Chảy máu chân răng là dấu hiệu của bệnh gì?

Chảy máu chân răng là dấu hiệu của bệnh gì?
Tôi thường bị chảy máu chân răng mỗi khi đánh răng, ăn thức ăn cứng... mặc dù vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày. Tôi không biết nguyên nhân và cách chữa trị như thế nào cho hiệu quả?

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi thường bị chảy máu chân răng mỗi khi đánh răng, ăn thức ăn cứng... mặc dù vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày. Tôi không biết nguyên nhân và cách chữa trị như thế nào cho hiệu quả? Mong bác sĩ giải đáp

Nguyễn Mạnh Hùng (Quảng Ngãi)

Ảnh 1.

Ảnh:Soha

Chào bạn Mạnh Hùng,

Chảy máu chân răng là biểu hiện của một trong những bệnh lý răng miệng thường gặp như: viêm lợi, viêm nha chua, áp xe chân răng,... Cụ thể :

Viêm lợi: Nguyên nhân chủ yếu gây viêm lợi là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho các mảng bám, cao răng hình thành. Các mảng bám và cao răng ở lại trên răng gây kích thích lên lợi, chân răng. Theo thời gian, lợi trở nên sưng và chảy máu một cách dễ dàng.

Viêm nha chu: Đây là giai đoạn nặng của bệnh viêm lợi, thường xảy ra ở tuổi trung niên. Bệnh tiến triển âm thầm với dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là chảy máu chân răng. Ở giai đoạn nặng xuất hiện vôi đóng xung quanh chân răng, răng lung lay…

Áp xe chân răng: Áp xe răng là ổ mủ gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn ở phần trong của răng. Áp xe chân răng thường xảy ra như là kết quả của viêm hốc răng không được điều trị, hoặc răng bị thủng, vỡ cho phép vi khuẩn tấn công vào sâu bên trong. Khi răng lợi liên tục đau nhói, chân răng chảy nhiều máu, người lên cơn sốt, sưng tấy vùng mặt là khi các túi áp xe trở nên trầm trọng.

Ngoài những bệnh về răng miệng, chảy máu chân răng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh thuộc hệ thống tạo máu như: bệnh ưu chảy máu, bệnh giảm tiểu cầu, thiếu can-xi,.. hay các bệnh về gan và do ăn uống thiếu vitamin.

Mặc dù chảy máu chân răng không nghiêm trọng, nhưng nếu không tìm hiểu rõ nguyên nhân và có cách xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, bạn nên đi khám nha khoa và thực hiện các xét nghiệm tổng quát như công thức máu, máu đông máu chảy và xét nghiệm chức năng gan sớm nhất.

Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng cũng rất quan trọng. Bạn cần đánh răng sạch sẽ trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy. Chú ý, sử dụng bàn chải mềm để tránh gây tổn thương niêm mạc lợi và đánh răng theo đúng kỹ thuật (dọc theo chân răng từ trên xuống và từ dưới lên). Bạn có thể súc miệng thêm nước muối sinh lý hoặc các nước súc miệng trị viêm nướu và kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng thay vì dùng tăm. Đồng thời, bổ sung các thực phẩm dồi dào C và canxi vào chế độ ăn để luôn có một hàm răng khỏe mạnh, bạn nhé !

Theo suckhoedoisong.vn

Tác giả: Huyền Trang