Sau khi khám sàng lọc, nếu có nghi ngờ mắc ung thư gan, các bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm và thăm khám chuyên sâu:
- Siêu âm:
Sử dụng siêu âm đầu dò để xác định khối u nếu có. Siêu âm nếu phát hiện khối tăng/giảm hoặc hỗn hợp âm, xuất hiện viền giảm âm thì khả năng có khối u ung thư là rất lớn.
- Chụp CT có tiêm thuốc cản quang:
Dựa trên phim chụp để xác định hình dạng, vị trí khối u, tình trạng tăng sinh mạch. Chụp CT cho cả hình ảnh tĩnh mạch chủ và huyết khối tĩnh mạch cửa nên có thể phát hiện cả các hạch ngoài gan.
- Chụp MRI:
MRI có tác dụng như CT nhưng cho hình ảnh và độ nhạy cao hơn, có thể phân biệt được các nốt xơ gan với các khối u. Phương pháp này khuyến khích sử dụng cho các bệnh nhân xơ gan, để tránh chẩn đoán nhầm.
- Trong quá trình nút mạch thì chụp mạch để kiểm tra tình trạng mạch.
- Chụp PET- CT:
Phương pháp này ít được sử dụng vì vai trò không chắc chắn. Chụp PET-CT hay được dùng hơn ở các thử nghiệm.
- Xét nghiệm:
Xét nghiệm AST (aspartate aminotransferase), albumin, phosphatase kiềm, xét nghiệm bilirubin toàn phần và xét nghiệm thời gian prothrombin để đánh giá giai đoạn xơ gan.
Xét nghiệm Alpha-fetoprotein (AFP). Nếu mức độ AFB > 400 ng/ml thì khả năng ung thư gan là 95%. Tuy nhiên cần làm thêm nhiều phương pháp chẩn đoán khác vì khi gan bị viêm, dễ cho dương tính giả.
- Sinh thiết:
Có thể thực hiện sinh thiết dưới da, bằng nội soi ổ bụng, qua hướng dẫn của CT hoặc siêu âm. Hoặc có thể phẫu thuật nội soi để đánh giá tình trạng của gan.
- Phẫu thuật gan:
Với những khối u gan trú tại chỗ thì phương pháp là cắt thùy gan. Độ lan của xơ gan và kích thước khối u sẽ quyết định độ rộng của phẫu thuật. Trước phẫu thuật cần đánh giá tình trạng bệnh nhân thận trọng. Bởi đa số bệnh nhân xơ gan và ung thư gan đều có thể trạng rất yếu, khó có thể chịu được phẫu thuật điều trị ung thư gan.
- Ghép gan:
Với những bệnh nhân ghép gan, tỷ lệ sống kéo dài trên 5 năm là 62%. Tuy nhiên, các ca ghép gan còn hạn chế. Bởi việc lựa chọn bệnh nhân và người ghép gan đủ tiêu chuẩn là vô cùng khó khăn.
- Sử dụng sóng cao tần để cắt bỏ khối u (RFA):
Là phương pháp sử dụng năng lượng của các bước sóng, đốt cháy các biểu mô tế bào gan bị tổn thương, làm cho khối u bị hoại tử. Phương pháp điều trị ung thư gan này chỉ sử dụng khi các khối u còn nhỏ, có kích thước dưới 4cm.
- Nút mạch:
Là phương pháp đưa thẳng các hóa chất vào khối u ung thư thông qua động mạch gan. Phương pháp điều trị ung thư gan này chống chỉ định với cá bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật, bị bệnh não, người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch cửa.
- Xạ trị:
Là phương pháp sử dụng năng lượng của chùm tia bức xạ để tiêu diệt khối u. Liều xạ trị khoảng 2500 CGy.
- Hóa trị:
Sử dụng 1 loại thuốc (như 5-fluorouracil, cisplatin hoặc doxorubicin) để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên tỷ lệ đáp ứng điều trị ung thư gan của phương pháp này chỉ rơi vào khoảng 10%.
Sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc với nhau như cisplatin kết hợp với gemcitabine và oxaliplatin, đã giúp nâng tỉ lệ đáp ứng lên 20%.
Phương pháp sử dụng thuốc hóa trị kết hợp với chất điều hòa miễn dịch (như interferon-alpha) giúp tăng tỉ lệ đáp ứng điều trị ung thư gan lên 26%. Nhưng phương pháp điều trị hóa chất miễn dịch này thường có độc tính cao, nên chỉ thích hợp với các bệnh nhân trẻ, sức khỏe còn tốt, không có tiền sử bệnh xơ gan và bilirubin ở mức bình thường. Với phương pháp điều trị ung thư gan này, phác đồ thường thấy nhất là phác đồ Piaf: kết hợp các loại thuốc cisplatin, interferon-alpha, doxorubicin, và infusional 5-fluorouracil.
- Kháng thể đơn dòng (bevacizumab):
Là phương pháp kết hợp bevacizumab với gemcitabine và oxaliplatin để điều trị ung thư gan. Phương pháp này cho tỉ lệ đáp ứng điều trị ung thư gan là 27%.