Cây râu mèo có tác dụng gì?

Cây râu mèo có tác dụng gì?
Cây râu mèo có tác dụng gì? Cây râu mèo được biết đến là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền dân gian. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh râu mèo có khả năng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống đái tháo đường, bảo vệ gan.

1. Cây râu mèo là gì?

Cây râu mèo có tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth, họ hoa môi (Lamiaceae) hay còn gọi là cây bông bạc, mao trao thảo… Râu mèo là cây ưa ẩm, ưa sáng, chịu bóng ít thường mọc trên đất giàu chất mùn ở ven rừng, gần bờ nước hoặc trong thung lũng. 

Loại cây này được trồng phân bố rải rác ở các vùng nhiệt đới Châu Á, Châu Phi, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.

Râu mèo sinh trưởng mạnh vào mùa hè và chóng lụi tàn vào mùa đông. Râu mèo thường ra hoa hàng năm, được trồng bằng hạt, sinh trưởng phù hợp trên mọi loại đất, nhưng không chịu được ngập úng.

Cây râu mèo có tác dụng gì? - Ảnh 1.

Cây râu mèo là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền (Ảnh: Internet)

Đặc điểm của cây: Cây thân thảo, sống lâu năm, cao từ 30 – 50cm. Thân cây ít phân nhánh, cứng, mọc đứng, rãnh dọc, thường có màu nâu tím. Lá mọc đối xứng, cuống lá ngắn, gân lá có lông mịn. Cụm hoa mọc thẳng ở ngọn cây và đầu cành có màu trắng hoặc màu tím nhẹ. Phần nhụy và nhị của cây mọc vươn ra ngoài giống râu con mèo.

Toàn bộ các bộ phận của cây râu mèo đều dùng để làm thuốc. Khi thu hái râu mèo, cần thu hái khi cây chưa ra hoa sau đó rửa sạch loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô.

2. Cây râu mèo có tác dụng gì?

Trong râu mèo có chứa diterpenes, triterpenes, saponin, flavonoid, axit hữu cơ, tinh dầu, muối vô cơ (chiếm đến 12%) đặc biệt là muối kali … Sau đây sẽ là những tác dụng của của cây râu mèo đối với sức khoẻ:

2.1. Trong y học hiện đại

- Lợi tiểu: Cây râu mèo chứa hợp chất flavonoid giúp tăng cường bài tiết nước tiểu ra ngoài, giảm phù thũng.

- Hỗ trợ điều trị bệnh thận và sỏi thận: Cây râu mèo khô có tác dụng làm kiềm hóa máu nhờ hoạt chất orthosiphonin và muối kali giữ cho muối urat, acid uric ở dạng hòa tan do đó được ứng dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận.

CÂY RÂU MÈO CÓ TÁC DỤNG GÌ?  - Ảnh 2.

Cây râu mèo hỗ trợ điều trị bệnh thận và sỏi thận (Ảnh: Internet)

- Hạ đường huyết, hạ huyết áp: Dịch chiết xuất từ lá râu mèo được chứng minh có tác dụng giúp hạ đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường.

- Chống oxy hóa: Các hoạt chất flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, ngăn chặn các gốc tự do gây tổn hại cho tế bào và hệ miễn dịch từ đó tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

- Chống viêm và giảm đau: Các nghiên cứu trên mô hình tế bào và động vật đã cung cấp bằng chứng râu mèo có khả năng ức chế hoạt động của đại thực bào, chống viêm và tăng miễn dịch cơ thể. Hơn nữa, vị thuốc này còn giúp làm giảm đau nhức xương khớp, tê mỏi chân tay khá hiệu quả.

- Hoạt động kháng khuẩn: Cây râu mèo rất giàu chất chuyển hóa thứ cấp phenolic và một số chất khác nên có tính kháng khuẩn. Cụ thể là ức chế sự phát triển lây lan của các loại vi khuẩn Streptococcus, S.aureus…

- Hỗ trợ làm giảm đau nhức bệnh Gout: Một số thành phần hóa học trong vị thuốc giúp giảm lượng ure, clorua, axit trong cơ thể vì thế râu mèo có tác dụng thông tiểu, tránh viêm ở những người bị bệnh Gout.

2.2. Trong y học cổ truyền

Cây râu mèo nhờ có đặc tính vị ngọt, nhạt, hơi đắng và mát nên công dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu… dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm bàng quang, phù thũng…

Đọc thêm:

 Uống nước rau má khô có tác dụng gì? Hướng dẫn đun rau má khô đúng cách

Uống nước rau má đậu xanh có tác dụng gì? 

3. Cách sử dụng cây râu mèo

Tùy theo mục đích sử dụng, râu mèo có thể dùng dưới dạng khô, dạng thuốc sắc hay tán thành bột uống nước hoặc chế thành dạng cao lỏng.

CÂY RÂU MÈO CÓ TÁC DỤNG GÌ?  - Ảnh 3.

Cây râu mèo được sấy khô (Ảnh: Internet)

3.1. Một số lưu ý khi sử dụng

- Dùng râu mèo liều tươi từ 20 – 60g/ngày, liều khô từ 12 – 30g/ngày dưới dạng thuốc sắc, pha trà hay cao lỏng. 

- Có thể dùng uống đơn độc hoặc kết hợp với vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả trị bệnh.

- Tránh sử dụng với những người bị mẫn cảm hay dị ứng các thành phần của thuốc.

- Cẩn trọng trong quá trình sử dụng đối với phụ nữ có thai và cho con bú.

- Với liều dùng thông thường, cây râu mèo không gây độc cấp tính. Tuy nhiên, cũng không nên sử dụng liều cao và kéo dài do có tác động lên sự cân bằng ion K+, Na+..

3.2. Cách dùng trong hỗ trợ điều trị bệnh

- Hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu: Râu mèo 10g, rửa sạch hãm với nước sôi, uống như trà, ngày chia 2 lần, uống trước bữa ăn 15 phút.

- Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan, thanh nhiệt, giải độc, nóng trong người: Kết hợp râu mèo khô, chó đẻ, cỏ mực, cỏ lưỡi rắn và các vị thuốc khác. Mỗi loại 30g đem rửa sạch, sắc uống ngày từ 2 - 3 lần. Uống trong 3 tuần, dừng lại 1 tuần sau đó lại uống (dùng trong 3 tháng).

- Lợi tiểu, tiểu buốt: Râu mèo tươi 40g, thài lài (biển súc) 30g, hoạt thạch 6g đem rửa sạch rồi sắc uống ngày 2 – 3 lần cho đến khi khỏi.

Trên đây là những giải đáp cho câu hỏi: "Cây râu mèo có tác dụng gì?". Tuy nhiên, việc tận dụng đúng thuốc và đúng cách vô cùng quan trọng. Trước khi sử dụng người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn để tránh khỏi những tác dụng phụ không mong muốn.

Nguồn tham khảo:

Orthosiphon stamineus Benth. is an Outstanding Food Medicine: Review of Phytochemical and Pharmacological Activities 

Diuretic properties of Orthosiphon stamineus Benth 


https://suckhoehangngay.vn/cay-rau-meo-co-tac-dung-gi-20220531114259494.htm
Tác giả: Hằng Vũ