Dây chằng chéo sau là một bộ phận trong hệ thống dây chằng cố định đầu gối, có tác dụng nối đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Dây chằng chéo sau ở trạng thái bình thường có tác dụng giúp đầu gối đối kháng các lực có tác dụng theo hướng trước sau tránh đầu gối bị di chuyển ra sau quá nhiều.
Trong trường hợp dưới tác dụng của lực tác động khiến cấu trúc của dây chằng chéo sau bị tổn thương sẽ khiến khả năng ổn định trong hoạt động của khớp gối bị suy giảm, người ta gọi đây là tình trạng chấn thương dây chằng chéo sau. Chấn thương dây chằng chéo sau là nguyên nhân của hơn 20% các trường hợp chấn thương dây chằng khớp gối.
Chấn thương dây chằng chéo sau có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng điểm chung của hầu hết các nguyên nhân này đều là tạo nên một lực tác động lên khớp gối vượt quá khả năng chịu đựng của dây chằng chéo sau khiến nó bị tổn thương.
Những nguyên nhân gây chấn thương dây chằng chéo sau thường thấy trên thực tế kể đến như:
- Vặn xoắn khớp gối do chơi thể thao.
- Vận động sai tư thế.
- Tai nạn giao thông.
- Tai nạn lao động.
- Té ngã.
- Ẩu đả.
Theo thống kê cho thấy, các vận động viên (đặc biệt là các vận động viên các môn thể thao mạnh như bóng đá, điền kinh,...) là những đối tượng có nguy cơ mắc chấn thương dây chằng chéo sau lớn hơn nhiều so với các đối tượng khác.
Chấn thương dây chằng chéo sau trên thực tế có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ cho đến rất nghiêm trọng. Và việc đánh giá mức độ tổn thương của dây chằng chéo sau chính xác là công việc không dễ dàng.
Trên thực tế, dựa vào mức độ tổn thương của dây chằng chéo sau mà người ta thường phân chấn thương dây chằng chéo sau thành 3 mức độ khác nhau, bao gồm:
- Mức độ nhẹ: Chấn thương chỉ gây nên các tổn thương nhỏ ở dây chằng chéo sau của khớp gối hoặc gây kéo dãn dây chằng chéo sau. Chấn thương dây chằng chéo sau mức độ nhẹ thường không ảnh hưởng lớn đối với sự ổn định của khớp gối và có tiên lượng tốt.
- Mức độ trung bình: Chấn thương gây rách dây chằng chéo sau của khớp gối. Do dây chằng chéo sau bị rách nên khả năng giữ ổn định khớp gối bị suy giảm đáng kể. Tình trạng này biểu hiện rõ ràng hơn khi di chuyển hoặc thực hiện các nghiệm pháp kiểm tra.
- Mức độ nặng: Chấn thương khiến dây chằng chéo sau đứt hoàn toàn khiến sự ổn định của khớp gối giảm rất nhiều. Chấn thương dây chằng chéo sau mức độ nặng thường do một lực rất lớn tác động trực tiếp lên khớp gối. Đồng thời, chấn thương dây chằng chéo sau mức độ nặng thường sẽ có kèm theo chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương do chấn thương dây chằng chéo sau gây nên mà bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng ở các mức độ khác nhau. Những triệu chứng này có thể biểu hiện hết sức rầm rộ nhưng cũng có thể chỉ biểu hiện mờ nhạt, khó phát hiện khiến người bệnh chỉ có thể tình cờ phát hiện bệnh trong một thăm khám nào đó.
Những triệu chứng lâm sàng thường thấy trong chấn thương dây chằng chéo sau:
- Đau: Đau là triệu chứng phổ biến nhất khi bị chấn thương dây chằng chéo sau. Cảm giác đau thường xuất hiện sớm ngay khi có chấn thương xảy ra nhưng cũng có thể xuất hiện sau khi chấn thương xảy ra từ 1-2 tuần. Đau liên tục và thường sẽ giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi khớp gối và tăng lên khi vận động hoặc quỳ.
- Sưng khớp gối: Sưng khớp gối cũng là một triệu chứng thường gặp trên bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo sau. Sưng thường xuất hiện ở giai đoạn sớm sau khi có chấn thương xảy ra. Sau một thời gian, triệu chứng sưng tại khớp gối có thể lui dần kể cả khi bệnh nhân không được điều trị.
- Dáng vận động bất thường: Dáng vận động bất thường (dáng đi, tư thế vận động)có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị chấn thương dây chằng chéo sau.
Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh nhân có bị chấn thương dây chằng chéo sau hay không thì bác sĩ còn có thể thực hiện một số các nghiệm pháp kiểm tra chuyên khoa. Điều này sẽ giúp đánh giá sự ổn định của khớp gối và đối chiếu, so sánh với bên còn lại để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Những cận lâm sàng được sử dụng chủ yếu để chẩn đoán chấn thương dây chằng chéo sau chủ yếu là các xét nghiệm hình ảnh học.
- X-Quang: Bệnh nhân có thể được cho chụp X-Quang để loại trừ gãy xương nếu có.
- MRI: Hình ảnh trên phim chụp MRI cho phép thấy rõ sự tổn thương trên dây chằng chéo sau. Đây là một cận lâm sàng có giá trị trong chẩn đoán chấn thương dây chằng chéo sau.
- Nội soi khớp gối: Trong trường hợp khó khăn trong chẩn đoán chấn thương dây chằng chéo sau thông qua các hình ảnh trên phim chụp thì bác sĩ có thể cho bệnh nhân thực hiện nội soi khớp để quan sát trực tiếp sự tổn thương dây chằng chéo sau.
Phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo sau được lựa chọn phụ thuộc vào tình trạng tổn thương dây chằng mà bệnh nhân gặp phải. Đôi khi bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn, nhưng nếu tình trạng trầm trọng thì sự can thiệp phẫu thuật là cần thiết.
- Thuốc: Các loại thuốc được sử dụng trong chấn thương dây chằng chéo sau chủ yếu là các loại thuốc giảm đau không kê đơn. Nhóm thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất là các thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid (ibuprofen, naproxen,...).
- Vật lý trị liệu: vật lý trị liệu là nội dung không thể thiếu trong điều trị chấn thương dây chằng chéo sau. Các bài tập thích hợp có thể giúp bệnh nhân cải thiện khả năng vận động và ngăn ngừa các biến chứng do chấn thương dây chằng chéo sau gây nên.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật thường là lựa chọn chỉ định cho các trường hợp chấn thương dây chằng chéo sau khiến dây chằng rách nhiều hoặc đứt hoàn toàn mà không có khả năng hồi phục qua trị liệu. Nó cũng có thể được chỉ định khi chấn thương dây chằng chéo sau kèm theo với rách sụn hoặc phối hợp với chấn thương các dây chằng khác.
Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của y học mà hầu hết các phẫu thuật phục hồi dây chằng trong chấn thương dây chằng chéo sau đều được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Vì vậy thời gian bệnh nhân bình phục sau phẫu thuật cũng nhanh hơn trước kia rất nhiều, đồng thời khiến phẫu thuật an toàn và ít biến chứng hơn.
Đối với bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo sau, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng là một yếu tố không thể bỏ qua.
- Rau xanh, hoa quả: Rau xanh và hoa quả là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và rất nhiều các khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Vì vậy người bị chấn thương dây chằng chéo sau nên tích cực bổ sung rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Thực phẩm giàu đạm: Thực phẩm giàu đạm chẳng những là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào mà nó còn là nguồn nguyên liệu để cơ thể tổng hợp, tái tạo lại các tổ chức bị tổn thương. Những thực phẩm giàu đạm mà bệnh nhân có thể sử dụng như thịt, cá, các loại đậu,...
- Sữa: Sữa là một nguồn thực phẩm cực kỳ tốt cho bệnh nhân bị chấn thương dây chằng chéo sau, bởi nó chứa nhiều dinh dưỡng, nhiều chất đạm cùng với các loại khoáng chất khác nhau. Tuy nhiên, nên sử dụng sữa ít béo nếu bệnh nhân có chỉ số cân nặng/chiều cao (BMI) lớn.
Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo sau như đã nêu thì bệnh nhân cũng cần lưu ý kiêng sử dụng một số loại thực phẩm không tốt cho tình trạng bệnh như:
- Thức ăn chế biến sẵn: Các loại thức ăn chế biến sẵn, đồ hộp,.. mặc dù rất tiện dụng như lại khiến cho phản ứng viêm, xung huyết tại khu vực tổn thương diễn ra mạnh hơn. Do đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Thức ăn chứa nhiều đường: Các loại thức ăn có chứa quá nhiều đường cũng có khả năng khiến phản ứng viêm diễn ra tồi tệ hơn. Vì thế đây cũng là loại thực phẩm không tốt cho bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo sau.
Ngoài ra, bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo sau còn được khuyên nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm khác như thức ăn cay nón, rượu, bia,... để quá trình bình phục thuận lợi hơn.
Để phòng tránh tích cực chấn thương dây chằng chéo sau xảy ra, hãy lưu ý một số điều sau đây:
- Luôn luôn khởi động kỹ trước khi vận động, luyện tập thể dục thể thao,... Những động tác khởi động thích hợp sẽ khiến các dây chằng làm quen dần với cường độ hoạt động của bạn, trở nên dẻo dai hơn và bền hơn.
- Không nên vận động quá mạnh ngay lập tức mà nên tăng cường độ vận động của bản thân một cách từ từ, tăng dần cường độ.
- Thực hiện các động tác vận động đúng kỹ thuật, đúng tư thế để hạn chế tối đa nguy cơ chấn thương dây chằng chéo sau xảy ra.
- Chấn thương dây chằng chéo sau có nguy hiểm không?
Chấn thương dây chằng chéo sau là một tổn thương nguy hiểm. Nó có thể kèm theo các chấn thương khác tại khớp gối hoặc gây các tổn thương thứ phát do tư thế vận động biến dạng sau chấn thương. Hoặc nó cũng có khả năng tăng nguy cơ mắc viêm khớp cao hơn ở những người bình thường.
- Chấn thương dây chằng chéo sau bao lâu thì khỏi?
Thời gian bình phục của bệnh nhân chấn thương dây chằng chéo sau phụ thuộc lớn vào mức độ tổn thương mà bệnh nhân gặp phải. Thông thường, để bệnh nhân có thể bình phục hoàn toàn sau khi bị chấn thương dây chằng chéo sau sẽ cần khoảng từ 4 cho đến 12 tháng.
- Bạn nên gặp bác sĩ khi nào?
Nếu chấn thương dây chằng chéo sau chỉ gây nên các tổn thương rất nhỏ, các triệu chứng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì bệnh nhân có thể không cần thiết phải đến bệnh viện.
Tuy nhiên nếu chấn thương nghiêm trọng, các triệu chứng rầm rộ, chi biến dạng, sưng đau nhiều thì người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán sớm.