Chăm sóc răng miệng và cổ họng cho bệnh nhân ung thư vòm họng sau điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Chăm sóc răng miệng và cổ họng cho bệnh nhân ung thư vòm họng sau điều trị
Điều trị ung thư vòm họng có thể gây ra các tác dụng phụ trên răng miệng và cổ họng. Vậy chăm sóc răng miệng và cổ họng như thế nào để bệnh nhân nhanh chóng phục hồi?

Xạ trị các bệnh ung thư vùng đầu cổ có thể gây hại cho tuyến nước bọt và các mô trong miệng của bạn, khiến cho việc nhai nuốt trở nên khó khăn hơn. Một số phương pháp hóa trị liệu và liệu pháp miễn dịch cũng có thể làm ảnh hưởng đến tế bào trong miệng, cổ họng và môi, gây ra các biến chứng ở miệng. 

1. Các vấn đề về miệng và cổ họng có thể gặp

- Thay đổi vị giác hoặc miệng có mùi hôi, khô miệng, nhiễm trùng và loét miệng. Người bệnh còn có thể thấy đau hoặc sưng trong miệng (viêm niêm mạc miệng), nhạy cảm với thức ăn nóng hoặc lạnh vấn đề nuốt (chứng khó nuốt ) hoặc bị sâu răng.

- Khi các vấn đề răng miệng sau xạ trị trở nên nghiêm trọng có thể cản trở việc ăn uống, khiến người bệnh bị suy kiệt nhanh chóng. Bạn nên tìm đến bác sĩ khi hiện tượng đau miệng, môi hoặc cổ họng gây khó khăn khi ăn uống. Trường hợp bệnh nhân bị sốt trên 38 độ C hoặc cao hơn thì nên nhập viện ngay lập tức.

2. Cách phòng ngừa các vấn đề về răng miệng trong quá trình điều trị ung thư vòm họng

Các chuyên gia khuyên bạn nên tuân thủ những bước sau đây để bảo vệ họng và răng miệng:

- Kiểm tra răng miệng trước khi bắt đầu điều trị: Trước khi bước vào điều trị, bệnh nhân nên đến gặp nha sĩ để làm sạch răng, đồng thời kiểm tra các vấn đề của răng. Nói với nha sĩ về việc bạn sắp hóa trị liệu để được hướng dẫn một cách cụ thể hơn. 

- Kiểm tra và làm sạch miệng hàng ngày: Bạn nên kiểm tra răng miệng hàng ngày, nếu thấy có vết loét, đau miệng hoặc vết đốm trắng nào đó, hãy báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời. 

- Súc miệng suốt cả ngày bằng dung dịch nước ấm, baking soda và muối. Bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn nước súc miệng phù hợp.

- Khi chải răng, bạn nên chải nhẹ nhàng, chải nướu và lưỡi sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ vào ban đêm

- Sử dụng bàn chải đánh răng rất mềm hoặc tăm bông. Nếu bạn có nguy cơ chảy máu, hãy hỏi xem bạn có nên dùng chỉ nha khoa không. 

3. Cách quản lý vấn đề về răng miệng

- Đau miệng hoặc đau cổ họng: Chọn thực phẩm mềm, ướt và dễ nuốt. Bạn có thể làm mềm thực phẩm khô bằng nước thịt, nước sốt hoặc các chất lỏng khác. Sử dụng máy xay để làm nhuyễn và mềm thức ăn. 

Trong trường hợp cơn đau mất kiểm soát, bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau như viêm ngậm hoặc thuốc xịt làm tê miệng. Tránh thực phẩm và đồ uống có thể gây kích ứng miệng của bạn: thực phẩm giòn, mặn, cay, thực phẩm nhiều đường, đồ uống có cồn, chất kích thích...

- Trường hợp bị khô miệng: Hãy uống nhiều nước vì khô miệng có thể làm gia tăng vi khuẩn trong miệng, dễ gây sâu răng. Bạn nên uống nước thành những ngụm nhỏ và uống thường xuyên trong ngày, ngoài ra bệnh nhân cũng thể nhai kẹo cao su không đường để giảm cảm giác khô miệng.

4. Cách làm tăng vị giác ở bệnh nhân ung thư

Xạ trị có thể gây ra sự thay đổi vị giác của bệnh nhân ung thư. Thuốc hóa trị có thể gây ra mùi vị hóa học hoặc mùi kim loại khó chịu trong miệng của bệnh nhân. Do vậy bệnh nhân có thể ăn đồ lạnh hoặc tìm đến những loại thực phẩm đa dạng hơn để kích thích vị giác, giúp ăn ngon hơn.

- Nếu thức ăn có vị nhạt nhẽo, hãy ướp thực phẩm để cải thiện hương vị của chúng hoặc thêm gia vị vào thức ăn. Nếu thịt đỏ có vị lạ, hãy chuyển sang các thực phẩm giàu protein khác như thịt gà, trứng, cá, bơ đậu phộng, gà tây, đậu hoặc các sản phẩm từ sữa. 

- Nếu thực phẩm có vị mặn, đắng hoặc axit, hãy thử làm ngọt chúng. Nếu thực phẩm có vị kim loại, hãy chuyển sang dụng cụ bằng nhựa và các món ăn không dùng kim loại. Nếu bạn có mùi vị khó chịu trong miệng, hãy thử dùng chanh, kẹo cao su hoặc bạc hà không đường.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đặt câu hỏi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho bạn, cụ thể như:

- Vấn đề này sẽ xảy ra khi nào và kéo dài trong bao lâu? 

- Có thể làm gì để cải thiện tình trạng và có thể dùng thuốc như thế nào

- Khi nào cần gặp bác sĩ 

- Nên dùng những loại thuốc giảm đau nào, lựa chọn nước súc miệng và kem đánh răng phù hợp

- Có nên dùng các chất bổ sung như kẽm, để giúp cải thiện vị giác sau điều trị


* Bài viết được dịch từ : https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/side-effects/mouth-throat?redirect=true



Tác giả: MN