Chẩn đoán bệnh đau lưng bằng phương pháp chụp X- quang

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Chẩn đoán bệnh đau lưng bằng phương pháp chụp X- quang
Chụp X- quang là một phương pháp phổ biến thường được chỉ định trong chẩn đoán bệnh đau lưng. Đây là một phương pháp đơn giản, hiệu quả với chi phí hợp lý.

Chụp X- quang là một phương pháp phổ biến thường được chỉ định trong chẩn đoán bệnh đau lưng. Ngoài những vai trò tích cực trong phát hiện bệnh thì đây còn là phương pháp có chi phí khá hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều bệnh nhân. Cùng tìm hiểu về chụp X - quang và những lưu ý về phương pháp này qua bài viết sau đây.

1. Vai trò của X - quang trong chẩn đoán bệnh đau lưng

X - quang là một loại bức xạ có năng lượng cao. Khi chụp, máy chụp X- quang sẽ phóng ra các chùm tia X xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể. Sau đó chúng sẽ tạo thành hình ảnh chi tiết về cột sống trên phim chụp. Các bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh này trong chẩn đoán các bệnh về xương khớp, đặc biệt là bệnh đau lưng.

Bằng hình ảnh từ X - quang, bác sĩ sẽ xác định các bất thường liên quan đến xương khớp. Đó có thể là các dấu hiệu của cong vẹo cột sống hay hẹp không gian đốt sống. Ngoài ra phương pháp này còn giúp phát hiện các tổn thương cột sống như trượt đốt sống, khuyết eo…

2. Các cách chụp X- quang trong chẩn đoán bệnh đau lưng

Có rất nhiều tư thế chụp X - quang trong phát hiện bệnh đau lưng. Phụ thuộc vào mục đích chụp mà các bác sĩ sẽ yêu cầu tư thế chụp thích hợp. Các tư thế chụp X- quang cho người bệnh đau lưng có thể kể đến:

Chụp thẳng, nghiêng cột sống cổ, lưng, thắt lưng, và xương cùng: Đây là tư thế chụp giúp phát hiện các thân đốt sống bị vỡ, xẹp trượt… do chấn thương. Đồng thời, nó còn cho thấy các dị tật bẩm sinh liên quan đến cột sống của người bệnh như: trượt thân đốt, gai đôi, cùng hoá, dính thân cốt, cong gù cột sống… Ngoài ra, một số dấu hiệu thoái hoá cột sống cũng có thể được phát hiện bằng tư thế này.  

Chụp chếch 3/4 cột sống cổ: Tia X sẽ được chiếu lệch một góc 45 độ so với bình diện thẳng của cột sống. Tư thế chụp này giúp các bác sĩ nhận thấy các tình trạng chèn ép thần kinh. Đó có thể là sự chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép động mạch tại cùng cột sống cổ. 

Chụp CI – CII: Đây là tư thế thích hợp nhằm phát hiện dấu hiệu của gãy mỏm nha. Phương pháp chụp được tiến hành bằng cách chiếu tia X từ trước ra sau. Đặc biệt khi chiếu người bệnh phải trong tư thế nằm ngửa và há miệng.

Chụp tủy cản quang và chụp bao rễ thần kinh: Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm cản quang vào vị trí ống tuỷ và vùng bao rễ. Qua phim chụp, bác sĩ có thể nhận biết hiện tượng hẹp tắc hoặc chèn ống tuỷ. Đây còn là phương pháp giúp phát hiện các chèn ép bao rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm.

3. Những lưu ý khi chụp X- quang

Người bệnh đau lưng cần lưu ý một số điều trước, trong và sau khi chụp X- quang để có được kết quả chụp chính xác hơn:

- Bản chất của tia X là các tia bức xạ do đó bạn không nên mang các vật dụng bằng kim loại. Người bệnh nên tháo bỏ các trang sức và điện thoại trước khi vào phòng chụp.

- Chụp X - quang không được khuyến khích cho phụ nữ đang mang thai và trẻ em. Vì vậy, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp này.

- Trong suốt quá trình chụp, người bệnh cần phải giữ nguyên tư thế ban đầu. Đây là điều bắt buộc để kết quả chụp đưa ra được chính xác nhất.

- Người bệnh đau lưng nên đọc kĩ các chú ý và cảnh báo trước khi chụp. Đồng thời các bạn cũng có thể hỏi các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kĩ càng  hơn.

- Nếu người bệnh có các tổn thương về dây thần kinh thì nên cân nhắc đến các kỹ thuật hình ảnh khác. Nguyên nhân là các tình trạng này sẽ rất khó để phát hiện qua các hình ảnh X- quang. Một số kỹ thuật hiện đại mà người bệnh có thể tham khảo gồm: CT scan, MRI.

Chụp X- quang là xét nghiệm hình ảnh cần thiết trong chẩn đoán bệnh đau lưng. Để kết quả chụp được chính xác và an toàn người bệnh nên tìm đến các phòng khám và bệnh viện uy tín. Đồng thời, người bệnh cũng không nên tự ý sử dụng phương pháp này khi chưa được chỉ định của bác sĩ.


Tác giả: Thùy Dung