Trong các bệnh lý tai mũi họng, viêm xoang là một trong các bệnh lý thường gặp nhất. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi và mọi giới. Việc chẩn đoán viêm xoang sớm là cơ sở để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất để hạn chế các biến chứng và diễn tiến xấu của bệnh.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ viêm xoang và đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán thì bác sĩ sẽ dựa trên cơ sở tổng hợp nhiều thông tin khác nhau về tình trạng bệnh của bệnh nhân bao gồm bệnh sử và tiền sử, triệu chứng lâm sàng, triệu chứng cận lâm sàng và đưa ra các chẩn đoán phân biệt nếu thực sự cần thiết.
Bác sĩ cần phải được nghe bệnh nhân trình bày lại quá trình bệnh lý của mình diễn ra như thế nào (bệnh sử). Bệnh nhân cần phải mô tả chính xác cho bác sĩ biết về bệnh sử của mình bắt đầu từ khi nào, nó biểu hiện và tiến triển ra sao, có hoàn cảnh nào làm cho các biểu hiện trở nên nặng hơn hay không, người bệnh đã sử dụng phương pháp điều trị bệnh nào hay chưa,... Mô tả chính xác về đặc điểm khởi phát và diễn tiến bệnh sẽ giúp bác sĩ có thể chẩn đoán viêm xoang chính xác hơn.
Thông thường, để giúp bệnh nhân đưa ra các thông tin có giá trị và chính xác hơn thì bác sĩ sẽ hỗ trợ người bệnh bằng cách đưa ra thêm những câu hỏi để bệnh nhân có thể trả lời đúng trọng tâm hơn và tránh phân tán vào các nội dung không cần thiết.
Bên cạnh cung cấp cho bác sĩ thông tin về bệnh sử, người bệnh còn cần khai báo đầy đủ các tiền sử y tế của bản thân. Chẳng hạn như các thông tin về chẩn đoán viêm xoang đã từng có trước kia, viêm mũi họng trong thời gian gần đây, các bệnh lý mãn tính, tình trạng dị ứng thuốc đã từng sử dụng,...
Mặc dù các thông tin về đặc điểm bệnh sử và tiền sử có thể giúp bác sĩ định hướng sơ bộ chẩn đoán viêm xoang trong một số trường hợp. Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán viêm xoang chính xác thì việc thăm khám lâm sàng là rất cần thiết.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh viêm xoang bao gồm:
- Triệu chứng tại chỗ: Đau nhức vùng xoang (đau có thể khu trú hoặc lan ra nửa đầu, sau gáy), chảy mũi kéo dài (dịch có thể là dịch trong hoặc dịch mủ vàng xanh) ra lỗ mũi trước hoặc ra lỗ mũi sau, nghẹt mũi, rối loạn khứu giác (giảm ngửi, mất ngửi), ho do kích thích họng khi phải thở miệng liên tục,...
- Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân viêm xoang thường có thể có sốt (sốt trung bình hoặc có thể sốt cao), mệt mỏi bơ phờ do sốt và đau liên tục, bệnh nhân có thể có hơi thở hôi,...
- Một số triệu chứng tại các cơ quan khác: Một số các triệu chứng tại các cơ quan khác như cơ quan có nhiễm trùng ban đầu gây biến chứng viêm xoang hoặc cơ quan bị nhiễm trùng do viêm xoang biến chứng chẳng hạn như: Đau răng, viêm họng, viêm amydal, đau tai,...
Đối với những trường hợp lâm sàng không rõ ràng và không thể giúp kết luận chẩn đoán viêm xoang, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số cận lâm sàng khác nhau để việc chẩn đoán diễn ra dễ dàng và chính xác hơn.
- Soi mũi: Soi mũi là cận lâm sàng thường được sử dụng để đánh giá các tổn thương ở khu vực hốc mũi mà mắt thường không thấy được qua một camera siêu nhỏ.
- Chụp Xquang và CT: Hình ảnh tổn thương ở xoang như có dịch trong xoang, phù nề niêm mạc xoang, polyp xoang có thể được quan sát thông qua phim chụp Xquang hoặc CT. Do vậy đây là hai cận lâm sàng rất hữu ích trong chẩn đoán viêm xoang.
- Chọc dò xoang: Chọc dò và hút ra tổ chức, dịch trong xoang để làm xét nghiệm có thể được sử dụng trong chẩn đoán viêm xoang. Tuy nhiên, nó ít được dùng trong viêm xoang cấp mà hay được sử dụng hơn trong chẩn đoán viêm xoang mãn tính.
- Một số xét nghiệm khác: Một số các xét nghiệm khác như công thức máu, nuôi cấy vi khuẩn,... có thể được dùng để hỗ trợ chẩn đoán viêm xoang và hỗ trợ điều trị.
Có thể thấy rằng, để chẩn đoán viêm xoang thì bác sĩ sẽ phải dựa vào rất nhiều dữ kiện khác nhau cả do người bệnh cung cấp, triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm viêm xoang. Do đó, người bệnh cần khai báo trung thực với bác sĩ về tình trạng bệnh của bản thân, đồng thời thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán bệnh chính xác và có hướng điều trị thích hợp
Nguồn dịch: https://www.verywellhealth.com/sinus-infection-diagnosis-1192017