CDC Mỹ khuyến cáo, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính nếu bị nhiễm Covid-19 sẽ làm cho các bệnh đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp, khiến bệnh nhân rất dễ tử vong. Vậy nên, việc phòng ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này trở nên hết sức cấp thiết.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao nhất. Điều này cũng đã được minh chứng thông qua các con số thống kê cụ thể.
Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi trẻ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc cho biết, trong 44.700 ca nhiễm được xác định bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tính đến giữa tháng 2/2020, hơn 80% ca nhiễm là người từ 60 tuổi trở lên và một nửa trong số này trên 70 tuổi.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tăng dần theo nhóm tuổi, cụ thể như sau:
- 0,2% của nhóm đối tượng từ 10-39 tuổi;
- 0,4% của nhóm từ 40-49 tuổi;
- 1,3% của nhóm từ 50-59 tuổi;
- 3,6% của nhóm từ 60-69 tuổi
- 8% cho nhóm từ 70-79 tuổi.
- 14,8% cho nhóm trên 80 tuổi
Như vậy, tuổi càng cao nguy cơ tử vong vì Covid-19 càng lớn, nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất do COVID-19 là người trên 80 tuổi.
Các nhà khoa học đã chỉ ra, nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ mắc và tử vong cao hơn do COVID-19 là vì:
Tuổi càng cao, chức năng phổi càng giảm dẫn đến tình trạng thông khí kém hiệu quả. Do đó, nếu có thêm tình trạng viêm phổi tiến triển thì tình trạng suy hô hấp dễ phát triển và nguy kịch.
Hệ miễn dịch suy yếu theo tuổi khiến khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường ở người cao tuổi giảm.
Phản ứng viêm quá mức: Phổi, thận và nhiều cơ quan khác trong cơ thể có thể bị tổn thương khi mức độ viêm cao xảy ra.
Dễ biến chứng nguy hiểm: Phần lớn người cao tuổi thường có sẵn tình trạng đa bệnh lý nền như: Suy thận mạn, tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư… Khi nhiễm Covid-19. virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những biến chứng tim, thận hoặc gan,...gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng… Nhưng chiếm phần lớn là những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu chu kì.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần thường có sức khỏe yếu, suy giảm miễn dịch và phải đối diện với các biến chứng thường gặp như nhiễm độc, phù phổi cấp, đột quỵ não…
Do đó, nếu bệnh nhân suy thận mạn không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Bệnh Covid-19 giống như "giọt nước tràn ly" làm cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân suy thận mạn càng thêm trầm trọng.
Những người mắc bệnh phổi mạn tính cần đặc biệt thận trọng với COVID-19 vì một trong những biến chứng có thể xảy ra là viêm phổi. Viêm phổi do COVID-19 làm tắc nghẽn đường thở, khiến việc đưa oxy đến cơ thể khó khăn hơn. Ở những bệnh nhân đã mắc bệnh hô hấp mạn tính, viêm phổi có thể gây tử vong.
Các bệnh lý hô hấp mãn tính, bao gồm: hen suyễn, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi và các bệnh phổi kẽ khác. Nguy cơ có thể thay đổi tùy theo loại bệnh hô hấp.
Đối với nhiều người, việc sống chung với hệ thống miễn dịch suy yếu đồng nghĩa với khả năng mắc bệnh và nhiễm trùng cao hơn. Suy giảm miễn dịch đặc trưng ở những nhóm đối tượng sau:
- Người nhiễm HIV.
- Người trải qua hóa trị và xạ trị ung thư.
- Người ghép tạng.
- Người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, thường liên quan đến khiếm khuyết di truyền.
Suy giảm khả năng miễn dịch không chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh nặng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo với tình hình diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch cần hết sức cảnh giác với COVID -19.
Theo các nghiên cứu khoa học, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể gây tăng men gan và làm bệnh nặng hơn ở một số người có sẵn bệnh lý về gan. Các loại thuốc bao gồm kháng sinh, thuốc chống virus và steroid dùng trong điều trị COVID-19 cũng gây hại cho tế bào gan.
Những người bị bệnh gan mãn tính, đặc biệt là xơ gan (sẹo ở gan) có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Theo Y khoa, các hệ thống hô hấp và tim mạch trong cơ thể được liên kết chặt chẽ với nhau. COVID-19 làm giới hạn lượng không khí đi vào phổi bệnh nhân khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung cấp oxy cho cơ thể.
Đối với những người có bệnh lý nền về tim mạch từ trước, việc tăng gánh nặng cho tim không chỉ làm tăng huyết áp mà còn có khả năng làm bộc phát cơn đau tim hoặc đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Tổ chức Đái tháo đường Quốc tế (IDF), những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 và type 2, hệ thống miễn dịch suy giảm khiến cơ thể khó khăn hơn khi phải chống lại COVID-19. Đặc biệt, virus SARS-CoV-2 có thể phát triển mạnh khi mức đường huyết cao, điều này cũng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
IDF cũng khuyến nghị người bệnh đái tháo đường cần: Theo dõi lượng đường trong máu, đảm bảo có đủ thuốc, thực phẩm trong ít nhất một tháng và nên tránh tiếp xúc nơi đông người.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) liệt kê béo phì là yếu tố nguy cơ của COVID-19 nặng đặc biệt với các đối tượng có chỉ số BMI từ 40 trở lên.
Theo nghiên cứu của nhóm các chuyên gia ở Đức, Anh và Hoa Kỳ được công bố trên tạp chí Nature Reviews Endocrinology, tại Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19, dữ liệu từ 383 bệnh nhân cho thấy rằng béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh viêm phổi nặng do COVID-19 cao hơn 142%. Một nghiên cứu lớn hơn được thực hiện ở Mỹ với hơn 4.000 bệnh nhân mắc COVID-19 tại thành phố New York cho thấy béo phì nặng là yếu tố nguy cơ chính gây nên tình trạng nghiêm trọng chỉ đứng sau yếu tố tuổi tác.
Tiến sĩ Norbert Stefan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Đức, nhận định báo Medical News Today: "Chúng tôi kết luận rằng béo phì có thể khiến những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có các diễn tiến nghiêm trọng hơn và có thể có nguy cơ tử vong."
Theo các nhà khoa học, tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ COVID-19 nặng có liên quan đến rối loạn chức năng hô hấp. Những người mắc bệnh béo phì thường có kháng trở cao hơn trong đường thở, thể tích phổi thấp hơn và các cơ hô hấp yếu hơn, điều này có ảnh hưởng rất quan trọng trong việc cơ thể chống lại COVID-19. Những yếu tố này khiến người bệnh dễ bị viêm phổi hơn và gia tăng áp lực lên hệ tim mạch nhiều hơn.
Béo phì cũng liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh thận và tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Bộ Y tế khuyến cáo, những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, có các yếu tố nguy cơ COVID-19 nặng cần thực hiện nghiêm ngặt hơn các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 như: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước sạch, hạn chế đi ra ngoài, tập thể dục và ăn uống năng cao sức đề kháng là những cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro trong đại dịch COVID-19.