Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lây lan qua virus Dengue. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua muỗi vằn mang virus. Bệnh có khả năng bùng phát thành dịch, đặc biệt là vào mùa mưa, khi muỗi vằn sinh sôi và phát triển mạnh nhất.
Bệnh sốt xuất huyết với biểu hiện cơ bản nhất là sốt cao kèm theo các triệu chứng: mất nước, nôn mửa, chán ăn,... có thể dễ gây nhầm lẫn với các loại sốt thông thường: sốt virus, viêm họng,...
Vì vậy, khi thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt cao kéo dài liên tục, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc hạ sốt và truyền dịch mà cần tới gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân.
Không phải trường hợp sốt xuất huyết nào cũng phải nằm viện. Đặc biệt trong thời gian cao điểm của mùa dịch, người bệnh có thể được chỉ định điều trị ngoại trú và hẹn tái khám trong thời gian nhất định
Khi được điều trị tại nhà, việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết phải bắt đầu từ việc thường xuyên theo dõi thân nhiệt. Bệnh nhân cần được cặp nhiệt độ mỗi 4 đến 6 tiếng để phát hiện sốt kịp thời.
Nếu nhiệt độ cơ thể cao trên 38 độ, cần cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc. Các loại thuốc hạ sốt chứa aspirin, analgin, ibuprofen có thể gây biến chứng như xuất huyết nội tạng... Bên cạnh đó, khi bệnh nhân bị sốt, cần đặt họ ở nơi thoáng mát, thực hiện chườm mát,...
Khi cơ thể bị mất nước hoặc mất sức, việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, cần để bệnh nhân được nghỉ ngơi, thực hiện bù nước cho cơ thể. Bệnh nhân cần được sử dụng các loại nước bù điện giải như nước ép trái cây, nước dừa, oresol,...
Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cũng không được sử dụng các loại đồ uống có cồn, nước ngọt có ga hoặc nước chè đặc,... vì sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ và gây khó khăn trong việc chữa bệnh.
Khi được chỉ định điều trị ngoại trú, bệnh nhân có thể được hẹn tới tái khám hàng ngày hoặc thậm chí là nhiều lần trong một ngày. Điều này cần được thực hiện một cách nghiêm chỉnh để bác sĩ có thể theo dõi sát sao cũng như đề phòng các biến chứng có thể xảy ra.
Đặc biệt, khi bệnh nhân có các biểu hiện lạ: nôn hoặc đi vệ sinh ra máu, đau bụng,... cần lập tức tới bệnh viện để kiểm tra.