa ăn làm nhiều bữa, mỗi bữa ăn một ít.

- Người bệnh ung thư tuyến giáp cần có một chế độ ăn uống nghiêm ngặt với hàm lượng iod thấp 

2. Người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp nên ăn gì và không nên ăn gì?

Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên ăn

Để kiểm soát trọng lượng, tăng năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh tật, người bệnh sau phẫu thuật  cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất bằng những thực phẩm sau:

- Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, các nguồn protein nạc và các acid béo omega-3.

- Bổ sung các loại rau củ, trái cây nhiều màu sắc, các sắc tố khác nhau của chúng đại diện cho các loại dưỡng chất thực vật khác nhau chứa trong thực phẩm cần thiết cho sức khỏe.

- Ăn nhiều rau lá xanh đậm để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu, vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần. Đặc biệt là các loại rau họ cải giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp. Ăn 5 - 10 khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày.

- Các loại đường tốt cho sức khỏe có trong các thực phẩm như trái cây, mía… nên được bổ sung vì chúng có chứa các chất dinh dưỡng chống ung thư, cung cấp năng lượng và giúp cơ thể chiến đấu chống lại bệnh tật.

Bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp tránh ăn

- Muối iod.

- Thực phẩm từ sữa, bao gồm phô mai, sữa, sữa chua, kem và bơ, bánh mì đóng gói và thực phẩm nướng.

- Chocolate.

- Cá và hải sản, rong biển và tảo bẹ.

- Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành khác, đậu lima, đậu tây, đậu pinto.

- Lòng đỏ trứng.

- Thực phẩm chế biến, thực phẩm nhiều chất béo và calo.

- Đồ uống có ga.

3. Nên kết hợp với chế độ luyện tập đối với bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

- Những người đang điều trị ung thư mệt mỏi là điều bình thường, thậm chí nhiều người mệt mỏi kéo dài sau thời gian điều trị gây rất nhiều khó khăn cho các hoạt động hàng ngày của họ. Tuy nhiên, việc tập thể dục có thể giúp giảm bớt mệt mỏi, nhưng cần tránh những bài tập tăng sức chịu đựng hoặc sức mạnh cơ bắp.

- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân duy trì chế độ tập luyện phù hợp với nhu cầu cá nhân sẽ cảm thấy tốt hơn về thể chất và tinh thần, đồng thời giúp chống lại bệnh tật tốt hơn.

- Một chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân ung thư tuyến giáp nhanh chóng hồi phục. 

- Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ điều trị để có thể xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất.


Tác giả: LPA