Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cao huyết áp chỉ xảy ra ở tuổi trung niên hoặc người cao tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Trong đó có trẻ em.
Thực tế, cao huyết áp ở trẻ em ngày càng gia tăng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân gây cao huyết áp ở trẻ em là gì? Làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi mối đe doạ này?
Huyết áp là áp lực dòng máu chảy qua các mạch bên trong cơ thể con người. Trong điều kiện bình thường, trái tim sẽ bơm máu qua tất cả các mạch trên cơ thể. Khi bị cao huyết áp việc đẩy máu trở nên khó khăn hơn, gây nguy hại cho tim mạch và các cơ quan khác.
Cao huyết áp ở người lớn có thể dễ dàng chẩn đoán bằng cách đo huyết áp thường xuyên bằng dụng cụ chuyên dụng. Việc chẩn đoán cao huyết áp ở trẻ em khó khăn hơn nhiều. Bởi việc so sánh, giải thích các con số vô cùng phức tạp. Các bác sĩ phải dựa vào giới tính, chiều cao và số huyết áp của trẻ để đưa ra chẩn đoán phù hợp.
Cao huyết áp ở trẻ em được kết luận khi chỉ số huyết áp bằng hoặc cao hơn 95% so với các bạn cùng giới tính, độ tuổi và chiều cao. Tuỳ thuộc vào độ tuổi và chiều cao của từng trẻ bạc sĩ sẽ xác định được tình trạng huyết áp riêng biệt.
Cụ thể là:
- Với trẻ em từ 3 - 6 tuổi được chẩn đoán cao huyết áp khi chỉ số huyết áp trên 116/76 mmHg
- Với trẻ em từ 7- 10 tuổi được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp cao trên 122/78 mmHg.
- Với trẻ em từ 11- 13 tuổi được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp cao trên 126/82 mmHg.
- Với Trẻ em từ 14- 16 tuổi được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp cao trên 136/86 mmHg.
- Với trẻ em từ 16- 19 tuổi được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp cao trên 120/81 mmHg.
Chi tiết về chỉ số cao huyết áp, bạn có thể đọc thêm qua bài viết: Huyết áp cao là bao nhiêu? Ghi nhớ ngay những con số này nếu không muốn ân hận.
Cao huyết áp ở trẻ em thường gặp ở những trẻ béo phì, thừa cân hoặc tiền sử gia đình có người bị cao huyết áp. Những trường hợp này được gọi là cao huyết áp nguyên phát. Một số đối tượng khác bị tăng huyết áp thứ phát do những nguyên nhân dưới đây.
- Viêm thận - tiết niệu: Trẻ bị tổn thương thận có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Đối tượng thường gặp là những người bị viêm thận, bể thận mạn, viêm cầu thận mạn, loạn sản thận bẩm sinh, thận đa nang, tổn thương thận do thải ghép...
- Trẻ bi tim bẩm sinh, hẹp eo động mạch chủ, viêm mạch, Shunt động- tĩnh mạch, hội chứng William- Beuren,…
- Trẻ bị xuất huyết nội sọ, tổn thương não tồn dư hoặc bại liệt.
- Một số nguyên nhân khác là do nội tiết, cường giáp, hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh. Hội chứng Cushing, cường Aldosteron tiên phát,...
Giống như cao huyết áp ở người lớn, cao huyết áp ở trẻ em không có triệu chứng điển hình. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng cần thiết.
Một số triệu chứng tăng huyết áp ở trẻ em thường gặp như: Nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, đỏ mặt, vã mồ hôi, giảm thị lực,... Một số trẻ có dấu hiệu đánh trống ngực xảy ra theo từng cơn. Đồng thời có dấu hiệu mệt mỏi, hôn mê sâu khi tình trạng bệnh nghiêm trọng.
Đối với trường hợp trẻ bị cao huyết áp nặng có thể xuất hiện triệu chứng phù ngoại biên, co giật. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong.
Những yếu tố nguy cơ cao của bệnh tăng huyết áp ở trẻ em là béo phì và gia đình có bố, mẹ bị cao huyết áp. Tuy nhiên trẻ cũng có thể bị cao huyết áp bởi các tác nhân như: Ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
Béo phì, thừa cân là yếu tố nguy cơ chính với bệnh cao huyết áp ở trẻ. Đồng thời nó cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và tiểu đường nếu không được điều trị sớm.
Béo phì là kết quả của việc ăn quá nhiều và lười vận động. Có rất nhiều trẻ ăn một lượng thực phẩm lớn hơn nhiều so với nhu cầu của cơ thể. Cùng với đó là chế độ ăn không lành mạnh như: Tiêu thụ mạnh các loại thức uống có đường. Ăn nhiều bánh ngọt, đồ chiên rán...
Do đó để hạn chế cao huyết áp do béo phì cha mẹ cần xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng khoa học. Đồng thời tăng cường các hoạt động thể chất. Khuyến khích trẻ chơi thể thao thay vì dành nhiều giờ ngồi xem ti vi hoặc chơi điện tử.
Không chỉ đối mặt với khả năng bị cao huyết áp vô cùng nguy hiểm mà Trẻ em béo phì phải đối mặt với 5 biến chứng sức khỏe nguy hiểm khác.
Để chẩn đoán chính xác bệnh cao huyết áp ở trẻ, bác sĩ cần đo một cách chính xác nhất. Thông thường, huyết áp được đo bằng các dụng cụ như: Huyết áp kế thuỷ ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc máy đo huyết áp điện tử. Tuy nhiên đo bằng phương pháp nghe được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng để chẩn đoán cao huyết áp ở trẻ em.
Bên cạnh đó, tuỳ vào bệnh lý phối hợp, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm cận lâm sáng cần thiết cho người bệnh. Một số xét nghiệm thường gặp như chụp động mạch thận, chụp cộng hưởng từ sọ não, định lượng hormone,...
Để điều trị cao huyết áp ở trẻ bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Áp dụng chế độ ăn phòng ngừa cao huyết áp DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension). Bổ sung các thực phẩm ít béo hoặc chất bão bão hoà trong thực đơn của trẻ. Ăn nhiều chất xơ, trái cây tươi, rau củ. Hạn chế lượng muối tiêu thụ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Kiêng đồ chiên, rán, đồ ngọt, nước có gas và các thực phẩm khiến cân nặng tăng nhanh.
- Theo dõi cân nặng thường xuyên và kiểm soát chúng. Xây dựng chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp, phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ.
- Điều trị nội khoa bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời tránh các loại thuốc gây tăng huyết áp được chống chỉ định với người đang điều trị bệnh.
- Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Ngay cả khi đó là khói thuốc thụ động. Bởi khói thuốc có thể gây tổn thương cho tim mạch của trẻ.
- Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ. Cần có biện pháp giúp trẻ tránh khỏi áp lực do học hành, thi cử hoặc nguyên nhân khác. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình trạng huyết áp của trẻ tại nhà. Đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.
Trên đây là mọi thông tin về cao huyết áp ở trẻ em bạn cần biết. Hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chi tiết hơn. Từ đó có phương pháp chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho con em mình.