Các chuyên gia y tế khắng định, đeo khẩu trang là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19, đồng thời đây cũng là cách để không lây bệnh cho người khác nếu chúng ta đang nhiễm bệnh.
Ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ đã chia sẻ tác dụng của việc đeo khẩu trang trên Tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ (JAMA) vào giữa tháng 7 vừa qua như sau: Đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát trong khoảng từ 4-8 tuần nữa nếu "chúng ta có thể yêu cầu tất cả mọi người đeo khẩu trang ngay lúc này".
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đeo khẩu trang giảm 85% nguy cơ nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, phải đeo khẩu trang đúng cách thì mới có hiệu quả.
Đối với khẩu trang y tế
- Đeo mặt xanh / xám ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên. Sau đó, kéo khẩu trang che kín cả mũi lẫn miệng, ấn kẹp nhôm ôm sát vào phần sống mũi.
- Khẩu trang y tế chỉ sử dụng 1 lần, không sử dụng lại khẩu trang y tế dùng 1 lần. Sau khi tháo khẩu trang cần phải cho ngay vào thùng rác có nắp đậy.
Đối với khẩu trang vải
- Chọn khẩu trang vải kháng khuẩn, khi đeo che kín cả mũi lẫn miệng
- Giặt sạch khẩu trang vải sau mỗi lần sử dụng bằng xà phòng đồng thời lưu ý rửa sạch tay để phòng bệnh.
Theo nghiên cứu, virus gây bệnh Covid-19 có kích thước khoảng 150-200 nm (nanomet) và virus cúm Influenza A có kích thước 80-120nm, các virus này chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn. Một nghiên cứu năm 2013 cho biết, các giọt nước bọt lớn bắn ta thường có kích thước từ 75-360 micromet (1 micromet = 1000 nanomet). Do đó giọt nước bọt này có thể dễ dàng bị giữ lại bởi khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước lớn hơn 5 micromet.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo trong những trường hợp sau đây nên sử dụng khẩu trang y tế thay vì dùng khẩu trang vải:
- Khi bắt buộc phải tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với những người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi,…
- Khi đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế.
- Khi được chỉ định tự theo dõi và cách ly tại nhà.
Những người khỏe mạnh, không xuất hiện các triệu chứng về bệnh đường hô hấp thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế. Thay vào đó, chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến những nơi tập trung đông người, phương tiện giao thông công cộng.
- Tuyệt đối không kéo khẩu trang xuống cằm.
Bởi vì, vùng cằm và vùng gần cổ cổ thể phơi nhiễm virus. Nếu kéo khẩu trang xuống, phần khẩu trang bên trong sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, khi đó, miệng và mũi cũng sẽ bị lây nhiễm bởi vi khuẩn và virus. Vì vậy, khi bạn muốn ăn uống hay làm bất cứ hoạt động gì mà phải tháo khẩu trang, hãy tháo bỏ khẩu trang hoàn toàn.
- Trong quá trình đeo khẩu trang tuyệt đối không dùng tay chạm vào mặt trước khẩu trang.
- Khi tháo khẩu trang, không cầm vào khẩu trang mà nên cầm vào dây đeo qua tai để tháo ra.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch khoảng 20 giây sau khi tháo khẩu trang.
Trong một số trường hợp đột xuất, nếu quên không mang khẩu trang, các chuyên gia y tế khuyên bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Khi muốn ho hay hắt xì,... nên sử dụng khăn giấy rồi bỏ vào thùng rác có nắp đậy.
- Trường hợp không có khăn giấy bên người thì nên ho, hắt xì vào khuỷu tay, tránh dùng bàn tay che miệng bởi khi tay bị nhiễm do ho hay hắt hơi sẽ dính vào các vật dụng mà người bệnh cầm nắm như: nắm cửa, nút bấm thang máy, tay cầu thang, bát đũa, ly chén hay bắt tay với người khác,... Do vậy, virus bám vào từ những vật dụng này lại có cơ hội lây sang cho người khác khi họ chạm vào.
Đeo khẩu trang là việc làm cần thiết để phòng chống dịch Covid-19. Mọi người cần đeo khẩu trang để không bị nhiễm bệnh và đeo khẩu trang để không lây bệnh cho người khác trong trường hợp mình mang virus SARS-CoV-2 trong người.