Chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cần lưu ý những gì?

Chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cần lưu ý những gì?
Chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cần được đặc biệt lưu ý để điều trị an toàn, tránh những ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và thai nhi.

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp tính là một căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và những người thường xuyên tiếp xúc với chúng, kể cả phụ nữ đang mang thai. Việc chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ theo đó cũng cần đặc biệt lưu ý để không ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn thai nhi.

Tuy rằng bệnh đau mắt đỏ không nghiêm trọng, nhưng các triệu chứng của nó có thể dẫn đến những khó chịu và gây ra các cơn đau cho người bệnh. Nó cũng rất dễ lây lan, do đó mẹ bầu nếu nhận thấy mắt bị đỏ, ngứa, chảy dịch mủ ở một hoặc 2 mắt cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.

1. Điều trị đau mắt đỏ ở phụ nữ mang thai an toàn

Phụ nữ có thai nên thận trọng với việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu trong quá trình mang thai, phụ nữ bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ cần đi khám để được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Không nên tự ý mua thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ của người bệnh khác.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh cho mẹ mà không gây nguy hiểm đến thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, những loại thuốc nhỏ mắt này chỉ có tác dụng chống lại viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp mắc phải có nguyên nhân là do virus.

Nếu mẹ bầu nhiễm đau mắt đỏ do virus gây ra, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phương pháp điều trị như sau để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé:

- Thường xuyên lau mí mắt bằng khăn ướt và sạch.

- Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên mí mắt nhiều lần trong ngày để giảm đau.

Chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cần lưu ý những gì? - Ảnh 2.

Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên mắt có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ (Ảnh: Internet)

- Dùng thuốc nhỏ mắt nhân tạo, an toàn và có bán không cần kê đơn.

- Kiểm soát việc lây lan trong gia đình, đảm bảo mọi người thường xuyên rửa tay và không dùng chung khăn tắm.

Nếu tình trạng đau mắt đỏ mà mẹ bầu mắc phải là do phức hợp herpes, mẹ bầu có thể cần dùng đến thuốc kháng virus để ngăn virus lây lan sang thai nhi. Cách điều trị cũng sẽ tương tự đối với đau mắt đỏ do chlamydia. Bởi vì chlamydia thực chất là một loại vi khuẩn nhưng hoạt động giống như virus.

Nếu phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ do dị ứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt để điều trị tình trạng dị ứng mà không gây hại cho thai nhi. Nếu tình trạng đau mắt đỏ xuất hiện trong thai kỳ do gặp phải hóa chất hoặc dị vật, bác sĩ sẽ rửa mắt, lấy dị vật ra ngoài và kiểm tra xem có bị nhiễm trùng hay không. Nếu không có, những triệu chứng kích ứng sẽ giảm sau một vài ngày.

2. Những lưu ý khi chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ

Thông thường, bệnh đau mắt đỏ sẽ tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên chúng rất dễ lây lan và những khó chịu mà các triệu chứng gây ra sẽ ảnh hưởng không tốt đến giai đoạn mang thai của mẹ. Để làm giảm những ảnh hưởng không tốt này, người nhà cần lưu ý những điều sau đây khi chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ:

- Đừng quá cố gắng chịu đựng những cơn đau và khó chịu. Hãy đi khám càng sớm càng tốt và làm theo những khuyến nghị của bác sĩ để thuyên giảm các triệu chứng. Việc giảm bớt các triệu chứng có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và chắc chắn sẽ giảm bớt căng thẳng trong quá trình mang thai.

Chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cần lưu ý những gì? - Ảnh 3.

Vệ sinh mắt thường xuyên với nước muối sinh lý là một lưu ý quan trọng khi chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ (Ảnh: Internet)

- Phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cũng nên đeo kính gọng thay vì kính áp tròng trong thời gian điều trị và sau khi khỏi bệnh cần vứt bỏ những loại kính cứng đã đeo này.

- Có thể đắp túi trà xanh sạch và ẩm lên mắt để giảm bớt ngứa, khó chịu.

- Rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% thường xuyên trong ngày.

- Chấm gel lô hội lên mí mắt hoặc đắp những lát mỏng khoai tây tươi, lạnh lên mí mắt để giảm nhẹ triệu chứng.

- Nếu tình trạng đau mắt đỏ kéo dài hơn 1 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm, cần thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.

Điều lưu ý quan trọng hơn cả là việc kiểm soát tình trạng bệnh, không để bệnh lây lan cho những thành viên còn lại trong gia đình, đặc biệt nếu trong nhà có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già.

Nguồn tham khảo: https://diamondvision.com/pinkeye-during-pregnancy-what-to-do/


Tác giả: Anh Dũng