Do da phần các trường hợp mắc bệnh là ở thể nhẹ, không phải nhập viện nên việc chăm sóc trẻ bị chân tay miệng tại nhà là rất quan trọng, ảnh hưởng ít nhiều tới thời gian phục hồi của bé.
Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh không còn gặp khó khăn khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, đồng thời hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ bị tay chân miệng. Do bệnh thường gây ra cảm giác đau ở miệng, kèm thèo rối loạn tiêu hoá, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nhai, nuốt và tiêu hoá thức ăn.
Do đó, cha mẹ cần chế biến thức ăn ở dạng lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu (như cháo loãng, súp loãng,...).
Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, B, C, D, kẽm,... khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, có thể bù nước, chất điện giải và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại thực phẩm, đồ uống giàu vitamin A, B, C, D, kẽm,... như hải sản (ngao, sò, hàu,...), thịt bò, thịt gà, cá; các loại sinh tố, nước ép trái cây (sinh tố dâu tây, mâm xôi, cà rốt, rau cải xoăn,...); các loại sữa hạt (sữa óc chó, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân,...)
Bệnh tay chân miệng thường đi kèm với các cơn sốt nhẹ dưới 38,5 độ C. Lúc này, cha mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol theo liều lượng phù hợp với cân nặng và lứa tuổi của trẻ.
Bên cạnh đó, có thể kết hợp cùng các phương pháp hạ nhiệt vật lý như chườm mát, lau người bằng nước ấm,... để tăng hiệu quả điều trị.
Lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, tại các vị trí có vết thương hở, nốt mụn nước bị vỡ,..., cần cho trẻ sử dụng các loại thuốc bôi sát khuẩn theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Bên cạnh đó, có thể để trẻ súc miệng bằng nước muối sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để tiêu diệt vi khuẩn trong miệng và giảm cảm giác đau họng.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng là một điều cần lưu ý trong chăm sóc trẻ bị tay chân miệng. Trẻ cần được làm sạch cơ thể, thay quần áo ít nhất 1 lần/ngày, không nên kiêng tắm. Trong quá trình tắm cho trẻ, cần lưu ý nhẹ tay để tránh làm vỡ các nốt mụn nước hoặc làm tổn thương các vùng da dẫn tới nhiễm trùng.
Quần áo, chăn màn, tã lót,... của trẻ bị tay chân miệng cần được làm sạch riêng (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, quần áo, chăn màn, tã lót,... của trẻ bị tay chân miệng cũng cần được làm sạch bằng các dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc qua nước sôi trước khi giặt lại bằng xà phòng và nước sạch. Đồ chơi và các dụng cụ ăn uống của trẻ cũng có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, do đó cần được sử dụng riêng và đảm bảo sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng.
Cách ly là điều rất cần phải làm trong chăm sóc trẻ bị tay chân miệng. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, cách ly ít nhất 10 ngày cho tới khi khỏi bệnh hoàn toàn để hạn chế nguy cơ làm lây lan bệnh và bùng phát thành dịch.
Đối với chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cần làm sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế để hạn chế nguy cơ nước bọt, dịch mũi họng của bệnh nhân dính vào cơ thể, làm lây nhiễm bệnh.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân là điều quan trọng trong chăm sóc trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Tay chân miệng là bệnh có thể tự điều trị tại nhà, trừ khi bệnh xảy ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, tê liệt,... Các biến chứng này nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Khi điều trị và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, nên đưa trẻ nhập viện khi bé có các biểu hiện như sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, vật vã, nôn mửa nhiều, giật mình liên tục, chới với, hoảng hốt,... Khi trẻ có các biểu hiện này, tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch tại nhà mà nên đưa trẻ nhập viện để xác định nguyên nhân.