Cây xấu hổ (trinh nữ): Loại cây mọc dại nhưng lại có giá trị đối với sức khoẻ

Cây xấu hổ (trinh nữ): Loại cây mọc dại nhưng lại có giá trị đối với sức khoẻ
Cây xấu hổ (cây trinh nữ) là một loại thảo dược có nhiều công dụng đối với sức khoẻ nhưng ít người biết đến.

Cây xấu hổ thường mọc hoang và ít được sử dụng. Tuy nhiên, loại cây này có những công dụng bất ngờ đối với sức khoẻ, có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.

1. Giới thiệu về cây xấu hổ

Cây xấu hổ có tên khoa học là Mimosa Pudica L, thuộc Họ Đậu – Fabaceae, được biết đến với nhiều tên gọi như cây mắc cỡ, cây e thẹn, cây trinh nữ, hàm tu thảo, cây thẹn, …

Cây xấu hổ là một loại cây bụi sống lâu năm, mọc thấp, phân nhánh nhiều, có gai, cao khoảng 15 đến 100 cm. Đặc điểm nổi bất nhất của cây xấu hổ là khi chạm vào lá cây sẽ cụp lại. 

Ngoài ra, mọi người có thể nhận biết cây xấu hổ qua một vài đặc điểm:

- Lá có màu xanh đậm, hình lông chim và có lông, mọc kép đối xứng nhau, cuống lá dài khoảng 4cm.

- Hoa màu hồng tím, hình cầu, mọc từ nách lá

- Quả hình ngôi sao, dài 2mm, rộng 3mm, mọc tụ lại theo chùm, có lông cứng ở mép quả và có hạt bên trong. Hạt có màu nâu nhạt, dẹt, đường kính 2,5 - 3 mm và có bề mặt hạt mịn. Từ thời xa xưa, nhiều loại thảo mộc được sử dụng làm gia vị. Cây xấu hổ là một trong số đó.

Thành phần hoá học của cây xấu hổ bao gồm alkaloid, flavonoid, coumarin, saponin, tannin, glycoside tim, phenol, terpenoid, saponin, hexosamine, axit deoxyribonucleic và oxit nitric. 

Chiết xuất từ rễ của cây xấu hổ có chứa axit béo, glycoside, tinh dầu, tanin, axit amin, phytosterol và flavonoid. 

Một số hợp chất hóa học thực vật quan trọng khác của loại thảo dược này là mimosine, axit jasmonic, axit betulinic, stigmasterol, beta-sitosterol, dimethyl, muối amoni, glutathione và superoxide dismutase.

Cây xấu hổ (trinh nữ): Loại cây mọc dại nhưng lại có giá trị đối với sức khoẻ - Ảnh 2.

Cây xấu hổ chứa nhiều thành phần hoá học có lợi đối với sức khoẻ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Những lưu ý khi dùng cây lộc mại tránh tình trạng ngộ độc

Cây bồ công anh: Vị thuốc quý cho sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa

2. Tác dụng của cây xấu hổ đối với sức khoẻ

Theo Đông Y, cây xấu hổ có vị ngọt, hơi se đắng, tính hàn, có một lượng ít độc, được quy vào kinh Phế. Tất cả các bộ phận của cây đều có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.

Theo y học hiện đại, cây xấu hổ có những công dụng nổi bật như:

- Chống trầm cảm: Ở Mexico, nước chiết xuất từ lá khô của cây xấu hổ được sử dụng để làm dịu chứng trầm cảm. Trong một nghiên cứu ở chuột, các dữ liệu cho thấy cây xấu hổ tạo ra tác dụng chống trầm cảm ở chuột.

- Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ: Cây xấu hổ giúp kiểm soát bệnh trĩ và giảm cảm giác bỏng rát và khó chịu nhờ khả năng làm lạnh cũng như đặc tính cân bằng Vata (cân bằng năng lượng gió). Loại thảo mộc này có chứa một loại alkaloid mạnh gọi là mimosin, giúp giảm đau và giảm viêm đặc biệt liên quan đến bệnh trĩ.

- Hỗ trợ điều trị một số vấn đề về da: Chiết xuất thảo dược từ cây xấu hổ được sử dụng trong điều trị một số vấn đề về da bao gồm phát ban, nhiễm nấm, viêm da, bệnh vẩy nến và mụn trứng cá. Loại cây này có đặc tính chống vi khuẩn giúp cơ thể chống lại các loại nhiễm trùng da. Rễ của cây xấu hổ cũng được dùng để điều trị bệnh bạch biến - một bệnh ngoài da làm mất sắc tố da.

- Cải thiện khả năng tình dục ở nam giới: Cây xấu hổ được biết là có khả năng kích thích tình dục cao, chiết xuất từ loại cây này mang lại kết quả tuyệt vời để điều trị rối loạn cương dương ở nam giới. Chiết xuất từ cây xấu hổ cũng hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị các vấn đề về sinh sản khác như tinh trùng thấp và xuất tinh sớm.

- Trị rắn và côn trùng cắn: Cây xấu hổ có chứa đặc tính chống nọc độc nên vào thời cổ đại, loại thảo dược này đã được sử dụng như một loại thuốc giải độc cho vết cắn của rắn, rắn hổ mang và bọ cạp. Đối với vết côn trùng cắn nhỏ, lá và nước ép thân của cây này được bôi lên vùng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cây xấu hổ có nhiều lợi ích khác như chống rụng tóc; Ngăn ngừa và giảm các triệu chứng đau đầu, đau nửa đầu; Điều trị tiêu chảy; Điều trị huyết áp cao.

Cây xấu hổ (trinh nữ): Loại cây mọc dại nhưng lại có giá trị đối với sức khoẻ - Ảnh 3.

Cả Đông Y và Y học hiện đại đều cho thấy cây xấu hổ có nhiều công dụng đối với sức khoẻ và có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh lý (Ảnh: Internet)

3. Một số bài thuốc từ cây xấu hổ

Cây xấu hổ được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian như:

- Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ: Đầu tiên, lấy lá cây, chú ý loại bỏ gai nhọn và rửa sạch, đem giã cho nhuyễn cùng 1 ít muối hạt trắng. Cho hỗn hợp vào băng gạc, đắp lên búi trĩ hậu môn 20 phút.

Ngoài ra, mọi người có thể lấy cây xấu hổ rửa sạch, đun cùng nước và muối ăn trong 15 phút. Sau đó, đổ nước xông vào chậu, chờ nguội bớt thì tiến hành xông hơi trực tiếp hậu môn khoảng 20 phút.

Tuy nhiên, mọi người nên áp dụng với tình trạng trĩ nhẹ, đối với các trường hợp bị nặng và đi ra máu, nên thận trọng và cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh gây nhiễm trùng.

- Bài thuốc trị tiêu hoá kém: Sử dụng 16g cây xấu hổ, mạch nha, bạch thược và 12g thần khúc. Đem tất cả các nguyên liệu sắc 2 lần nước, mỗi lần chỉ lấy đúng 1 bát thuốc và uống vào bữa trưa và tối sau khi ăn.

- Bài thuốc an thần, chữa mất ngủ: Mọi người có thể sắc nước từ thân và lá cây xấu hổ uống mỗi ngày. Hoặc có thể sử dụng 20g lá cành cây xấu hổ phơi khô, 20g lạc tiên, sắc thành nước thuốc và uống mỗi ngày một thang liên tục trong 1 tuần.

- Bài thuốc điều hoà huyết áp: Sử dụng 8g xấu hổ, hoa đại, trắc bách diệp, lá vông nem, câu đằng, thân lá bạch hạc, đỗ trọng, hạt thảo quyết minh sao vàng. 6g hà thủ ô đỏ, 6g tang ký sinh và 4g địa long. Các vị thuốc trên sắc theo thang uống trong ngày.

Cây xấu hổ (trinh nữ): Loại cây mọc dại nhưng lại có giá trị đối với sức khoẻ - Ảnh 4.

Cây xấu hổ được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian (Ảnh: Internet)

Lưu ý về các bài thuốc từ cây xấu hổ

- Các bài thuốc từ cây xấu hổ mang tính dân gian nên mọi người cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng.

- Bài thuốc từ cây xấu hổ chỉ mang tính hỗ trợ điều trị, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ.

4. Một số lưu ý khi sử dụng cây xấu hổ

Mặc dù có những công dụng đối với sức khoẻ nhưng cây xấu hổ có chứa độc tính. Chất tanin có trong cây có thể gây độc nếu ăn phải với liều lượng cao. Do đó, mọi người nên lưu ý:

- Những đối tượng tuyệt đối không nên dùng cây xấu hổ: Người đang có cơ thể suy nhược, người có thể hàn lạnh, phụ nữ đang có thai.

- Không nên dùng quá liều, dùng theo chỉ định từ thầy thuốc hoặc bác sĩ có chuyên môn

- Sau khi dùng cây xấu hổ và nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng như mẩn ngứa, phát ban, buồn nôn và nôn, khó chịu trong người, … Mọi người cần đến bệnh viện để được cấp cứu, xử lý kịp thời.

Nguồn tham khảo:

1. 16 Health benefits of Sensitive plant (Touch Me Not)

2. Lajvanti: Uses, Health Benefits, Dosage, Side Effects And Precautions

3. Mimosa pudica L. (Laajvanti): An overview


Tác giả: Vân Anh