Hướng dẫn cho bệnh nhân ung thư dạ dày ăn bằng ống thông

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Hướng dẫn cho bệnh nhân ung thư dạ dày ăn bằng ống thông
Khi bị ung thư dạ dày, hệ tiêu hóa của bệnh nhân sẽ rất yếu. Do vậy việc ăn uống của bệnh nhân lúc này cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều và phương pháp cho ăn bằng ống thông là phương pháp tốt nhất với bệnh nhân lúc này.

Khi bị ung thư dạ dày, đa số bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc khiến chúng không di căn sang các bộ phận khác bên trong cơ thể. Phẫu thuật dạ dày thường được tiến hành:

- Phẫu thuật bán phần

- Phẫu thuật toàn phần

Ngoài phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể phải hóa trị, hoặc xạ trị để điều trị bệnh. Bệnh nhân ung thư dạ dày sau điều trị thường gặp khó khăn về ăn uống, lúc này hệ tiêu hóa của bệnh nhân còn yếu và việc cho ăn bằng ống thông là phương pháp thường được các bác sĩ khuyến cáo. 

Thức ăn được chế biến qua ống thông cần lỏng và đảm bảo đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Có thể sử dụng súp xay dinh dưỡng tại nhà hoặc các sản phẩm chế biến công nghiệp như sữa, túi dinh dưỡng truyền qua ông thông,… nhưng phải đảm bảo nguyên tắc:

+ Chế phẩm dinh dưỡng phải nhuyễn dễ dàng lưu thông qua ống.

+ Năng lượng dinh dưỡng cao, trung bình 1ml/1kcal.

Thành phần dinh dưỡng cũng nên được chú trọng đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp bệnh nhân ung thư dạ dày phục hồi nhanh hơn. 

1. Hướng dẫn người nhà cách cho bệnh nhân ăn bằng ống thông

- Kiểm tra dịch dạ dày còn lại trước khi cho ăn thức ăn mới

- Nếu dịch  dạ dày > 100ml bơm dịch trở lại dạ dày và trừ giảm số lượng ăn cử tiếp theo.

- Kiểm tra nhiệt độ thức ăn và nước uống bằng với nhiệt đồ cơ thể trước khi cho ăn qua ống thông.

- Số lượng mỗi lần cho ăn từ 300-400ml tùy thuộc vào tình trạng người bệnh và đòi hỏi 10-15 phút để hoàn thành.

- Năng lượng cần thiết cho người bệnh từ 1500- 2000kcal/ngày tương đương khoảng 1500- 2000ml thức ăn đưa vào cơ thể. Có thể chia làm 6 cử ăn trong ngày.

2. Chú ý cách cho ăn và tư thế đặt bệnh nhân

- Người bệnh cần được ăn thức ăn lỏng vào ống thông bằng cách sử dụng bơm tiêm 50ml hoặc túi cho ăn, tránh để khí vào dạ dày trong quá trình cho ăn sẽ gây cảm giác đầy hơi, trướng bụng.

- Nằm đầu cao trong quá trình cho ăn từ 30-60 phút để tạo điều kiện tiêu hóa tốt và giảm nguy cơ hít sặc.

- Tráng ống với 30ml nước sau mỗi lần cho ăn và dùng thuốc, bịt kín đầu ống tránh thức ăn và nước thoát ra ngoài.

Người thân nên chú ý làm sạch dụng cụ cho ăn bằng nước ấm sau mỗi lần sử dụng và thay ống thông dạ dày sau 7 ngày, thay sau 30 ngày nếu là ống silicon. 

3. Các vấn đề thường gặp khi cho ăn bằng ống thông

Trong quá trình cho bệnh nhân ung thư dạ dày ăn bằng ống thông có thể xảy ra một số vấn đề như trào ngược thức ăn, bệnh nhân bị sặc... Người nhà nên xử lý như sau

- Đối với trào ngược thức ăn: 

+ Nằm đầu cao, nghiêng đầu sang một bên khi trào ngược hoặc nôn ói.

+ Cho ăn chậm, nếu dịch dạ dày >200ml ngưng ăn theo dõi, 2h sau cho ăn số lượng ít và tăng dần. 

- Đối với hiện tượng bị tiêu chảy khi cho ăn bằng ống thông

Người bệnh bị tiêu chảy khi ăn bằng ống thông có thể xuất phát từ việc đồ ăn chế biến chưa được kỹ, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, đường ruột kém không hấp thụ được các chất dinh dưỡng... Cách xử trí như sau:

+ Khắc phục trong chế biến và bảo quản thức ăn, chon sữa phù hợp và pha sữa theo đúng hướng dẫn.

+ Tham khảo ý kiến Bác sĩ dùng thuốc nếu tiêu chảy nặng.

Trên đây là phương pháp cho ăn bằng ống thông dành cho người nhà trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày và chỉ mang tính chất tham khảo. Người thân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể nhất. 

Tác giả: TMH