Cha mẹ dễ bị nhầm lẫn giữa biểu hiện viêm mao mạch dị ứng và cảm cúm ở trẻ em

Cha mẹ dễ bị nhầm lẫn giữa biểu hiện viêm mao mạch dị ứng và cảm cúm ở trẻ em
Viêm mao mạch dị ứng là một dạng tự dị ứng không rõ nguyên nhân, chủ yếu là liên quan tới các cơ quan như da, thận, ruột và khớp. Biểu hiện viêm mao mạch dị ứng thường gặp là da xuất hiện các vết ban dạng thấp.

1. Chủ quan vì nghĩ con chỉ bị cảm cúm thông thường

Gần đây, bé Tiểu Đào, 7 tuổi đã được cha mẹ đưa đến Khoa Da liễu của Bệnh viện Phụ nữ và trẻ em Thuận Nghĩa, thuộc Bệnh viện Nhi Bắc Kinh (Trung Quốc). 

Da của cậu bé có những biểu hiện khiến mọi người xung quanh phải kinh ngạc. Trên trán Tiểu Đào dán miếng hạ sốt, mắt sưng đỏ phồng rộp chỉ hở ra một khe nhỏ, 2 chân chứa đầy những nốt lốm đốm màu đỏ, chạm nhẹ cũng khiến cậu bé đau đớn. Nghiêm trọng hơn, gan và thận của bé đã bị ảnh hưởng, dẫn đến viêm thận. Bác sĩ Từ Triết, trưởng Khoa Da liễu của Bệnh viện cho biết tình trạng của Tiểu Đào chính là mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng.

Ảnh 1.

Hai mắt Tiểu Đào sưng đỏ phồng rộp chỉ hở ra một khe nhỏ, 2 chân chứa đầy những nốt lốm đốm màu đỏ, chạm nhẹ cũng khiến cậu bé đau đớn.

Theo bác sĩ Từ Triết: Bệnh viêm mao mạch dị ứng (còn được biết với nhiều tên gọi khác như Hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ...) là một bệnh tự dị ứng không rõ căn nguyên, có tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan, chủ yếu liên quan đến da, thận, ruột và khớp.

Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp 2 lần nữ. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chính thức còn chưa được xác định nhưng đa số các trường hợp bệnh xảy ra sau nhiễm một số chủng vi khuẩn hoặc virus như liên cầu nhóm A, mycoplasma, varicella virus, cytomegalovirus, epstein-barr virus, parvovirus B19, campylobacter.

Ảnh 2.

Bệnh viêm mao mạch dị ứng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ và dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường (Ảnh minh họa).

Về đặc điểm lâm sàng, bệnh thường xuất hiện hoặc nặng lên về mùa đông xuân. Các biểu hiện hay gặp nhất là nổi ban xuất huyết dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông và đùi, sưng đau khớp, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu. Một số biểu hiện hiếm gặp có thể xảy ra như viêm cơ tim, viêm tinh hoàn, hôn mê, co giật.

Như chúng ta đã biết, cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra, có thể ảnh hưởng đến hệ thống cơ thể như hô hấp. Khi trẻ có triệu chứng cảm lạnh, sốt, ho hoặc đau đầu vào đầu mùa đông, cần đặt ra nghi ngờ rằng đó có phải bệnh cúm hay không. 

Khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ sản sinh virus trong máu, nó có thể gây viêm mạch. Do đó, nhiều bệnh nhân bị viêm mao mạch dị ứng đều là do bị nhiễm trùng sau khi bị cảm lạnh, nhiễm virus gây ra tình trạng viêm của thành mạch máu nhỏ, làm tăng tính thấm của thành mạch máu và các tế bào máu thấm ra ngoài dưới da, từ đó dẫn đến bệnh.

2. Điều trị viêm mao mạch dị ứng như thế nào?

Điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng chủ yếu dựa vào chống dị ứng, bảo vệ thành mạch, nếu xuất huyết gây thiếu máu nhiều sẽ có chỉ định bổ sung hồng cầu hoặc nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn sẽ được dùng kháng sinh điều trị. Nên bổ sung vitamin C và chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất cho người bệnh.

Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý rằng một số người quan niệm bệnh này do trúng gió, máu độc… nên thường dẫn đến sai lầm trong điều trị bằng cách chích đẹn, đắp cây thuốc... Điều này rất nguy hiểm đối với trẻ. Do vậy, khi trẻ có nghi vấn bệnh viêm mao mạch dị ứng, nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chuyên gia hướng dẫn, chăm sóc.

Ảnh 4.

Hạn chế đưa trẻ bên ngoài trong thời gian mắc cúm và luôn đeo khẩu trang cho trẻ để giảm nguy cơ nhiễm trùng (Ảnh minh họa).

Đồng thời, phòng ngừa là bước quan trọng nhất để tránh xa bệnh. Thời tiết vào mùa đông rất lạnh, do đó trẻ rất dễ bị nhiễm virus cúm. 

Vì vậy, trong thời gian mắc bệnh cúm, cha mẹ hãy cố gắng không đưa trẻ đến nơi đông người và nơi có không khí không tốt. Nếu phải đưa trẻ ra ngoài, tốt nhất nên đeo khẩu trang để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Chú ý đến chế độ ăn uống, không ăn nhiều thực phẩm gây dị ứng hoặc các đồ ăn vặt.

Tác giả: KP