Cảnh giác với chảy máu chân răng vì có thể bạn đang mắc những căn bệnh nguy hiểm sau

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cảnh giác với chảy máu chân răng vì có thể bạn đang mắc những căn bệnh nguy hiểm sau
Chảy máu chân răng là triệu chứng thường thấy, nhưng nếu không kịp thời phát hiện, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc những bệnh cực nguy hiểm sau đây.

Hiện tượng chảy máu chân răng khiến nhiều người chủ quan do nó rất dễ xảy ra khi bạn cắn vào vật cứng hay khi đánh răng. Tuy nhiên chính vì dấu hiệu quen thuộc này mà nhiều người vô tình bỏ qua lời cảnh báo tình trạng nghiêm trọng hơn của cơ thể.

1. Nhận biết bệnh qua hiện tượng chảy máu chân răng

- Chảy máu chân răng do viêm lợi, viêm nha chu

Nếu bạn thường xuyên bị chảy máu chân răng thì nguyên do đầu tiên cần phải xem xét chính là viêm lợi. Khi lợi chắc khỏe chúng thường có màu hồng nhạt, nhưng khi bị viêm lợi chuyển sang màu đỏ đậm, mềm hơn và cũng nhạy cảm hơn rất nhiều, vùng miệng có mùi khó chịu, đôi khi xuất hiện dấu hiệu ngứa răng lợi.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến tụt lợi, lộ chân răng dẫn đến rụng răng.

Để tránh tình trạng chảy máu chân răng do viêm lợi, các bác sĩ khuyên bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách và lấy cao răng 3-6 tháng một lần để đảm bảo vùng miệng luôn sạch sẽ, thơm tho.

- Thiếu vitamin, canxi

Khi cơ thể thiếu các chất như vitamin C, vitamin K, canxi, magie,...sẽ khiến chảy máu chân răng. Vitamin C giúp đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc làm đông máu. Canxi và magie là các chất chống viêm giúp răng chắc khỏe hơn.

Vì vậy nếu bạn đang gặp tình trạng chảy máu chân răng thì hãy nhanh chóng bổ sung các loại hoa quả như cam, bưởi, chanh, chuối, củ cải,...cùng rau củ và dầu cá để bảo vệ hàm răng khỏi vi khuẩn, loại bỏ mảng bám.

Ảnh 1.

Cảnh giác với chảy máu chân răng vì có thể bạn đang mắc những căn bệnh nguy hiểm sau- Ảnh 1

- Bệnh tiểu đường

Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu đầu tiên của chứng rối loạn chuyển hoá lượng đường và insulin trong máu. Theo báo Express của Anh, tỷ lệ viêm nha chu ở bệnh nhân tiểu đường cũng thường cao gấp hai hoặc ba lần so với người có sức khoẻ tốt. Chỉ có 3% trong số những người bị tiểu đường không bị bệnh viêm nha chu.

- Ung thư máu

Một trong những biểu hiện của căn bệnh này là chảy máu chân răng. Các tế bào ung thư phát triển sẽ gây nên xuất huyết trong, làm cơ thể mệt mỏi. Đã có nhiều bệnh nhân ung thư xuất hiện những vết bầm tím trên da và chảy máu chân răng nhưng thường chủ quan, coi nhẹ triệu chứng này.

Ngoài nguy cơ mắc ung thư máu, các nhà khoa học Thuỵ Điển đã công bố rộng rãi thông tin cho biết chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu mắc ung thư vú ở phụ nữ.

- Bệnh về gan, thận

Gan, thận tham gia vào việc tổng hợp chất đông máu từ vitamin K nên khi cơ quan nội tạng này bị yếu đi thì các chất đó không thể tổng hợp được dẫn tới hiện tượng máu không đông và gây chảy máu chân răng.

- Bị stress quá mức

Nếu bạn thường xuyên rơi vào căng thẳng và lo lắng thì hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu, giảm khả năng phòng tránh viêm lợi. Stress còn gây viêm ở các mạch máu và làm vỡ các mô mềm trong khoang miệng, ức chế khả năng tự hồi phục của nó.

- Nội tiết tố thay đổi

Với nhiều người, chảy máu chân răng cũng là dấu hiệu nhận biết sớm của thai kỳ. Vì trong giai đoạn này, progesterone được sản sinh nhiều hơn sẽ làm tăng lưu lượng máu tới lợi gây chảy máu chân răng.

2. Cách xử lý khi bị chảy máu chân răng

- Bạn nên khám răng miệng định kỳ (6 tháng/lần) để được bác sĩ kiểm tra và vệ sinh răng miệng cũng như chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân khác.

- Bên cạnh đó, bạn có thể súc miệng thêm nước muối sinh lý hoặc các nước súc miệng trị viêm nướu, bổ sung thêm vitamin C để nướu được khỏe mạnh hơn.

- Về vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày, bạn nên chải răng ngay sau bữa ăn (trong khoảng 1 tiếng sau). Bạn nên lựa chọn loại bàn chải có phần lông thật mềm và chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương nướu cũng như gây mòn răng.

- Dùng bàn chải mềm để tránh làm tổn thương lợi và chải răng 2 lần/ngày.

- Ngừng hút thuốc lá

- Uống nước tráng miệng sau bữa ăn

- Đồng thời, bạn nên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng thay vì dùng tăm.


Tác giả: TH