Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận

Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận
Tiểu đường biến chứng suy thận là một biến chứng xảy ra khi mức đường huyết cao làm hỏng chức năng thận của bệnh nhân.

Tiểu đường biến chứng suy thận là một loại bệnh thận mãn tính do đái tháo đường gây ra. Theo thời gian, lượng glucose cao trong máu có thể gây hại cho các khu vực khác nhau của cơ thể, bao gồm cả hệ thống tim mạch và thận. Kết quả dẫn đến thận không còn hoạt động đủ tốt để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày.

1. Tiểu đường biến chứng suy thận là gì?

Chức năng chính của thận là loại bỏ các chất thải ra khỏi máu và đưa lượng máu đã được làm sạch trở lại cơ thể. Suy thận có nghĩa là thận không còn khả năng loại bỏ chất thải cũng như duy trì mức chất lỏng và muối mà cơ thể cần.

Một nguyên nhân gây ra suy thận là bệnh đái tháo đường - một căn bệnh đặc trưng bởi lượng đường (glucose) trong máu cao. Theo thời gian, lượng đường cao trong máu làm hỏng hàng triệu đơn vị lọc nhỏ trong mỗi quả thận, cuối cùng chúng sẽ dẫn đến suy thận.

Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận - Ảnh 2.

Theo thời gian, lượng đường cao trong máu làm hỏng hàng triệu đơn vị lọc nhỏ trong mỗi quả thận, cuối cùng chúng sẽ dẫn đến suy thận (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Tác dụng phụ của insullin trong điều trị bệnh tiểu đường

- Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể thuyên giảm không cần dùng thuốc

Khoảng 20 đến 30% những người mắc bệnh tiểu đường phát triển bệnh thận hay còn gọi là bệnh thận do biến chứng tiểu đường, tuy nhiên không phải tất cả những bệnh nhân này đều sẽ tiến triển thành suy thận. Trên thực tế, người mắc bệnh tiểu đường dễ bị bệnh thận cho dù họ có sử dụng insulin hay không mà phụ thuộc vào khoảng thời gian người đó mắc bệnh tiểu đường.

Khá đáng buồn là hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh thận do đái tháo đường và việc điều trị sẽ kéo dài suốt đời. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về thận khác như bệnh hẹp động mạch thận hoặc các bệnh lý động mạch thận.

2. Các triệu chứng của suy thận do tiểu đường

Trong giai đoạn đầu của bệnh suy thận do tiểu đường, bệnh nhân có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, lúc này có thể đã có những thay đổi về huyết áp và thay đổi trong sự cân bằng chất lỏng của cơ thể. Theo thời gian, các chất thải có thể tích tụ trong máu, dẫn đến các triệu chứng biểu hiện rõ hơn.

Các giai đoạn của suy thận do tiểu đường biến chứng có thể được chia thành 5 giai đoạn, tùy thuộc vào độ lọc cầu thận (GFR). Chỉ số này cũng đại diện cho phần trăm chức năng thận còn hoạt động hiệu quả. Trong đó:

- Giai đoạn 1 có tổn thương thận nhưng chức năng thận bình thường và GFR từ 90% trở lên.

- Giai đoạn 2, thận bị tổn thương với một số chức năng bị mất và GFR từ 60–89%.

- Giai đoạn 3, thận mất chức năng từ nhẹ đến nặng và GFR từ 30–59%.

- Giai đoạn 4, thận mất chức năng nghiêm trọng và GFR từ 15–29%.

- Giai đoạn 5, suy thận và GFR dưới 15%.

Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận - Ảnh 3.

Sưng mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân hoặc bàn tay do tiểu đường biến chứng suy thận (Ảnh: Internet)

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, ở giai đoạn 4 hoặc 5, người bệnh có thể cảm thấy không khỏe và gặp các triệu chứng sau:

- Sưng mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân hoặc bàn tay do giữ nước.

- N0ước tiểu sẫm màu hơn do tiểu ra máu.

- Khó thở, mệt mỏi do thiếu oxy trong máu.

- Buồn nôn hoặc nôn mửa.

- Cảm thấy có một vị kim loại trong miệng.

3. Tại sao tiểu đường lại dẫn đến suy thận?

Trên thực tế việc tiểu đường biến chứng suy thận là vô cùng rõ ràng. Tuy nhiên lý do tại sao lượng đường trong máu cao lại gây hại cho cầu thận thì vẫn chưa được chứng minh một cách chính xác. Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ được biết đến của bệnh thận và những người mắc bệnh tiểu đường thường rất dễ bị tăng huyết áp. Hệ thống renin-angiotensin - giúp điều chỉnh huyết áp - cũng được cho là có liên quan đến sự phát triển của bệnh thận do tiểu đường.

Các thống kê cho thấy rằng bệnh thận không phổ biến ở những người đã mắc bệnh tiểu đường dưới 10 năm. Ngoài ra, nếu một người không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh thận trong vòng 20 đến 25 năm sau khi bệnh tiểu đường bắt đầu thì khả năng mắc bệnh sau đó là rất thấp.

Mức đường huyết cao làm tăng nguy cơ huyết áp cao do các mạch máu bị tổn thương. Bị huyết áp cao, hoặc tăng huyết áp, có thể góp phần gây ra bệnh thận. Do đó tình trạng suy thận do tiểu đường sẽ ít xảy ra hơn nếu người mắc bệnh tiểu đường quản lý mức đường huyết của họ một cách hiệu quả.

Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận - Ảnh 4.

Trên thực tế việc tiểu đường biến chứng suy thận là vô cùng rõ ràng (Ảnh: internet)

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hút thuốc lá và tiền sử gia đình. Bệnh suy thận do đái tháo đường vẫn sẽ tiếp tục tiến triển dù cho có sự can thiệp của y tế. Tuy nhiên, việc điều trị có thể làm chậm đáng kể tốc độ tổn thương của thận.

4. Phương pháp chẩn đoán

Bệnh suy thận do biến chứng của tiểu đường được chẩn đoán bằng một số xét nghiệm bao gồm:

- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra mức protein. Lượng protein cao bất thường trong nước tiểu là một trong những dấu hiệu đầu tiên của suy thận do tiểu đường.

- Huyết áp cũng là một xét nghiệm cần kiểm tra thường xuyên để biết mức độ huyết áp tăng. Huyết áp tăng cao là do bệnh thận do tiểu đường gây ra và cũng góp phần vào sự tiến triển của suy thận.

- Xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ chức năng của thận.

- Sinh thiết. Một mô nhỏ được lấy ra khỏi thận, thông qua một cây kim mảnh và được kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này thường chỉ được thực hiện khi có nghi ngờ về việc tổn thương thận là do bệnh tiểu đường hay do nguyên nhân khác.

- Siêu âm thận cho phép chụp ảnh kích thước của thận và cho phép kiểm tra các động mạch đến thận để kiểm tra tình trạng thu hẹp có thể gây giảm chức năng thận.

Hình ảnh siêu âm thận ở bệnh nhân suy thận (Ảnh: Internet)

Hình ảnh siêu âm thận ở bệnh nhân suy thận (Ảnh: Internet)

5. Phương pháp điều trị

Trên thế giới hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh suy thận do tiểu đường. Tuy nhiên, việc điều trị có ý nghĩa rất quan trọng vì thận ngày càng xấu đi theo thời gian. Các lựa chọn điều trị sẽ bao gồm:

5.1. Sử dụng thuốc điều trị tiểu đường biến chứng suy thận

Thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) có thể giúp hạ huyết áp, bảo vệ chức năng thận và ngăn ngừa tổn thương thêm. Bác sĩ cũng có thể kê đơn vitamin D, vì những người bị bệnh thận thường có mức vitamin D thấp hoặc chỉ định sử dụng statin để giảm mức cholesterol.

Vào năm 2018, Đại học Tim mạch Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn khuyến nghị sử dụng chất ức chế natri-glucose cotransporter 2 (SGLT2) hoặc chất chủ vận thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1RAs) cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và suy thận do biến chứng tiểu đường. Những loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ tiến triển suy thận, các bệnh tim mạch hoặc cả hai.

5.2. Lọc thận

Đây là một thủ thuật thường sử dụng một máy để tách các chất thải ra khỏi máu và loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Máy lọc máu sẽ đóng vai trò thay thế cho một quả thận khỏe mạnh.

Lọc thận hay điều trị thận nhân tạo sẽ tách máu của bệnh nhân thông qua một máy đặc biệt (máy chạy thận nhân tạo) giúp loại bỏ chất thải trong khi giữ nước và muối hoặc loại bỏ chất thải qua chất lỏng đưa vào ổ bụng (thẩm phân phúc mạc). Việc này cần được thực hiện nhiều lần mỗi tuần trong suốt phần đời còn lại của người bệnh.

Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận - Ảnh 6.

Máy lọc máu sẽ đóng vai trò thay thế cho một quả thận khỏe mạnh (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: Những điều cần biết về insulin trong điều trị tiểu đường

Có nhiều loại lọc thận khác nhau như:

- Lọc máu: Máu ra khỏi cơ thể qua một cây kim ở cẳng tay và đi qua một ống dẫn đến máy lọc máu. Máu đi đến máy lọc máu ở bên ngoài cơ thể, sau đó trở lại qua một ống và kim tiêm khác. Bệnh nhân lọc thận cần thực hiện từ ba đến bảy lần một tuần và dành từ 2 đến 10 giờ cho mỗi lần lọc.

- Thẩm phân phúc mạc: Phương pháp này sử dụng niêm mạc của ổ bụng hoặc phúc mạc, để lọc máu bên trong cơ thể. Trong đó thẩm phân phúc mạc lưu động liên tục (CAPD), dịch thẩm tách đi vào ổ bụng qua một ống thông. Chất lỏng sẽ ở bên trong trong vài giờ, lọc các chất cặn bã trước khi thoát ra ngoài. Quá trình thoát nước mất từ 30–40 phút.

Đối với thẩm phân phúc mạc liên tục có hỗ trợ chu kỳ (CCPD) hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc tự động, một người dành 8–10 giờ qua đêm để kết nối với máy lọc máu trong khi họ ngủ. Máy kiểm soát sự thoát dịch của chất lỏng.

5.3. Ghép thận

Bác sĩ có thể đề nghị ghép thận nếu bệnh nhân mắc suy thận do tiểu đường đã ở giai đoạn cuối và nếu có một người hiến tặng phù hợp. Mỗi người có thể sống sót chỉ với một quả thận đang hoạt động, do đó có rất nhiều người đề nghị hiến tặng một quả thận cho người thân.

Tuy nhiên, đôi khi cơ thể người nhận thận cũng sẽ sinh phản ứng đào thải, cơ thể của họ từ chối tiếp nhận cơ quan mới. Vì vậy. việc cấy ghép từ một thành viên trong gia đình thường mang lại cơ hội tốt nhất cho cơ thể nhận thận.

Người được ghép thận sẽ cần phải dùng thuốc để giảm nguy cơ cơ thể sinh phản ứng đào thải với quả thận mới. Điều này có thể có một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng.

6. Các biến chứng nếu không được điều trị

Các biến chứng của bệnh suy thận do đái tháo đường có thể phát triển dần dần trong nhiều tháng hoặc nhiều năm và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng này có thể bao gồm:

- Giữ nước gây huyết áp cao hoặc phù phổi.

- Tăng nồng độ kali trong máu.

- Bệnh tim mạch, có thể dẫn đến đột quỵ.

- Tổn thương mạch máu của mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt (hay còn gọi là bệnh võng mạc tiểu đường).

Cảnh giác với bệnh tiểu đường biến chứng suy thận - Ảnh 7.

Tổn thương mạch máu của mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt (hay còn gọi là bệnh võng mạc tiểu đường. (Ảnh: Internet)

- Thiếu máu do giảm số lượng tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy.

- Loét chân, rối loạn cương dương, tiêu chảy và các vấn đề khác liên quan đến dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương.

- Rối loạn xương và khoáng chất của cơ thể do thận không có khả năng duy trì sự cân bằng thích hợp của canxi và phốt pho trong máu.

- Phụ nữ có thai khi mắc bệnh tiểu đường biến chứng suy thận có thể mang lại rủi ro cho người mẹ và thai nhi đang phát triển.

- Các tổn thương không thể phục hồi cho thận, cuối cùng cần phải lọc máu hoặc ghép thận để tồn tại.

7. Phòng ngừa tiểu đường biến chứng suy thận

Một người bị bệnh tiểu đường có thể giảm nguy cơ mắc bệnh suy thận do tiểu đường, hoặc ít nhất là trì hoãn sự phát triển của nó bằng một số cách bao gồm:

- Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng có nhiều chất xơ và ít đường, ít carbohydrate chế biến và hạn chế muối.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Hạn chế uống rượu, tránh thuốc lá.

- Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.

- Đảm bảo rằng huyết áp được kiểm soát tốt.

- Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS).

- Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu kịp thời bằng thuốc kháng sinh.

- Tránh các phương pháp điều trị y tế gây áp lực cho thận, chẳng hạn như chụp X-quang yêu cầu tiêm thuốc nhuộm cản quang.

- Đi khám định kỳ thường xuyên để đảm bảo sức khỏe của thận.

- Tuân thủ theo đúng kế hoạch điều trị mà bác sĩ đề xuất.

- Hạn chế căng thẳng nếu có thể.

- Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó, bao gồm cả bệnh thận.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/diabetic-kidney-disease

2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/319686

3. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/diabetes-and-kidney-failure

4. https://medlineplus.gov/diabetickidneyproblems.html


Tác giả: Anh Dũng