Cha mẹ cần biết 8 dấu hiệu cong vẹo cột sống ở trẻ em

Cha mẹ cần biết 8 dấu hiệu cong vẹo cột sống ở trẻ em
Cong vẹo cột sống ở trẻ em có thể được điều trị hoàn toàn, không ảnh hưởng đến trẻ khi chúng lớn lên. Tuy nhiên cha mẹ cần phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở cột sống của trẻ để không để lại những di chứng về sau.

Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống cong về một phía, có thể là bên trái hoặc bên phải. Mức độ cong có thể từ vừa đến nặng. Cong vẹo cột sống nếu được phát hiện sớm thì điều trị không quá phức tạp, tuy nhiên nếu để nặng, bệnh sẽ ảnh hưởng đến phần ngực và phần lưng, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể. 

Cột sống của người bình thường có độ uốn cong tự nhiên để phân phối đều sức nặng của cơ thể. Tuy nhiên trong tật cong vẹo cột sống, cột sống bị cong hẳn sang hai phía bên của trục cơ thể và các thân đốt sống bị vẹo theo trục của mặt phẳng ngang, khác với tình trạng gù hoặc ưỡn là biến dạng của cột sống theo trục trước sau.

Trong lối sống ngày nay, cong vẹo cột sống ở trẻ em gia tăng do thói quen sinh hoạt và học tập kém lành mạnh. Đây cũng được coi là bệnh học đường phổ biến, theo thống kê cứ 25 trẻ em gái vị thành niên thì có 1 trẻ bị vẹo cột sống và tỷ lệ ở trẻ em trai vị thành niên là 1/200. 

Cong vẹo cột sống ở trẻ em có thể tự khỏi mà không cần điều trị, trẻ sống bình thường khi lớn lên. Tuy nhiên có những trường hợp bị bẩm sinh hoặc bị nặng thì phải can thiệp bằng phẫu thuật chỉnh hình. 

Cong vẹo cột sống ở trẻ em ngoài nguyên nhân do yếu tố bẩm sinh thì tư thế ngồi học không đúng, mang vác quá nặng, hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn...cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống của trẻ.

Dấu hiệu cong vẹo cột sống ở trẻ em

Để nhận biết cong vẹo cột sống ở trẻ em, cha mẹ có thể quan sát bằng mắt thường nhờ những dấu hiệu bên ngoài. Tuy nhiên để xác định chính xác thì bác sĩ cần thực hiện một số cận lâm sàng cần thiết như  X-Quang KTS, MRI.

Một số triệu chứng cong vẹo cột sống ở trẻ em:

1. Hai vai bị lệch, không cao bằng nhau: Cha mẹ có thể quan sát bằng mắt, khi trẻ đi đứng, đứng thẳng. 

2. Đầu của trẻ không ở chính giữa mà hơi nghiêng sang một bên 

3. Một trong hai bên bả vai nhìn rõ hơn so với bên còn lại

4. Trẻ không mặc vừa các loại quần áo

5. Trẻ thường bị gầy hơn ở một bên cơ thể

6. Hai chân trẻ có độ dài không bằng nhau: Biểu hiện rõ nhất ở quần áo của trẻ.

7. Một trong hai bên hông có thể sẽ nhô lên cao hơn so với bên còn lại

8. Các xương sườn dài không bằng nhau  

Cong vẹo cột sống ở trẻ em nếu để phát triển trong thời gian dài mà không điều trị, các chức năng cột sống sẽ bị suy yếu, biến dạng, trẻ tự ti về ngoại hình dẫn đến biến đổi về tâm lý, trầm cảm; Hoặc mắc các bệnh liên quan đến chức năng tim, biến dạng xương chậu gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ em nữ khi trưởng thành. 

Khi phát hiện trẻ các những dấu hiệu nghi ngờ bị cong vẹo cột sống, cha mẹ cần phải đưa trẻ đến Bệnh viện chuyên khoa cơ, xương, khớp, cột sống để khám và kịp thời điều trị tránh tiến triển nặng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Phòng tránh cong vẹo cột sống ở trẻ

Một số biện pháp phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ:

1. Đảm bảo tư thế đúng trong sinh hoạt:  đi, đứng, ngồi học đúng tư thế.....

2. Tránh mang vác đồ vật nặng.

3. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

4. Tăng cường vận động, hoạt động thể thao.

Cong vẹo cột sống ở trẻ em mặc dù không phải là bệnh nặng nhưng chúng ảnh hưởng đến vẻ ngoài và tâm lý của trẻ. Nếu trẻ phải mặc áo nẹp để chỉnh cột sống thì cha mẹ cần phải hỗ trợ trẻ rất nhiều, bởi trẻ có thể sẽ cảm thấy không tự tin với vẻ ngoài của mình và có thể bỏ dở quá trình điều trị.

Cha mẹ cần giúp con điều trị cong vẹo cột sống ngay từ sớm. Cùng tham gia vào các nhóm thảo luận để tìm phương pháp và học hỏi kinh nghiệm của nhiều gia đình khác. 

Mặc dù chưa có nguyên nhân cụ thể về cong vẹo cột sống ở trẻ em, tuy nhiên một số nghiên cứu đã cứ minh cong vẹo cột sống do di truyền - tức là cha mẹ bị cong vẹo cột sống có thể sinh ra trẻ có cột sống bất bình thường. 

Bên cạnh đó, nên đặc biệt chú ý tới việc bổ sung canxi cho trẻ nhỏ và đảm bảo rằng xương của trẻ luôn phát triển chắc khỏe. Cha mẹ cần quan sát trẻ và hướng dẫn trẻ ngồi học, vui chơi đúng tư thế, đảm bảo không bị cong vẹo cột sống vì những thói quen hàng ngày.  Luyện tập thể thao đúng cách và chế độ ăn uống rất cần thiết để trẻ phát triển bình thường và tránh tình trạng béo phì.


Tác giả: Lê Cường