Hóa trị ung thư máu được xem là phương pháp đầu tay và sử dụng phổ biến nhất trên các bệnh nhân ung thư máu. Phương pháp hóa trị ung thư máu giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh nhờ vào các loại thuốc, hóa chất đưa vào cơ thể sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ vậy làm giảm nhẹ bệnh.
Các loại thuốc, hóa chất sử dụng trong hóa trị ung thư máu có thể được sử dụng đơn độc hoặc có sự phối hợp với nhau để gia tăng hiệu quả điều trị. Hóa chất, thuốc có thể được đưa vào cơ thể bệnh nhân thông qua các con đường như đường uống, tiêm, truyền,...
Sau khi thực hiện hóa trị ung thư máu, bệnh nhân có thể gặp nhiều tác dụng phụ khác nhau do các loại thuốc và hóa chất gây nên và sự suy giảm thể chất, miễn dịch của cơ thể,...
Vì vậy chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị ung thư máu có ý nghĩa quan trọng trong giảm nhẹ tác dụng phụ điều trị, phục hồi thể chất người bệnh, tạo tiền đề cho đợt điều trị kế tiếp.
Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân sau hóa trị ung thư máu là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Bệnh nhân cần được bổ sung đầy đủ các loại chất dinh dưỡng, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu protein, vitamin, chất xơ,... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp người bệnh khôi phục thể chất nhanh chóng, giảm mệt mỏi.
Đồng thời bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn và sử dụng thành nhiều lần. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tiêu hóa dễ dàng hơn, tránh táo bón do hệ tiêu hóa thường là cơ quan bị tổn thương sau hóa trị ung thư máu.
Tình trạng đau đớn, mệt mỏi sau điều trị có thể khiến bệnh nhân hạn chế vận động, nằm một chỗ,... Tuy nhiên điều này là không tốt cho bệnh nhân, khiến sức khỏe bệnh nhân suy giảm, tăng cảm giác mệt mỏi, dễ gây các vấn đề về tâm lý cho bệnh nhân,...
Vì thế bệnh nhân cần có chế độ vận động thích hợp sau khi hóa trị ung thư máu bằng các bài tập, vận động nhẹ nhàng thích hợp. Bệnh nhân cần tránh các vận động mạnh vì sẽ làm tăng nguy cơ gây xuất huyết dưới da, vết bầm tím,...
Do bệnh nhân ung thư máu bị bệnh trên chính hệ miễn dịch, điều này làm sức đề kháng của bệnh nhân trở nên yếu hơn, dễ bị tấn công hơn bởi các yếu tố gây hại. Đặc biệt sau hóa trị ung thư máu, dưới tác dụng của thuốc, hóa chất sẽ làm ảnh hưởng đến cả tế bào máu bình thường (trong đó có các tế bào miễn dịch bạch cầu, lympho bào,...) nên suy yếu miễn dịch trở nên nặng nề hơn.
Vì vậy bệnh nhân cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt của bản thân như thay bàn chải cứng bằng bàn chải mềm, hạn chế dùng các vật sắc nhọn dễ gây tổn thương cơ thể như dao kéo, dao cạo râu,... Đồng thời bệnh nhân ung thư máu nói chung và bệnh nhân sau hóa trị ung thư máu được khuyến cáo nên ít đến các nơi đông người hay vùng có dịch để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Hóa trị ung thư máu mặc dù là phương pháp điều trị hiệu quả và được áp dụng phổ biến, tuy nhiên phương pháp này cũng gây nhiều tác dụng phụ khác nhau cho bệnh nhân. Các loại hóa chất sử dụng trong hóa trị ung thư máu có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều tác dụng không mong muốn sau điều trị.
Những tác dụng phụ thường gặp sau hóa trị ung thư máu có thể kể đến như rối loạn tiêu hóa, giảm sản tủy xương, giảm tế bào máu ngoại vi, rụng tóc, viêm loét ống tiêu hóa và niêm mạc, rối loạn tiêu hóa,...
Những tác dụng không mong muốn có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Vì vậy, trong chăm sóc sau hóa trị ung thư máu cần quan tâm lưu ý đến các tác dụng phụ do hóa trị gây nên và thông báo với bác sĩ điều trị ngay với bác sĩ điều trị khi có các triệu chứng bất thường xảy ra để được xử lý kịp thời.