Trận đấu tối qua giữa đội tuyển U22 Singapore và đội tuyển U22 Việt Nam đã xảy ra một tình huống va chạm giữa Quang Hải và cầu thủ đội bạn ở phút thứ 18. Xem lại tình huống có thể thấy chân trái của Quang Hải bị cầu thủ đội bạn tì đè mạnh.
Sáng ngày 4/12, các bác sĩ và cán bộ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đưa Quang Hải tới bệnh viện Manila Doctors Hospital để khám chấn thương. Sau hơn 2 tiếng kiểm tra thì kết quả chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) cho biết, đội trưởng U22 Việt Nam bị rách cơ đùi sau.
Nếu thật sự đội trưởng của U22 Việt Nam bị rách cơ đùi mức độ nặng thì cơ hội để Quang Hải tiếp tục thi đấu tại SEA Games 30 trong trận gặp Thái Lan tới đây là rất khó, thậm chí là Quang Hải có thể phải "tạm biệt" SeaGame 30 sớm hơn đồng đội để tiếp nhận điều trị.
Thực tế, rách cơ là tình trạng thường xuyên xảy ra trong thể thao. Rách cơ được chia ra làm 3 loại chính dựa vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng rách cơ đối với người chơi thể thao.
Rách cơ độ 1: Là hiện tượng xảy ra khi cơ chỉ bị kéo căng quá mức và không tách khỏi gân. Các triệu chứng của rách cơ cấp độ 1 bao gồm đau và sưng nhẹ ở vùng bị ảnh hưởng.
Rách cơ độ 2: Khi chơi thể thao, rách cơ độ 2 xảy ra khi một phần cơ bị tách khỏi gân của nó. Triệu chứng bao gồm: đau, sưng, khó chuyển động tại một số phần cụ thể của chỗ bị rách cơ như tay, chân, đùi,...
Rách cơ độ 3: Đây là hình thức nghiêm trọng của rách cơ trong quá trình chơi thể thao, vận động mạnh quá sức. Rách cơ độ 3 là hiện tượng tách rời hoàn toàn khỏi gân của nó. Triệu chứng gồm: đau dữ dội, sưng, xuất hiện bầm tím trên vùng bị rách cơ và mất khả năng sử dụng vùng bị ảnh hưởng.
- Rách cơ gây ra hiện tượng đau khi sử dụng cơ bắp, đây là triệu chứng phổ biến nhất.
- Rách cơ khiến khu vực bị ảnh hưởng bị sưng và có vết bầm tím kèm ban đỏ.
- Đau dữ dội tại nơi bị rách cơ.
- Đau ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Gây tình trạng yếu cơ.
- Mất khả năng hoạt động của cơ bị rách.
Rách cơ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, xảy ra bất kỳ lúc nào do các tình huống nhất định:
- Tình trạng rách cơ xảy ra trước khi chơi thể thao khởi động chưa đúng cách.
- Tính linh hoạt kém trong các cơ.
- Vận động quá sức là nguyên nhân khiến rách cơ.
- Các tai nạn xảy ra như trượt, ngã.
- Rách cơ xảy ra khi nhảy từ một độ cao nhất định.
- Chạy quá sức, nâng vật nặng quá sức, tư thế sai hay các hoạt động thể thao không phù hợp đều gây ra hiện tượng rách cơ.
- Nhiều vết rách nhỏ có thể tự khỏi tại nhà, tuy nhiên bạn vẫn cần đến gặp bác sĩ để được xác định mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
- Các bác sĩ có thể khám và chỉ định xét nghiệm khác như X-quang hay MRI để xác định mức độ rách cơ, loại trừ khả năng bị gãy xương.
Tùy thuộc vào mức độ chấn thương, bác sĩ sẽ yêu cầu đeo dây hay nẹp cố định để chấn thương rách cơ phù hợp và đảm bảo chấn thương có thể nhanh hồi phục nhất.
Điều trị rách cơ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng rách cơ xảy ra chỉ là rách cơ một phần hay rách cơ hoàn toàn.
Rách cơ độ 1: Các phương pháp điều trị đơn giản, bạn có thể sử dụng Tylenol hoặc ibuprofen dưới dạng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Kèm theo chỉ cần cho cơ thể nghỉ ngơi, hạn chế cử động bộ phận bị thương nghỉ trong khoảng thời gian ngắn vài ngày và tránh tất cả các hoạt động nặng là có thể khỏi.
Rách cơ độ 2: Có thể được điều trị bằng phương pháp tương tự nhưng lưu ý quá trình điều trị sẽ kéo dài lâu hơn một chút.
Rách cơ độ 3: Đây là mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến cơ thể vì cơ hoàn toàn bị tách khỏi gân, vì thế mức độ này người bị rách cơ cần đến bác sĩ để phẫu thuật nối cơ.
Các chấn thương nhẹ ở cơ, có thể chăm sóc tại nhà và điều trị được tình trạng này chỉ cần tuân thủ:
- Nghỉ ngơi điều độ: Dành thời gian nhất định để cơ thể nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều. Tuy nhiên, sau 2 tuần nghỉ tập luyện thể thao để hồi phục tình trạng rách cơ xảy ra, bạn vẫn cảm thấy đau thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại.
- Chườm lạnh: Sử dụng túi vải chườm đá lên vết thương từ 15-20 phút, 2 giờ lại chườm lại 1 lần trong 2 ngày liên tục sau khi bị chấn thương. Áp dụng chườm lạnh có thể làm giảm hiện tượng sưng, viêm và chảy máu.
- Băng nén: Đối với người thường xuyên chơi thể thao, bạn có thể sử dụng băng thun để bảo vệ vết thương trong 48-72 giờ đầu. Tuy nhiên, không nên băng quá chặt vì có thể khiến máu khó lưu thông.
- Nâng cao chi bị thương: Nâng cao chi bị thương hơn mức tim sẽ làm giảm sưng. Nếu quá đau có thể nâng chi song song với mặt đất.
- Tránh tuyệt đối các yếu tố có thể làm nặng thêm vết thương trong 72 giờ đầu như: chườm nhiệt, dùng đồ uống có cồn (rượu, bia), chạy nhảy, xoa bóp vùng bị thương.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị rách cơ nếu đau và tình trạng rách cơ nghiêm trọng như: Acetaminophen, giảm đau theo đơn của bác sĩ,... Kèm thêm tập vật lý trị liệu để rách cơ nhanh hồi phục, sớm khôi phục chức năng vận động.
Thực tế, mức độ rách cơ đến độ nào thì sẽ ảnh hưởng đến thời gian hồi phục. Thời gian hồi phục rách cơ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Đối với rách cơ độ 1, 2 chỉ mất từ 3 - 5 tuần để bệnh nhân có thể trở lại hoạt động thể thao bình thường. Tuy nhiên, nếu rách cơ độ 3 hoặc khi được đề nghị phẫu thuật thì thời gian hồi phục có thể kéo dài đến 6 tháng với vật lý trị liệu.