Chặn nguồn lây 'nhập khẩu' - bài học từ Trung Quốc

Chặn nguồn lây 'nhập khẩu' - bài học từ Trung Quốc
Vũ Hán vừa thoát khỏi tình trạng phong tỏa vào đầu tháng này thì đến lượt Cáp Nhĩ Tân, thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang, tuần trước bị phong tỏa chỉ vì để sót lọt 1 du học sinh về nước 'siêu lây nhiễm'.
Chặn nguồn lây nhập khẩu - bài học từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Các nhân viên mặc đồ bảo hộ tìm kiếm những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc cuối tuần trước - Ảnh: AFP

Trường hợp này cho thấy nguy cơ COVID-19 có thể đến gõ cửa lần hai nếu các nước kiểm soát không chặt.


“Trong khi các ngành kinh doanh ở Trung Quốc đang dần mở lại, mối lo lớn nhất của nước này vẫn là những bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng và các ca nhập từ nước ngoài - điều mà nhà chức trách nước này lo sợ có thể gây ra làn sóng dịch thứ hai.

Báo STRAITS TIMES viết

Kẽ hở ở các ca nhiễmtừ nước ngoài

Hơn 70 người đã nhiễm bệnh và hơn 4.000 người được xét nghiệm tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang sau khi COVID-19 được cho là nhập vào thành phố này qua một nữ du học sinh họ Hàn (22 tuổi) vừa quay về từ New York (Mỹ) hồi tháng 3.

Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy âm tính và cô gái không biểu hiện triệu chứng. Cô gái được cách ly tại nhà thay vì ở các cơ sở cách ly tập trung. 

Tuy nhiên, sau đó giới chức y tế cho biết cô là "người mang virus thầm lặng". Cô gái thậm chí đi đến Thượng Hải chơi sau khi hết cách ly và được xác định là nguồn lây nhiễm cho hàng chục người.

Tính đến 0h ngày 26-4, cả tỉnh Hắc Long Giang ghi nhận tổng cộng 386 ca nhập từ nước ngoài và 549 ca lây lan trong cộng đồng địa phương. Tỉnh này cũng ghi nhận tổng cộng 18 ca nhập từ nước ngoài không biểu hiện triệu chứng. 

Hãng tin Kyodo bình luận Hắc Long Giang đã trở thành tâm dịch của làn sóng COVID-19 thứ hai ở Trung Quốc.

Cách đây hơn 3 tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng yêu cầu giới chức nước này tăng cường công tác quản lý các ca không có triệu chứng và hạn chế các ca nhập từ nước ngoài, xem đây là biện pháp quan trọng nhất hiện tại và có thể trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, câu chuyện tại Hắc Long Giang cho thấy dường như đã có sơ hở trong việc quản lý các ca nhập từ nước ngoài khi ít nhất 18 quan chức tại đây, gồm một phó thị trưởng, bị trừng phạt.

Tại một cuộc họp báo của Chính phủ Trung Quốc cuối tuần trước, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong đánh giá nhiệm vụ ngăn sự trở lại của dịch COVID-19 tại Trung Quốc do các ca nhập từ nước ngoài hiện vẫn còn "khó khăn gian khổ".

Ông Mễ Phong cho biết số quốc gia bắt nguồn để các ca nhập từ nước ngoài đã tăng lên 50, tính đến ngày 24-4. Tính đến ngày 25-4, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 1.634 ca nhập từ nước ngoài.

Xử lý ca nhiễm từ nước ngoài ra sao?

Gần đây, Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý di dân quốc gia Trung Quốc đã thông báo sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế nhất định với những người nhập cảnh vào Trung Quốc. 

Cùng lúc đó, họ khuyến cáo công dân Trung Quốc giảm thiểu các hoạt động xuất nhập cảnh không cần thiết.

Trung Quốc yêu cầu làm tốt công tác kiểm soát các cửa khẩu đường bộ và đường thủy. Tại Hắc Long Giang và nhiều tỉnh khác, mỗi ngày có cả trăm công dân Trung Quốc nhập cảnh. 

Họ được chuyển tới các địa điểm chỉ định trong nước, xe vận chuyển được khử trùng kỹ lưỡng và thông tin của những người liên quan phải được ghi chép đầy đủ.

Trong khi đó, Trung Quốc đánh giá đường hàng không - giúp tăng tốc sự dịch chuyển của người dân toàn cầu - là một phần then chốt trong việc ngăn chặn nguy cơ nhập COVID-19 từ nước ngoài.

Trang Trung Quốc Nhật Báo tuần trước cho biết để đối phó với các ca nhiễm từ nước ngoài, các sân bay ở Trung Quốc đã chia sẻ gánh nặng cho nhau, đặc biệt giúp giảm áp lực tại các sân bay lớn.

Tiêu biểu như sân bay quốc tế Vũ Túc ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây bắt đầu tiếp nhận các chuyến bay quốc tế có điểm đến ban đầu là Bắc Kinh từ hôm 19-3. 

Đến ngày 21-4, sân bay này đã tiếp nhận 12 chuyến bay (có các chuyến từ Canada, Ethiopia, Nga và Belarus) chuyển hướng từ thủ đô.

Để xử lý hơn 3.000 hành khách nhập cảnh đến nay, hải quan thành phố Thái Nguyên lập ra một đội đặc nhiệm chuyên kiểm tra và cách ly, gồm hơn 100 nhân viên hải quan và 75 nhân viên y tế từ nhiều bệnh viện trong thành phố.

"Chúng tôi thường mang hai lớp bao tay để đảm bảo an toàn. Tiêu chuẩn đánh giá của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc đo thân nhiệt. Chúng tôi sẽ hỏi hành khách về lịch sử đi lại và để ý tới các triệu chứng như ho, khó thở" - bà Trương Bích Kỳ, tổ trưởng tổ kiểm dịch tại sân bay, cho biết.

Quan chức này thông tin thêm tất cả hành khách sẽ được phân thành 3 nhóm theo mức độ nguy cơ. "Những hành khách có triệu chứng rõ ràng sẽ được đưa tới một khu vực đặc biệt" - bà Trương Bích Kỳ nói.

Nhiều nhóm hành khách sẽ được đưa tới các khu vực tách biệt để kiểm tra và xét nghiệm thêm. Những trường hợp đáng nghi sẽ được xét nghiệm axit nucleic ngay tại một phòng thí nghiệm ở sân bay. 

Những hành khách không có triệu chứng sẽ phải cách ly 2 tuần tại các khách sạn gần đó, trước khi được phép quay lại thủ đô Bắc Kinh.

"Trấn áp và dỡ bỏ"

Đó là chiến lược mà ông Gabriel Leung - nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và là trưởng khoa y tại ĐH Hong Kong - chỉ ra trong một bài viết đăng trên báo New York Times gần đây để đối phó với COVID-19 về lâu dài.

Trang Vox bình luận chiến lược áp dụng các biện pháp hạn chế như vậy có thể sẽ trở thành điều "bình thường mới".

"Để giúp chúng ta vượt qua được năm tới hoặc lâu hơn, tất cả chúng ta phải sẵn sàng trải qua vài chu kỳ của chính sách "trấn áp và dỡ bỏ".

Theo đó, các biện pháp hạn chế được áp dụng và nới lỏng, rồi lại được áp dụng và nới lỏng, giúp giữ đại dịch nằm trong tầm kiểm soát nhưng với một cái giá kinh tế và xã hội có thể chấp nhận được" - ông Leung giải thích.

Chặn nguồn lây 'nhập khẩu' - bài học từ Trung Quốc - Ảnh 4.

Tác giả: BẢO ANH