Chàm sữa ở trẻ sơ sinh khiến cho các ông bố, bà mẹ vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, chàm sữa ở trẻ được biết đến là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, tuy không nguy hiểm nhưng lại kéo dài và thường tái phát nhiều lần.
Chàm sữa ở trẻ em có tên khoa học là eczem, trong dân gian còn gọi là lác sữa. Đây thực chất là chứng viêm da cơ địa, là một loại bệnh ngoài da ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh (trẻ trong giai đoạn từ 3 đến 24 tháng tuổi).
Vì có tính tái đi tái lại nhiều lần, nên chàm sữa chính là bệnh viêm da mãn tính, thể hiện chứng rối loạn hệ miễn dịch ở trẻ.
Khi trẻ bị chàm sữa, trên da sẽ lập tức xuất hiện những nốt mẩn đỏ, sau đó chuyển nặng hơn và bắt đầu nổi những mụn nước và những vảy nhỏ li ti trên da. Nếu chạm vào da bé, nhất là vùng mặt, chúng ta sẽ có cảm giác sần sùi, thô ráp.
Thông thường, những mảng da khô và mẩn đỏ này thường xuất hiện ở trên mặt. Nhưng cũng có trẻ chỉ bị hoặc bị cả ở các vùng da bị mỏng, gập: vùng da cổ, khuỷu tay, khoeo chân, mang tai, vùng gáy, cổ tay, mu bàn tay, mắt cá chân.
Đôi khi chàm sữa nặng hơn sẽ gây nứt nẻ, nhất là vào mùa hanh khô. Da căng và nứt ra sẽ khiến những nốt mụn nước vỡ ra và gây bết dính khắp vùng da bị chàm. Lúc này, trẻ cần được vệ sinh vết chàm thật cẩn thận tránh tình trạng nặng hơn, nếu không vệ sinh sạch sẽ cho trẻ chàm sữa sẽ tạo thành một lớp hóa sừng bì cứng trên da.
Có những trường hợp da trẻ bị nứt nẻ lớn gây rỉ máu và nhiễm trùng, rất đau đớn, chưa kể sau này có thể để lại sẹo sâu trên da của bé gây mất thẩm mỹ.
Trẻ bị chàm sẽ luôn luôn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy. Biểu hiện là em bé thường quơ tay lên mặt để gãi ngứa, chà đầu, mặt vào gối. Người nhà nên theo dõi và tránh để trẻ chà ngứa vì sẽ khiến những đám mụn nước vỡ ra.
Các mụn nước do chàm sữa hình thành sẽ tồn tại khoảng 1 tuần rồi tự vỡ. Lúc này, da non sẽ được tái tạo và những khu vực da bị chàm bong dần ra, với trẻ nhỏ đây là giai đoạn gặp nhiều khó khăn vì khiến trẻ vô cùng ngứa ngáy, khó chịu.
Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ bị chàm sữa cũng có thể đi kèm theo các dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng. Hệ lụy đi kèm là trẻ ngủ không ngon giấc, thường xuyên quấy khóc, bỏ bú hoặc kém ăn, chán ăn.
Thông thường, bệnh chàm sữa sẽ giảm dần và thoái lui khi trẻ được trên 1 tuổi.
Cho đến thời điểm này y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra chàm sữa ở trẻ em, nhưng có hai nguyên nhân tiêu biểu thường thấy ở trẻ bị chàm là:
Cơ địa dị ứng thường có do di truyền: Nếu như trẻ có cha mẹ mắc các bệnh hen suyễn, dễ bị dị ứng thời tiết, hay bị nổi mẩn đỏ, nổi mề đay trên da, dị ứng da... thì ngay từ khi sinh ra, đứa trẻ ấy cũng có cơ địa dễ dị ứng giống như cha mẹ.
Đọc thêm: Dị ứng đang vào mùa, cần phân biệt với triệu chứng COVID-19
Các chất gây dị ứng có rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Da của trẻ em vốn dĩ rất non nớt, nhạy cảm, nên dễ bị dị ứng là vấn đề vô cùng dễ hiểu. Những tác nhân làm da em bé bị dị ứng thường thấy là:
- Môi trường ô nhiễm: Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, nồm ẩm, hanh khô, khói bụi, nấm mốc.
- Lông động vật như lông thú cưng trong nhà (lông chim, lông chó, mèo...) hay lông vũ, lông thú có trong ruột gối, chăn, áo khoác, khăn quàng cổ,....
- Các đồ chơi không được vệ sinh kĩ có nhiều bụi bẩn, dễ bị mốc, có nhiều vi khuẩn và các loại nấm gây hại.
- Thức ăn hàng ngày: có thể là nguồn thức ăn của mẹ, sữa công thức, đồ ăn dặm. Nếu như trẻ vẫn trong giai đoạn bú sữa thì khi người mẹ ăn đồ ăn tanh, hải sản, những món ăn giàu chất đạm... sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa. Cơ thể bé sẽ chưa kịp thích nghi với những chất này khi có quá nhiều, sẽ gây ra hiện tượng dị ứng trên da.
Đọc thêm:
Mẹ sau sinh cần biết, làm thế nào để sữa mẹ đặc và thơm cho bé
Nên cai sữa cho bé khi nào? Các cách cai sữa cho bé mẹ cần biết
Tất cả những tác nhân từ bên ngoài này đều dễ dàng khiến da em bé bị tổn thương, đều là nguyên nhân khiến em bé bị chàm sữa.
Điều trị chàm sữa ở trẻ một cách dứt điểm là điều không hề đơn giản.
Muốn trị bệnh dứt điểm, phụ huynh có con nhỏ bị chàm sữa cần kiên trì áp dụng tất cả các biện pháp. Cụ thể như sau:
Tốt nhất thì người mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong thời gian trẻ bị bệnh. Cho bé dùng sữa mẹ là thức ăn chính trong thời gian lâu nhất có thể. Trong trường hợp bắt buộc cần ăn dặm vì mẹ không đủ sữa hoặc phải cai sữa sớm, thì cũng nên đợi bé đủ 6 tháng mới cho ăn bổ sung các thức ăn ngoài.
Phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị chàm sữa cần chăm sóc da trẻ với các sản phẩm bôi chuyên dụng để giúp cải thiện da bé.
Tuy nhiên, để tình trạng bệnh chàm sữa trẻ em nặng hơn thì cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi cho con hoặc làm theo các bài thuốc dân gian truyền miệng hoặc nghe ai đó mách bảo các mẹo không có căn cứ khoa học. Nên nhớ, đây là thời điểm da của con rất nhạy cảm, nếu chữa trị cho trẻ sai cách sẽ mang đến những hậu quả khôn lường.
Khi nhận thấy những dấu hiệu chàm sữa, cha mẹ nên cho con đến những cơ sở y tế chuyên khoa da liễu uy tín để được các bác sĩ thăm khám thường xuyên. Bác sĩ sẽ chẩn đoán đúng giai đoạn bệnh và kê đơn cho bé sử dụng những sản phẩm kem bôi với liều lượng phù hợp và an toàn cho sức khoẻ bé.
Tránh cho trẻ ra ngoài khi thời tiết thay đổi để chàm sữa không bị tái phát. Chúng ta cần làm mọi cách để bình thường hóa làn da của trẻ và kéo dài thời gian lành bệnh.
Ngoài ra, cần hạn chế để trẻ tiếp cận với loại đồ ăn mới, thì nguy cơ bị dị ứng càng giảm đi đáng kể.
Lưu ý: Không cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm dễ gây kích ứng hoặc lên men như đồ hải sản, trứng, đậu phộng, cà chua,…
Để phòng ngừa chàm sữa trẻ em, cần lưu ý tất cả các vấn đề sau:
- Thường xuyên giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh và để cho da trẻ thông thoáng vào mùa nóng. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết thay đổi. Chú ý không điều chỉnh điều hòa quá nhanh (nếu trong phòng có sử dụng máy lạnh) để da trẻ kịp thích nghi.
- Chú ý vệ sinh nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, đặc biệt là nơi ở của trẻ.
- Người nhà cần lên thực đơn lành mạnh cho trẻ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn. Còn trẻ đã ăn dặm cần tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đã kể trên.
- Cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: nên tắm bằng nước lá như lá trầu không, lá đào,... hạn chế dùng xà phòng hoặc sữa tắm cho trẻ. Nếu sử dụng thì nên dùng loại sữa tắm chuyên dụng cho trẻ nhỏ, và không để trẻ ngâm mình quá lâu.
Chú ý nên để con tắm bằng nước ấm nhằm giảm tình trạng nhiễm khuẩn da gây ngứa ngáy, khó chịu.
- Vệ sinh bình sữa, đồ đạc, đồ chơi cho trẻ.
- Cho trẻ mặc các loại quần áo làm bằng chất liệu cotton, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi. Mùa đông nên tránh các loại len sợi nilon, tổng hợp vì chúng làm cho da bé bị bí bách, không được khô, thoáng.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thú cưng như chó, mèo. Tránh sử dụng những đồ vật len, dạ, lông... trong nhà.
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là một bệnh không quá nguy hiểm. Cha mẹ không nên quá lo lắng mà nên cố gắng giúp con điều trị thật tốt. Khi biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh, phụ huynh và bác sĩ sẽ tìm ra cách xử lý tình trạng bệnh ở trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.