Cao huyết áp ở người già và những lưu ý điều trị an toàn

Cao huyết áp ở người già và những lưu ý điều trị an toàn
Cao huyết áp ở người già là bệnh lý tim mạch phổ biến. Nó có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều hệ cơ quan khác nhau như thần kinh, tim mạch, thận,... Vì thế bệnh cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm bằng các biện pháp thích hợp ngay khi mới vừa xảy ra.

Cao huyết áp ở người già là vấn đề sức khỏe thường gặp ở nhóm đối tượng này. 

Tại Hoa Kỳ, người ta ước tính rằng có đến 60% người trên 60 tuổi và 90% người trên 70 tuổi bị bệnh cao huyết áp. Khi cao huyết áp ở người già xảy ra, nó kéo theo nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm khác nhau như tim mạch, thần kinh và biến chứng thận.

Do đó, điều trị và kiểm soát cao huyết áp ở người già một cách hợp lý, tích cực sẽ tăng tỷ lệ sống sót và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bệnh nhân.

Cao huyết áp ở người già và những điều cần biết - Ảnh 1.

Cao huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến hàng đầu ở người già (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến huyết áp cao hơn: Giảm căng thẳng bằng cách nào?   

Cách hạ huyết áp ngay lập tức theo lời khuyên của chuyên gia y tế

1. Cao huyết áp ở người già xảy ra như thế nào?

Mặc dù cao huyết áp không phải là một trong các quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, nhưng nó lại có mối liên hệ mật thiết cùng với các thay đổi trong quá trình này. Điều này dẫn đến hậu quả là tỷ lệ mắc cao huyết áp được ghi nhận ở bệnh nhân tăng dần cùng với sự lớn lên của tuổi tác. Sự thay đổi của một số yếu tố sau đây được cho là có vai trò trực tiếp đối với sự xuất hiện của cao huyết áp ở người già, bao gồm:

- Giảm đàn hồi thành mạch

Theo tuổi tác lớn dần thì các mạch máu trong cơ thể của người già cũng ngày càng trở nên xơ cứng, giảm độ đàn hồi, xơ vữa,...Sự xơ cứng và giảm đàn hồi này khiến chức năng đệm của mạch máu bị giảm nghiêm trọng và sức cản thành mạch tăng lên đáng kể. Hậu quả trực tiếp là với cùng một áp lực bơm máu của tim thì huyết áp trong lòng mạch lại bị gia tăng lên rất nhiều. Từ đó gây nên tình trạng cao huyết áp ở người già.

- Thận bị lão hóa

Ngoài chức năng lọc máu, thận còn có vai trò rất quan trọng đối với huyết áp của con người. Khi thận bị lão hóa và các cầu thận bị giảm chức năng, calci và natri sẽ bị ứ đọng trong cơ thể. Hậu quả là tăng co mạch và dư thừa muối trong cơ thể, khiến cho sức cản thành mạch và thể tích dịch trong lòng mạch đều tăng lên gây cao huyết áp.

- Rối loạn khả năng điều hòa huyết áp

Một nguyên nhân quan trọng khác tham gia vào sự hình thành cao huyết áp ở người già chính là sự rối loạn của các yếu tố điều hòa huyết áp, chẳng hạn như hệ Renin-Angiotensin-Aldosterol (hệ RAA), thụ thể nhận cảm áp suất,...

Các nghiên cứu thấy rằng, hệ RAA ở người già có mức độ hoạt động chỉ bằng khoảng 60% so với người trẻ, nhưng các chất dẫn truyền thần kinh giao cảm (Noadrenalin,...) lại có nồng độ tăng gấp đôi. Đồng thời với đó, sự hoạt động của các thụ cảm thể áp lực (baroreceptor) cũng bị ảnh hưởng và giảm nhạy cảm đáng kể cùng với sự tăng cao của tuổi tác.

Sự rối loạn của các yếu tố này khiến huyết áp không được điều hòa một cách thích hợp khi có các thay đổi xảy ra. Do đó khiến người già dễ bị cao huyết áp.

2. Cao huyết áp ở người già gây hậu quả gì?

Cao huyết áp gây ảnh hưởng tiêu cực lên rất nhiều hệ cơ quan khác nhau của cơ thể. Do đó, mặc dù cao huyết áp ở người già không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong, nhưng nó lại có khả năng thúc đẩy nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Một số biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp ở người già có thể kể đến như:

- Biến chứng tim mạch

Theo thống kê, khoảng 85% bệnh nhân bị bệnh mạch vành thuộc nhóm lớn hơn 65 tuổi. Trong đó, các bệnh nhân bị cao huyết áp là những bệnh nhân chiếm đa số so với người không bị cao huyết áp. Chính vì vậy, kiểm soát huyết áp được xem như là một trong các biện pháp dự phòng cơ bản đối với bệnh mạch vành hiện nay.

Khi cao huyết áp xảy ra, tim sẽ phải tăng cường độ làm việc để có thể bơm máu đi nuôi cơ thể. Về lâu dài, rất dễ dẫn đến tình trạng suy tim do biến chứng cao huyết áp ở người già.

- Biến chứng thần kinh

Cao huyết áp là nguy cơ chính gây nên tình trạng đột quỵ nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Áp lực trong lòng mạch tăng cao khiến các mạch máu não dễ bị vỡ ra hoặc đẩy các mảnh xơ vữa đến mạch máu não và gây bít tắc.

Ngoài ra, cao huyết áp còn được ghi nhận có mối liên hệ với tình trạng sa sút trí tuệ ở người già, bao gồm sa sút trí tuệ do mạch máu hoặc do bệnh Alzheimer. Khi kiểm soát huyết áp kém cũng kéo theo mức độ trầm trọng của tình trạng sa sút trí tuệ tăng lên đáng kể.

Cao huyết áp ở người già và những điều cần biết - Ảnh 2.

Cao huyết áp ở người già có thể gây biến chứng tai biến mạch máu não (Ảnh: Interenet)

- Biến chứng thận

Cao huyết áp ở người già gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thận, giảm dòng máu đến thận và khiến mức lọc cầu thận bị suy giảm. Lúc này hệ thống RAA sẽ được kích hoạt, điều này lại càng khiến cao huyết áp trở nên trầm trọng hơn. Chính vì vậy một vòng xoắn bệnh lý được hình thành, cao huyết áp gây biến chứng thận và biến chứng thận làm nặng nề hơn tình trạng cao huyết áp.

- Biến chứng võng mạc

Cao huyết áp kéo dài có thể gây nên nhiều biến chứng lên võng mạc của bệnh nhân. Các biến chứng tại võng mạc thường gặp khi bị cao huyết áp ở người già có thể kể đến như thoái hóa võng mạc, tắc động mạch võng mạc và tổn thương thần kinh thị giác.

3. Triệu chứng và chẩn đoán cao huyết áp ở người già

3.1. Triệu chứng cao huyết áp ở người già

Bệnh cao huyết áp ở người già có khả năng xuất hiện và tiến triển rất âm thầm. Trong quá trình này, nó có thể gây nên một số các triệu chứng như đầu, chóng mặt, nóng bừng người, đỏ mặt,... Tuy nhiên, các triệu chứng này ít đặc hiệu và thường không được chú ý và quan tâm đúng mức.

Do đó, có không ít các bệnh nhân cao huyết áp không hề nhận ra triệu chứng bệnh mà mình mắc phải. Điều này dẫn đến việc bệnh chỉ được phát hiện ra khi cao huyết áp đã gây nên các biến chứng như biến chứng tim mạch, biến chứng thần kinh,... buộc người bệnh phải đến thăm khám tại cơ sở y tế.

3.2. Chẩn đoán cao huyết áp ở người già

Nhìn chung, tiêu chuẩn chẩn đoán cao huyết áp ở người già không có sự khác biệt so với ở người trẻ. Bệnh nhân được kết luận là cao huyết áp khi có trị số huyết áp trên 140/90mmHg. Khi chỉ có chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg, thì được gọi là cao huyết áp tâm thu đơn độc hoặc cao huyết áp tâm trương đơn độc. Tuy nhiên trên thực tế ở người cao tuổi chủ yếu xảy ra cao huyết áp tâm thu đơn độc hơn là cao huyết áp tâm trương đơn độc.

Các mức độ cao huyết áp:

Cao huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu từ 140-159mmHg và/hoặc huyết áp tâm trường từ 90-99mmHg.

Cao huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu từ 160-179mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 100-109mmHg.

Cao huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu lớn hơn 180mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 110mmHg.

Việc chẩn đoán cao huyết áp ở người già được thực hiện bằng cách đo huyết áp ngay tại phòng khám hoặc đo huyết áp tại nhà. Đặc biệt, cần phải lưu ý khi chẩn đoán cao huyết áp ở người già đối với các trường hợp cao huyết áp áo choàng trắng (chỉ cao huyết áp tại cơ sở y tế) và cao huyết áp ẩn giấu (kết quả đo huyết áp không cao trong khi bệnh nhân thực sự có cao huyết áp).

4. Điều trị cao huyết áp ở người già

4.1. Mục tiêu điều trị

Điều trị và kiểm soát cao huyết áp ở người già một cách tích cực đem lại nhiều lợi ích khác nhau cho sức khỏe bệnh nhân, chẳng hạn như giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não và giảm tỷ lệ tử vong tổng thể ở người bệnh. Vì vậy, cần phải có chiến lược điều trị cao huyết áp ở người già một cách thật hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả kiểm soát huyết áp.

Đích huyết áp sau điều trị ở người già có thể không cần quá khắt khe như đối với các bệnh nhân trẻ tuổi. Các khuyến cáo hiện nay cho rằng, ở các bệnh nhân cao tuổi thì huyết áp tâm thu nên giảm về nhỏ hơn 160mmHg và huyết áp tâm trương nên giảm về nhỏ hơn 90mmHg, hoặc huyết áp của người bệnh giảm đi 20mmHg so với mức huyết áp nền trước đo là đủ.

Hạ huyết áp xuống mức quá thấp có thể khiến người bệnh không thể dung nạp được huyết áp, gây nên các tình trạng như hạ huyết áp tư thế đứng,...

4.2. Điều trị cụ thể cao huyết áp ở người già

4.2.1. Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc hay các biện pháp thay đổi lối sống là biện pháp điều trị khởi đầu cho tất cả các bệnh nhân bị cao huyết áp. Nó có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với biện pháp điều trị bằng thuốc nếu cần thiết, tùy vào mức độ cao huyết áp của bệnh nhân. Tuy nhiên, thay đổi lối sống cần phải được áp dụng dài hạn, suốt đời, kể cả khi bệnh nhân đã ngưng sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp.

Một số thay đổi lối sống cho người bị cao huyết áp bao gồm:

- Người bệnh thực hiện chế độ ăn nhạt, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày xuống dưới 6g.

- Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây,..

- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo.

- Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc lá.

- Hạn chế sử dụng rượu hoặc thức uống có cồn. Nếu có sử dụng cần phải tuân thủ liều lượng mà bác sĩ điều trị khuyến cáo, cho phép.

- Tăng cường tập luyện thể dục ít nhất 30 phút/ngày để nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng.

Cao huyết áp ở người già và những điều cần biết - Ảnh 3.

Lối sống lành mạnh giúp kiểm soát tình trạng cao huyết áp ở người già

4.2.2. Điều trị cao huyết áp ở người già bằng thuốc

- Thuốc lợi tiểu

Lợi tiểu thiazide được xem là lựa chọn đầu tay cho các trường hợp bị cao huyết áp ở người già. Nhóm thuốc này giúp ức chế tái hấp thu natri ở ống thận, từ đó làm tăng áp suất thẩm thấu nước tiểu và giúp kéo nước ra ngoài cơ thể. Sử dụng thuốc lợi niệu thiazide ở người già bị cao huyết áp cho phép giảm đáng kể các nguy cơ đột quỵ, bệnh mạch vành hoặc suy tim,...

Còn với các loại thuốc lợi tiểu khác như lợi tiểu quai, lợi tiểu đối kháng aldosterol,... thường chỉ được lựa chọn trong những trường hợp cố định, cần thiết.

- Thuốc chẹn kênh calci

Thuốc chẹn kênh calci cũng là một trong các thuốc có thể sử dụng đầu tay trong điều trị cao huyết áp ở người già, nhất là ở những trường hợp bị chống chỉ định dùng thuốc lợi tiểu hoặc bị đau thắt ngực. Thuốc được dung nạp tốt ở các bệnh nhân cao tuổi khi sử dụng. Do ức chế kênh calci nên thuốc có tác dụng giảm sức co bóp cơ tim, giảm nhịp tim và giãn mạch,... Từ đó giúp người bệnh hạ huyết áp.

- Thuốc ức chế men chuyển

Thuốc ức chế men chuyển ngăn chặn angiotensin 1 chuyển thành angiotensin 2, do đó làm giảm tác dụng của hệ RAA đối với huyết áp và làm hạ huyết áp. Thuốc có tác dụng bảo vệ thận tốt ở những người bị đái tháo đường, giúp làm giảm đạm niệu và làm chậm biến chứng thận ở nhóm bệnh nhân này.

- Thuốc ức chế thụ thể

Thuốc ức chế thụ thể cũng là thuốc gây tác động vào hệ RAA, tuy nhiên đích tác dụng của thuốc lại là các thụ thể của angiotensin 2 trên màng tế bào, khiến chất này không thể gắn vào thụ thể và không thể đưa đến tác dụng co mạch. Các thuốc ức chế thụ thể có tác dụng hạ huyết áp tốt hơn và hạn chế nguy cơ tác dụng phụ hơn so với các thuốc ức chế men chuyển.

- Thuốc chẹn beta

Các thuốc chẹn beta hiện nay đã ít được sử dụng với mục đích hạ huyết áp ở các bệnh nhân thông thường bởi có nhiều tác dụng không mong muốn. Thuốc chỉ được sử dụng trong các trường hợp như bệnh nhân bị cao huyết áp có tiền sử bệnh mạch vành, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.

Qua đây có thể thấy rằng, cao huyết áp ở người già là bệnh lý tim mạch rất nguy hiểm, có thể gây nên nhiều biến chứng. Do vậy, cần phải tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện và có phương án điều trị sớm ngay khi tăng huyết áp mới xảy ra.

Nguồn tham khảo:

1, https://www.medscape.com/viewarticle/734880_1

2. https://academic.oup.com/biomedgerontology/article/56/4/M217/619961

3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4046467/

4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3364500/


Tác giả: QN