Khớp gối là một trong các khớp xương lớn của cơ thể, chịu lực lớn do trọng lực của cơ thể tác động và do nhiều hoạt động khác nhau. Sự ổn định của khớp gối được tạo nên từ hệ thống các dây chằng khớp gối bao gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng ngoài và dây chằng trong. Vì thế, hệ thống dây chằng có vai trò đặc biệt tại khớp gối.
Trong các chấn thương có thể xảy ra tại khớp gối, chấn thương dây chằng chéo trong là một trong những chấn thương thường gặp nhất. Chấn thương dây chằng chéo trước thường xảy ra đột ngột khi bệnh nhân có vận động quá mạnh hoặc sự chuyển hướng đột ngột làm dây chằng bị giãn, rách không hoàn toàn hoặc thậm chí đứt, vì thế khiến bệnh nhân đau đớn và hạn chế sự vận động bình thường của khớp gối.
Vị trí dây chằng chéo trước (Ảnh: Internet)
Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chấn thương dây chằng chéo trong tại khớp gối. Những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
- Thay đổi hướng chuyển động của khớp gối một cách quá đột ngột.
- Tiếp đất không đúng tư thế khi bật nhảy, trèo cây, nhảy từ vị trí cao,...
- Giảm tốc độ khi di chuyển hoặc dừng lại hoàn toàn một cách đột ngột.
- Do các lực bên ngoài tác động như ẩu đả, tai nạn giao thông,...
Theo lý thuyết, bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị chấn thương dây chằng chéo trước, không phân biệt giới tính và tuổi tác. Nhưng, người ta cũng nhận thấy rằng một số yếu tố khác nhau có thể khiến nguy cơ bị chấn thương dây chằng chéo trước gia tăng, chằng hạn kể đến như:
- Vận động viên chơi các môn thể thao có cường độ cao như bóng đá, điền kinh,...
- Phụ nữ dễ dàng mắc chấn thương do chấn thương dây chằng chéo trước hơn so với nam giới do sức bền và sự kiểm soát hoạt động thể chất kém hơn ở nam giới.
- Sử dụng giày dép không phù hợp, chơi bóng đá trên mặt sân cỏ nhân tạo.
- Các tiêu chuẩn an toàn trong kỹ thuật, thiết bị và dụng cụ sử dụng không đảm bảo tốt,....
Chấn thương dây chằng trong chơi thể thao rất hay xảy ra (Ảnh: Internet)
Trên thực tế, để phân loại chấn thương dây chằng chéo trước thì người ta thường sẽ dựa vào mức độ tổn thương của dây chằng và sự ảnh hưởng của chấn thương dây chằng đến khớp gối. Chấn thương dây chằng khớp gối được chia làm ba mức độ, bao gồm:
- Mức độ 1: Dây chằng chéo trước có tổn thương chủ yếu là kéo căng, không có đứt rách nên vẫn có khả năng giữ cho khớp gối ổn định.
- Mức độ 2: Dây chằng chéo trước bị rách một phần do chấn thương, nó có thể bị giãn và trở nên dài hơn so với bình thường. Khả năng giữ ổn định khớp gối bị giảm nhiều so với độ một
- Mức độ 3: Dây chằng chéo trước bị tổn thương nặng nề dẫn đến đứt hoàn toàn dây chằng thành hai phần tự do. Đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước khiến khớp gối trở nên rất lỏng lẻo.
Khi bị chấn thương dây chằng chéo trước bị chấn thương, có khá nhiều các triệu chứng tương đối điển hình xuất hiện. Phát hiện sớm các triệu chứng này là cơ sở để nhận biết sớm bệnh và định hướng chẩn đoán, điều trị.
- Tiếng bất thường tại khớp gối: Một số bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo trước mô tả rằng họ nghe thấy một tiếng động lạ xuất hiện tại đầu gối khi bị chấn thương. Tiếng động này nghe tương tự như tiếng của một sợi dây kéo căng sau đó bị đứt.
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều có thể nghe được tiếng động bất thường này, nó chỉ hay gặp ở bệnh nhân chấn thương gây đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn.
Đau là một triệu chứng xuất hiện phổ biến nhưng không đặc hiệu khi bị chấn thương dây chằng chéo trước (Ảnh: Internet)
- Đau: Đau là một triệu chứng xuất hiện phổ biến nhưng không đặc hiệu khi bị chấn thương dây chằng chéo trước. Người bệnh thường cảm thấy đau đớn xảy ra tại khớp gối, đau sẽ tăng lên khi bệnh nhân di chuyển hoặc đứng lên.
- Sưng khớp gối: Khớp gối khi bị chấn thương dây chằng chéo trước cũng thường sẽ bị sưng và trở nên lớn hơn so với kích thước bình thường vốn có. Sưng thường sẽ nhiều nhất trong khoảng thời gian 24h đầu sau chấn thương. Bệnh nhân có thể giảm bớt tình trạng sưng tại đầu gối bằng cách kê chân cao hoặc chườm lạnh (tại khớp gối).
- Cảm giác lỏng lẻo: Dây chằng chéo trước có vai trò giữ ổn định cho khớp gối khi vận động. Do đó, khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, người bệnh có thể cảm thấy khớp gối trở nên lỏng lẻo hơn, không vững khi cử động.
- Hạn chế vận động: Sau khi chấn thương dây chằng chéo trước, người bệnh có thể cảm thấy các hoạt động ở khớp gối bị trở nên hạn chế. Nguyên nhân sự hạn chế vận động tại khớp gối có rất nhiều chẳng hạn như đau đớn, cảm giác lỏng lẻo không vững, sưng nề,...
Một số nghiệm pháp khác nhau có thể được sử dụng trong chẩn đoán chấn thương dây chằng chéo trước. Bác sĩ sẽ thực hiện các nghiệm pháp này để đánh giá sự chuyển động và lỏng lẻo bất thương tại các vị trí chi phối bởi dây chằng chéo trước.
Nghiệm pháp đánh giá chấn thương dây chằng chéo trước thường được sử dụng nhiều nhất trên lâm sàng là nghiệm pháp Lachman, được thực hiện như sau:
Bác sĩ cho bệnh nhân gấp gối từ 20-30 độ, sau đó một tay giữ đùi phía trên gối của bệnh nhân còn một tay giữ cẳng chân bệnh nhân (ngón tay cái ấn vào xương chày của người bệnh). Bác sĩ tiến hành kéo xương chày ra xa đùi.
Mặc dù các nghiệm pháp thăm khám có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chấn thương dây chằng chéo trước nhưng kết quả của nó lại phụ thuộc nhiều vào cảm giác chủ quan và kinh nghiệm của người khám vì vậy không phải bao giờ kết quả cũng đảm bảo chính xác. Nên bên cạnh sử dụng các nghiệm pháp kiểm tra lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm như:
- X-Quang: Mặc dù sự tổn thương dây chằng chéo trước không thể hiện thị trên kết quả phim X-Quang nhưng bác sĩ vẫn có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện để loại trừ trường hợp có gãy xương xảy ra.
- MRI và siêu âm: MRI và siêu âm là những xét nghiệm hình ảnh có độ nhạy cao với các tổn thương phần mềm do dó có thể phát hiện tốt các tổn thương tại dây chằng chéo trước nếu có.
- Nội soi: Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân nội soi khớp để chẩn đoán chấn thương dây chằng chéo trước. Camera nội soi sẽ được đưa và khớp gối thông qua một đường rạch nhỏ, từ đó sẽ phản ánh hình ảnh tổn thương thực tế của dây chằng chéo trước.
Sự điều trị chấn thương dây chằng chéo trước có sự khác biệt nhất định giữa các bệnh nhân phụ thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng mà bệnh nhân mắc phải. Tuy nhiên cơ bản quá trình điều trị sẽ trải qua một số nội dung như sau:
Sau khi bệnh nhân bị chấn thương dây chằng chéo trước, sơ cứu ban đầu là một bước rất quan trọng để đảm bảo không có các tổn thương nặng nề hơn cũng như giảm bớt đau đớn cho người bệnh.
- Người bệnh nên được hạn chế vận động sau khi bị chấn thương dây chằng chéo trước.
- Có thể chườm lạnh để giảm sưng và giảm đau. Trong trường hợp không có đá lạnh ngay để chườm thì có thể sử dụng băng ép để giảm sưng.
- Nếu có chảy máu thì bệnh nhân cần được cầm máu bằng băng ép, hoặc nếu chảy máu nhiều do đứt động mạch lớn thì có thể garo để cầm máu.
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Chườm lạnh để giảm sưng và giảm đau (Ảnh: Internet)
Một số loại thuốc giảm đau kháng viêm có thể được sử dụng cho bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo trước để điều trị cho bệnh nhân. Nhóm thuốc thường được sử dụng nhiều là thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid (ibuprofen, Naproxen,...), nhưng nếu bệnh nhân có đau hoặc viêm dữ dội thì bác sĩ có thể tiêm Steroid cho bệnh nhân nhằm giảm tình trạng trên.
Nếu bệnh nhân bị chấn thương dây chằng chéo trước mức độ nặng mà sự hồi phục tự nhiên không thể giúp bệnh nhân khôi phục trạng thái tốt nhất cho khớp gối thì bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để điều trị chấn thương dây chằng chéo trước.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ nối phần dây chằng chéo trước, hoặc toàn bộ hoặc sử dụng một mẫu mô được lấy tại khu vực khác của cơ thể để thay thế để phục hồi lại dây chằng chéo trước cho bệnh nhân.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ nối phần dây chằng chéo trước (Ảnh: Internet)
Vật lý trị liệu sau chấn thương dây chằng chéo trước là một nội dung cực kỳ quan trọng để giúp bệnh nhân có thể lấy lại được sự hoạt động của khớp gối tối đa nhất có thể. Người bệnh có thể được chỉ định tập luyện vật lý trị liệu trong vài ngày hoặc vài tuần sau chấn thương, hoặc cũng có thể trong thời gian dài hơn nếu sự tổn thương nặng nề.
Khi bị chấn thương dây chằng chéo trước bệnh nhân có thể đối mặt với một số biến chứng khác nhau như:
- Nguy cơ xảy ra viêm khớp gối sau chấn thương dây chằng chéo trước. Nguy cơ này có thể tồn tại kể cả khi bệnh đã được phẫu thuật tái tạo dây chằng. Một số yếu tố gia tăng nguy cơ viêm khớp sau chấn thương dây chằng khớp gối bao gồm mức độ nặng của chấn thương, các chấn thương kèm theo tại khớp gối,...
- Hạn chế vận động: Hạn chế vận động vừa là một triệu chứng nhưng đây cũng là một biến chúng của chấn thương dây chằng chéo trước. Hạn chế vận động gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bệnh nhân, sự hoạt động khớp gối của bệnh nhân có thể sẽ rất khó khôi phục hoàn toàn kể cả khi được điều trị tích cực.
Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể gặp một số biến chứng khác khi bị chấn thương dây chằng chéo trước như đau khớp do tư thế vận động bất thường, teo cơ do giảm vận động,...
- Rau xanh và hoa quả: Rau xanh và hoa quả là nguồn thực phẩm quý giá chứa nhiều các loại vitamin (B,C, E,...) và các khoáng chất khác nhau. Vì vậy, sau chấn thương dây chằng chéo trước người bệnh nên được bổ sung nhiều hơn các loại rau củ, hoa quả trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Thực phẩm giàu chất đạm: Sự hồi phục, tái tạo các cấu trúc bị tổn thương do chấn thương dây chằng chéo trước cần được đảm bảo bởi nguồn nguyên liệu phong phú và nguồn năng lượng dồi dào. Những thực phẩm giàu chất đạm sẽ giúp cung cấp cho bệnh nhân nhiều hơn các loại acid amin cần thiết cho quá trình này khiến bệnh nhân hồi phục nhanh chóng hơn.
- Thực phẩm giàu acid béo omega 3: Omega 3 là một loại acid béo đặc biệt, nó có thể hỗ trợ cơ thể hình thành collagen hiệu quả hơn và kháng viêm rất tốt. Người bệnh có thể bổ sung omega 3 bằng cách sử dụng các loại cá hồi, cá ngừ,...
Bên cạnh các loại thực phẩm tốt sau khi bị chấn thương dây chằng chéo trước như đã kể trên thì cũng có một số loại thực phẩm nên kiêng dùng như:
- Thực phẩm chế biến sẵn: Những loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, mì tôm, đồ hộp,... là những thực nên kiêng sử dụng sau khi bị chấn thương dây chằng chéo trước. Một số chất có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn này có thể khiến vết thương trở nên lâu lành hơn và không tốt cho sức khỏe.
- Thực phẩm giàu chất béo: Những loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất béo quá cao như các món chiên xào, thịt mỡ, nội tạng động vật,... có thể khiến quá trình viêm diễn ra mạnh hơn. Vì thế người bệnh chấn thương dây chằng chéo trước cũng nên hạn chế sử dụng những loại thực phẩm này.
- Đồ uống có cồn: Các loại đồ uống có cồn như rượu, bia,... cũng là thực phẩm không tốt sau khi bị chấn thương dây chằng chéo trước. Chúng gây ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương và khiến bệnh nhân dễ bị té ngã hơn khi sử dụng.
Không thể phòng tránh hoàn toàn chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra, nhưng một số biện pháp nhất định có thể hạn chế phần nào nguy cơ chấn thương. Chẳng hạn như:
- Tập luyện thể dục thể thao: Tập luyện thể dục thể thao nhiều hơn là biện pháp giúp nâng cao sức chịu đựng của cơ thể nhằm hạn chế các chấn thương xảy ra. Trong đó, việc chú trọng nhiều hơn các bài tập cho vùng gối là biện pháp tốt để có thể phòng tránh chấn thương dây chằng chéo trước.
Nâng cao sức chịu đựng của khớp gối giúp giảm thiểu chấn thương không mong muốn (Ảnh: Internet)
- Thực hiện đúng kỹ thuật: Khi luyện tập thể dục thể thao, hay khi thực hiện các động tác có khả năng gây chấn thương dây chằng chéo trước như xoay, vặn người,... thì người bệnh nên thực hiện những động tác này đúng kỹ thuật để phòng tránh chấn thương.
- Sử dụng các thiết bị, dụng cụ an toàn: Các thiết bị hỗ trợ, dụng cụ hỗ trợ như giày dép, ván trượt,... được sử dụng cần phải có kích cỡ phù hợp và đảm bảo các yêu cầu an toàn, tránh chấn thương.
- Sử dụng nẹp: Bên cạnh các biện pháp trên thì người bệnh còn có thể sử dụng nẹp để hỗ trợ nâng đỡ khớp gối, giảm áp lực lệ khớp gối từ đó làm giảm nguy cơ chấn thương.
Nếu trường hợp chấn thương dây chằng chéo trước chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ, dây chằng không có tổn thương đứt, rách mà chỉ bị giãn nhẹ thì bệnh nhân có thể tự khỏi bệnh mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bệnh nhân được hướng dẫn chuyên môn và các bài tập hồi phục từ bác sĩ.
Nhìn chúng, không có con số cụ thể về thời gian bình phục sau khi bị chấn thương dây chằng chéo trước. Bệnh nhân có thể khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng nếu chỉ tổn thương dây chằng nhẹ, hoặc cũng có thể cần đến hàng năm để hồi phục nếu tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, các yếu tố như dinh dưỡng, vận động sau chấn thương cũng ảnh hưởng lớn đến thời gian hồi phục của người bệnh.
Hầu hết bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo trước đều có sự hồi phục tốt sau khi được phẫu thuật tái tạo dây chằng, tỷ lệ khoảng 82-95%. Chỉ có khoảng 8% số bệnh nhân sau phẫu thuật có sự hồi phục không tốt.
Tuy nhiên, ở những bệnh nhân không phẫu thuật khi bị chấn thương dây chằng chéo trước thì có đến 50% số bệnh nhân bình phục kém.