Chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo đã từ lâu đã có nhiều cảnh báo về sức khỏe người sử dụng, trong đó có các vấn đề liên quan đến bệnh lý tim mạch.

Hàng triệu người Mỹ đang sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo mỗi ngày. Các chất này không chỉ có trong các loại nước ngọt, mà còn được tìm thấy ở các loại thức ăn nhẹ, các sản phẩm từ sữa, các món ăn chế biến sẵn...

Chất tạo ngọt nhân tạo thường được sử dụng để hạn chế các rủi ro sức khỏe có liên quan đến đường bổ sung có trong thực phẩm. Tuy nhiên khi sử dụng với hàm lượng cao, chất tạo ngọt nhân tạo cũng có thể là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.

Một nghiên cứu quan sát lớn được thực hiện gần đây bởi các nhà khoa học Pháp đã góp phần chứng minh rõ hơn điều này. Theo nghiên cứu mới, những người tiêu thụ nhiều chất tạo ngọt nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh mạch máu não cao hơn so với người bình thường.

Chi tiết của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí BMJ vào ngày 7 tháng 9 vừa qua.

Chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim - Ảnh 1.

Chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng ngày càng phổ biến - Ảnh: Internet

1. Nghiên cứu mới về chất tạo ngọt nhân tạo

Nghiên cứu mới được thực hiện với sự tham gia của hơn 103.000 người Pháp trưởng thành. Độ tuổi trung bình của những người này khi mới bắt đầu nghiên cứu là 42 tuổi, trong đó có gần 80% là phụ nữ.

Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia sẽ phải cung cấp các thông tin cá nhân như trình độ học vấn, hút thuốc lá và nghề nghiệp của bản thân. Cùng với đó họ cũng sẽ phải hoàn thành nhiều bảng câu hỏi để cung cấp các thông tin khác liên quan đến chế độ ăn uống, sức khỏe và tình trạng hoạt động thể chất.

Cứ mỗi 6 tháng một lần sẽ lại có một lần đánh giá lại về chế độ ăn uống của những người tham gia. Họ được yêu cầu trả lời chi tiết về những tất cả những loại thực phẩm mà họ đã sử dụng trong vòng 24 giờ trước đó.

Những thông tin này cho phép các nhà khoa học tính toán đầy đủ lượng chất tạo ngọt nhân tạo mà những người tham gia đã sử dụng từ tất cả các nguồn khác nhau. Đồng thời, nó cũng cho phép đánh giá việc những người tham gia đã sử dụng các loại thực phẩm khác như rau củ, trái cây, thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, ...

Không chỉ theo dõi, đánh giá vấn đề dinh dưỡng của những người tham gia mà các nhà khoa học còn thu thập thông tin về các vấn đề sức khỏe mà họ gặp phải. Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu báo cáo tất cả các vấn đề y tế mà họ mới gặp phải, cũng như các biện pháp thăm khám và can thiệp y tế đã thực hiện. Trong đó đặc biệt chú ý đến các vấn đề bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

Theo kết quả thống kê, khoảng 37% số người tham gia nghiên cứu có sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo. Những người tiêu thụ thấp sử dụng bình quân khoảng 8mg chất tạo ngọt nhân tạo mỗi ngày, trong khi đó, những người sử dụng nhiều tiêu thụ đến 78mg mỗi ngày. Trung bình lượng chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng bình quân ở những người này ở mức khoảng 42mg mỗi ngày.

Đặc điểm chung của những người sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo thường là những người trẻ tuổi, có chỉ số BMI cao, hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất.

Chế độ ăn uống của những người này đa phần đều là chế độ ăn kiêng giảm cân. Các loại đường bột, chất béo, rượu và tổng lượng calo được tiêu thụ ít hơn. Trong khi đó lại tăng cường sử dụng thịt đỏ, thịt chế biến sẵn hoặc các sản phẩm từ sữa.

Để loại bỏ khả năng sai lệch kết quả, các nhà khoa học đã tiến hành điều chỉnh những yếu tố như tuổi tác, giới tính, giáo dục, hoạt động thể chất, tiền sử bệnh lý tim mạch của gia đình. Và kể cả sau khi đã điều chỉnh, dường như vẫn có các dấu hiệu cho thấy sự gia tăng các biến cố tim mạch ở những người sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo.

Chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim - Ảnh 2.

Những người trẻ tuổi là những đối tượng có xu hướng sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo nhiều hơn - Ảnh: Internet

Đọc thêm: 

Cảnh báo: Sử dụng đường hóa học làm tăng nguy cơ mắc ung thư

Chất tạo ngọt nhân tạo có thể khiến bạn đói hơn hay không?

2. Chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Sau khi theo dõi những người tham gia nghiên cứu trong vòng 9 năm, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá sự khác biệt về nguy cơ tim mạch ở những người sử dụng nhiều chất tạo ngọt nhân tạo so với những người không sử dụng.

Phân tích cho thấy rằng, việc sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Trong đó, so với những người không sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo thì những người sử dụng nhiều chất tạo ngọt nhân tạo nhất có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 9%, nguy cơ mắc bệnh đột quỵ hoặc bệnh mạch máu não cao hơn đến 18%.

Không chỉ vậy, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo cũng thay đổi theo loại chất tạo ngọt mà họ thường sử dụng. Chẳng hạn người thường sử dụng aspartame có nguy cơ mắc bệnh mạch máu não cao hơn. Trong khi đó, những người thường sử dụng acesulfame kali và sucralose lại có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn.

Vì vậy, các tác giả của nghiên cứu cho rằng, không nên xem chất tạo ngọt nhân tạo trở thành sự thay thế lành mạnh và an toàn cho đường bổ sung. Nhất là trong bối cảnh các chất này đang được sử dụng một cách rộng rãi trong các sản phẩm thị trường toàn cầu.

3. Những điểm mạnh, điểm hạn chế của nghiên cứu

Theo Tiến sĩ Elizabeth H. Dineen, mặc dù nghiên cứu này đã được thực hiện tốt, thế nhưng vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế nhất định. Chẳng hạn như việc nghiên cứu này là một nghiên cứu quan sát, do đó nó không thể chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng chất tạo ngọt với tình trạng gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Còn Lori Chong - Chuyên gia dinh dưỡng đến từ Đại học Bang Ohio thì cho rằng, hầu hết các nghiên cứu trước đây tập trung phân tích vấn đề gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim liên quan đến chất tạo ngọt nhân tạo có trong thức uống. Nhưng trong nghiên cứu này, tất cả các nguồn thực phẩm khác đều đã được xem xét.

Bà giải thích, các loại thức uống là nguồn cung cấp lượng lớn chất tạo ngọt nhân tạo. Tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện trong cả các loại thực phẩm ít được nghĩ đến như bánh quy hay bánh mì.

Chẳng hạn, nghiên cứu này cho thấy các loại đồ uống chỉ cung cấp khoảng 58% chất tạo ngọt nhân tạo. Trong khi đó, có hơn 30% chất tạo ngọt được tiêu thụ ở dạng viên và khoảng 8% có trong sữa chua và pho mát.

Trước đó các tác giả cũng nghiên cứu mới này cũng từng công bố một báo cáo nghiên cứu khác hồi tháng 3 vừa qua trên Tạp chí PLoS ONE. Theo đó, tiêu thụ nhiều chất tạo ngọt nhân tạo có mối liên hệ với tăng nguy cơ ung thư, nhất là khi sử dụng aspartame và acesulfame-K.

Vì vậy, Tiến sĩ Elizabeth H. Dineen nhận xét, dựa trên các nghiên cứu này thì việc hạn chế sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo dường như là một điều thông minh. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất chính là làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch thông qua các chiến lược phòng ngừa, chẳng hạn như thông qua chế độ ăn uống. Kể cả khi đã có chẩn đoán chắc chắn mắc bệnh tim mạch, thì những chế độ dự phòng này vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

4. Dinh dưỡng tốt cho trái tim khỏe mạnh

Theo Chuyên gia dinh dưỡng Lori Chong, bà đã bắt đầu khuyên mọi người hạn chế sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo từ khi mà nghiên cứu này còn chưa được thực hiện. Tuy nhiên, hạn chế sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo không có nghĩa là phải tránh sử dụng bằng mọi giá.

Nói về điều này, bà gợi ý rằng hãy xem xét trong số thức ăn và đồ uống mà bản thân đang sử dụng thì những loại nào có chứa chất tạo ngọt nhân tạo. Sau đó, những thực phẩm này có thể bị cắt giảm bớt hoặc thay thế bằng các loại thực phẩm khác.

Chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim - Ảnh 3.

Chất tạo ngọt nhân tạo nên được thay thế bằng các loại thực phẩm khác lành mạnh hơn - Ảnh: Internet

Tuy vậy, cắt giảm hoặc thay thế chất tạo ngọt nhân tạo không đồng nghĩa với việc quay trở lại sử dụng đường bổ sung. Đường dù ở dạng nào đi chăng nữa cũng nên được sử dụng một cách hạn chế. Bởi theo Tổ chức Y tế Thế giới, năng lượng do đường bổ sung cung cấp không nên vượt quá 10% tổng năng lượng mà cơ thể được cung cấp hằng ngày.

Ngoài ra, bà cũng khuyến khích việc mọi người đọc danh sách thành phần của sản phẩm trước khi mua chúng. Những thực phẩm bảng thành phần ngắn gọn, đơn giản sẽ tốt hơn nhiều so với những bảng thành phần dài, phức tạp. Và cần lưu ý rằng đã mua đủ các loại thực phẩm không cần dán nhãn như trái cây, rau củ,...

Cuối cùng, Tiến sĩ Elizabeth H. Dineen kết luận rằng, các loại thực phẩm nhìn chung nên được xử lý càng ít sẽ càng tốt. Do đó việc tránh sử dụng đường nhân tạo là hành động có ý nghĩa tích cực, và nghiên cứu này đã giúp củng cố thêm quan điểm đó.

Nguồn tham khảo: Eating More Artificial Sweeteners May Increase Risk of Heart Disease


https://suckhoehangngay.vn/chat-tao-ngot-nhan-tao-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tim-20220913091137919.htm
Tác giả: QN