Chảy nước mắt sống là gì? Chảy nước mắt sống có phải làm dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ không?

Chảy nước mắt sống là gì? Chảy nước mắt sống có phải làm dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ không?
Nước mắt có tác dụng rất quan trọng trong việc giữ ẩm và làm sạch bề mặt nhãn cầu. Nhưng nếu xảy ra tình trạng chảy nước mắt sống thì có thể mắt bạn đang gặp vấn đề. Vậy chảy nước mắt sống là triệu chứng của bệnh gì? Khi nào nó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đau mắt đỏ?

1. Chảy nước mắt sống là gì?

Bình thường, nước mắt sẽ được dẫn vào lệ đạo rồi đi xuống mũi và miệng mà không thoát ra ngoài. Nếu vì lý do gì đó, nước mắt không thoát được mà trào ra từ góc trong của mắt, thì ta gọi hiện tượng này là chảy nước mắt sống. Nói đơn giản hơn, chảy nước mắt sống là tình trạng nước mắt tiết ra liên tục không kiểm soát được và không rõ nguyên do.

Chảy nước mắt là tình trạng không hiếm gặp và thường được khắc phục hiệu quả tại nhà. Nó có thể ảnh hưởng đến 1 hoặc cả 2 mắt. Chảy nước mắt sống có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến nhất ở trẻ dưới 12 tháng tuổi hoặc người trên 60 tuổi.

chảy nước mắt sống

Chảy nước mắt sống thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi và người trên 60 tuổi. (Ảnh Internet)

2. Chảy nước mắt sống có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

2.1. Tắc lệ đạo

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy nước mắt sống. Ngoài chảy nước mắt sống, tắc lệ đạo còn có thể làm mắt bị sưng và viêm. Nguyên nhân là do nước mắt bị đọng lại trong túi lệ lâu ngày gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng này cũng có thể dẫn đến viêm phần mũi gần mắt.

Tắc lệ đạo có thể được điều trị bằng cách day nắn vùng góc trong mắt, đồng thời nhỏ mắt bằng thuốc kháng sinh. Với trường hợp nghiêm trọng hơn thì cần bơm thông lệ đạo hoặc phẫu thuật nối thông tuyến lệ.

2.2. Khô mắt

Như bạn đã biết, vai trò của nước mắt là giữ ẩm và làm sạch mắt. Do vậy, nếu mắt bị khô thì tuyến lệ sẽ được kích thích để tăng sản xuất nước mắt. Nếu nước mắt tiết ra quá nhiều hoặc không bám dính bề mặt mắt mà thoát ra ngoài thì sẽ gây tình trạng chảy nước mắt sống.

2.3. Mắt bị nhiễm trùng

Khi bị nhiễm trùng, mắt sẽ tự động tăng tiết nước mắt để cố gắng rửa sạch vi khuẩn, virus và dịch ghèn. Các bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến thường gây chảy nước mắt sống là:

- Viêm kết mạc.

- Viêm bờ mi.

- Viêm giác mạc.

- Loét giác mạc.

- Dị ứng.

chảy nước mắt sống

Nhiễm trùng mắt cũng là nguyên nhân phổ biến gây chảy nước mắt sống. (Ảnh Internet)

2.4. Mắt bị kích ứng

Tương tự như khi mắt bị nhiễm trùng, khi bị kích ứng mắt cũng sẽ tăng tiết nước mắt nhằm xoa dịu các tổn thương và tống các dị vật ra khỏi mắt. Các kích ứng gây chảy nước mắt sống thường gặp là:

- Vết thương hay vết xước ở mắt.

- Có dị vật ở trong mắt.

- Hóa chất văng vào mắt.

- Lông quặm, lông mi mọc quặp vào trong mắt kích thích mắt liên tục.

- Lộn mí.

Ngoài các nguyên nhân trên, chảy nước mắt sống còn có thể là bị gây ra bởi liệt dây thần kinh số VII, giảm trương lực túi lệ do tuổi già mắt bị lão hóa, mi mắt có sẹo hoặc thừa nhiều da và mỡ, tác dụng phụ của một số loại thuốc,.....

3. Chảy nước mắt sống có phải làm dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ không?

Chảy nước mắt sống là một trong nhiều triệu chứng phổ biến của bệnh đau mắt đỏ. Bệnh đau mắt đỏ xảy ra khi mắt bị nhiễm trùng và viêm. Bệnh khiến mắt bị đau, sưng, đỏ và tiết nhiều dịch ghèn. Theo phản xạ tự nhiên, mắt sẽ tăng sản xuất nước mắt để làm sạch nhiễm trùng, đẩy trôi ghèn mắt, giữ ẩm và giúp mắt dễ chịu hơn.

Người bệnh sẽ chảy nước mắt sống đặc biệt nhiều nếu bị đau mắt đỏ do dị ứng. Nguyên nhân là dị ứng thường làm khô mắt. Điều này càng kích thích mắt sản xuất nhiều nước mắt hơn để giữ ẩm.

Chảy nước mắt sống có thể là dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ nếu đi kèm các triệu chứng sau:

- Mắt bị đỏ.

- Đau và khó chịu trong mắt.

- Ngứa mắt.

>> Mắt bị ngứa là dấu hiệu của những bệnh lý về mắt nào?

- Mi mắt có thể bị sưng nề.

- Cộm mắt, cảm giác như có sạn trong mắt.

- Mắt tiết ra nhiều dịch ghèn.

- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây chảy nước mắt sống, bạn vẫn nên đến bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám cẩn thận.


Tác giả: Mai Nhung