Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản
Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản là yếu tố rất quan trọng để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

Sau điều trị ung thư thanh quản có 3 yếu tố cần được đặc biệt chú ý để hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân đạt được kết quả điều trị tốt nhất. 3 yếu tố này gồm có dinh dưỡng, chăm sóc sau phẫu thuật và ổn định tâm lý. Sau đây, hãy cùng tìm hiểu cách chăm sóc đối với bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản.

1. Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản với chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý

- Phẫu thuật ung thư thanh quản dễ dẫn đến chứng chán ăn, mất khẩu vị, sụt cân. Điều này hoàn toàn không tốt cho quá trình hồi phục nên người nhà cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản.

- Chú ý cân bằng các nhóm dưỡng chất, không để thiếu bất kỳ một nhóm chất nào. Protein và chất đường bột dễ tiêu giúp cơ thể hấp thụ tốt. Rau xanh giúp điều hòa tiêu hóa và nhóm các vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ miễn dịch. 

- Tuy nhiên, nếu cơ thể bị dị ứng hoặc có những chỉ định chuyên môn của bác sĩ về các thực phẩm cần tránh. Người nhà bệnh nhân cần đặc biệt chú ý để bỏ đi hoặc thay thế những thực phẩm khác.

- Ưu tiên hình thức chế biến ít dầu, ít béo, dưới dạng lỏng. Nếu có điều trị bằng xạ trị, bệnh nhân có thể có cảm giác khô miệng, trường hợp này nên ăn đồ lỏng, ẩm như cháo, súp hầm và sữa để dễ nuốt hơn. 

2. Quá trình chăm sóc hậu phẫu thuật

- Khác với các loại phẫu thuật loại bỏ ung thư khác, ung thư thanh quản đòi hỏi người bệnh, bác sĩ lẫn người nhà bệnh nhân không được nóng vội dù chỉ một ngày.

- Do hầu hết các bệnh nhân điều trị ung thư thanh quản đều được chỉ định phẫu thuật mở khí quản, nên cần chuẩn bị vững tinh thần cho quá trình điều trị lâu dài và khó khăn. Sau hậu phẫu, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách tự chăm sóc sau mở khí quản, làm sạch ống mở khí quản, hút đờm và chăm sóc vùng da xung quanh.

- Lưu ý số một là không được để nước vào phổi qua lỗ mở khí quản. Khi tắm, rửa mặt hoặc tiếp xúc với nước, nhất thiết có một tấm nhựa hoặc vải để ngăn nước vào. 

- Thêm vào đó, nên sử dụng một số dụng cụ che phủ ống mở khí quản chuyên dụng giúp giữ độ ẩm trong và xung quanh ống mở khí quản, lọc bỏ khói, bụi trong không khí trước khi vào đường dẫn khí. Và giữ các chất tiết của đường dẫn khí không bị bắn ra khi bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản ho hoặc khạc.

- Vùng cổ và da cổ – ngực sau phẫu thuật có thể bị cứng và tê. Nên nếu có cạo râu, bệnh nhân nên sử dụng dao cạo râu nhựa để tránh làm tổn thương da.

- Ngoài ra, cần chú ý khi vào mùa đông, không khí khô lạnh và độ ẩm thấp. Nên để tránh cảm giác đau nhức, bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản cần chăm sóc cẩn thận vùng da xung quanh lỗ mở khí quản bằng cách: Sử dụng máy điều hoà độ ẩm ở nhà và nơi làm việc.

- Bên cạnh đó, việc tập luyện để lấy lại giọng nói cũng rất quan trọng. Không được nóng vội, mỗi ngày tập một ít để dây thanh phục hồi kịp thời và không chịu thêm tổn thương. 

- Tuân thủ nghiêm các bài tập luyện thanh, không gắng sức và trao đổi cụ thể với bác sĩ trong từng diễn tiến điều trị.

3. Ổn định và động viên tâm lý bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản 

- Mất giọng, dù là một phần hay toàn bộ cũng là một đả kích rất lớn với bệnh nhân ung thư thanh quản. Chính vì vậy, bệnh nhân cần có tư vấn, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ từ bác sĩ, đạt được thống nhất qua về quá trình điều trị.

- Những câu hỏi bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản cần biết trước như : các giai đoạn phục hồi mất bao lâu? Các nguy cơ nào phải đối mặt nếu phẫu thuật không thành công 100%? Nếu mất hoàn toàn giọng nói sẽ ra sao?…

- Sự đồng hành, động viên và chia sẻ tinh thần từ người nhà sẽ giúp bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản có thêm sức mạnh để tăng khả năng khỏi bệnh, không tái phát và tìm lại giọng nói của mình.


Tác giả: Thắng Lê