Cảnh báo những thói quen dẫn đến viêm phổi có thể bạn đang mắc phải

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cảnh báo những thói quen dẫn đến viêm phổi có thể bạn đang mắc phải
Phổi là cơ quan nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố có hại bên ngoài như khói bụi, ô nhiễm, nấm mốc… Vậy nên nếu không để ý, bạn sẽ rất dễ mắc phải những thói quen dẫn đến viêm phổi và các bệnh liên quan.

1. Thói quen ăn uống

Hải sản là thức ăn tanh, lạnh sẽ sinh ra nhiều đờm trong hệ hô hấp. Ăn quá nhiều hải sản đông lạnh sẽ kích thích cơ thể tiết ra một lượng đờm tăng dần lên. Khi đờm kết dính thành khối sẽ gây khó khăn trong việc bài tiết qua phổi, gây tổn thương phổi, khí quản và phế quản. 

Bên cạnh đó, các món ăn lạnh cũng sẽ khiến người bị bệnh phổi dễ bị tái phát hoặc nặng thêm.Ớt, gừng, mù tạt... nếu ăn nhiều có thể khiến phổi bị tổn thương. Ăn nhiều các thực phẩm này dễ sinh ho, tức ngực, triệu chứng thở khò khè sẽ tăng lên theo thời gian.

Ngoài ra, người làm việc văn phòng có tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cao, liên quan đến thói quen sử dụng nhiều trà, cà phê. Do tính chất công việc, thức khuya dẫn đến thói quen uống nhiều cà phê hơn người bình thường làm tăng gánh nặng cho tim và phổi. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, caffeine trong cà phê và theophylline trong trà gây giãn cơ trơn phế quản. 

2. Không đeo khẩu trang ra đường

Có nhiều nguyên nhân khiến môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm, như khói, bụi, khói thuốc lá, khí độc, chất hóa học… Tuy nhiên rất nhiều người chủ quan, thờ ơ không sử dụng khẩu trang khi ra đường, dẫn đến hít phải lượng không khí ô nhiễm và điều này đồng nghĩa phổi phải làm việc hết công suất. 

Lâu dần sẽ gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi. Không đeo khẩu trang là nguyên nhân dẫn đến viêm phổi chủ yếu tại các thành phố lớn.

Đối với cơ quan hô hấp, bao gồm  phổi, phế quản, không khí trong lành có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, để tránh các  tác nhân gây hại từ bên ngoài, một trong những cách mọi người thường sử dụng là đeo khẩu trang để loại bỏ bớt hạt bụi  xâm nhập vào phổi qua đường thở, tuy nhiên với hạt bụi kích thước nhỏ thì chỉ có khẩu trang chuyên dụng mới có hiệu quả (N95).

3. Rượu bia và hút thuốc

Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có hàng trăm chất có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ con người, đặc biệt với  phổi, phế quản là cơ quan phải chịu tác động trực tiếp nhiều nhất và đề lại những hậu quả nặng nề. Cụ thể, khi hít phải, chất độc có trong khói thuốc sẽ trực tiếp tác động tiêu cực vào thảm nhầy, nhung mao có trong phế quản khiến cho chức năng bảo vệ của cơ quan này giảm xuống, suy giảm chức năng bảo vệ của phổi. Từ đó, nó có thể gây ra bệnh lý  ở phổi như nhiễm trùng hô hấp  gồm có viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi (thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi)

Bên cạnh đó, rượu là chất kích thích có hại cho sức khỏe, Chất cồn có trong rượu sẽ phá vỡ các liên kết protein, trong khi đó liên kết protein này có vai trò lưu thông khí trong phổi. Theo các chuyên gia thì những người nghiện rượu có nguy cơ tăng gấp đôi khả năng mắc chứng viêm phổi so với những người không nghiện rượu. 

Cũng theo một khảo sát tại Mỹ cho biết, việc thường xuyên uống 1 cốc nước ngọt có ga mỗi ngày sẽ làm suy thoái các tế bào lão hóa, khiến cho bạn yếu đi khoảng 5 năm so với người bình thường. Theo đó, tác hại của các loại đồ uống này cũng nguy hiểm cho sức khỏe tương đương như khi bạn hút thuốc vậy.

4. Ngoáy mũi

Khá ngạc nhiên khi nhiều người nghĩ đây là một cách vệ sinh mũi của mình. Tuy nhiên khi ngoáy mũi quá nhiều sẽ làm lông mũi bị rụng nhanh và nhiều hơn. Trên thực tế, lông mũi chính là "hàng rào" bảo vệ an toàn, ngăn chặn bụi bặm, vi khuẩn xâm nhập vào mũi gây ra các bệnh về đường hô hấp. 

Mặt khác, với bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ, việc đưa tay vào mũi sẽ khiến vi khuẩn có điều kiện tiếp xúc sâu vào khoang mũi gây nên những bệnh nguy hiểm như viêm thanh quản, phế quản, viêm phổi, cảm cúm…

Trên tờ European Respiratory Journal, nhóm khoa học từ Đại học Y học Nhiệt đới Liverpool (Anh) cho biết vi khuẩn gây viêm phổi không chỉ lây lan qua các giọt trong không khí (thường do người bị bệnh hắt hơi hoặc ho ra) mà còn truyền qua mũi và tay. Trước đó, đội nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên các tình nguyện viên và phát hiện vi khuẩn gây viêm phổi có thể từ tay xâm nhập vào mũi người thông qua thói quen ngoáy mũi.

5. Phấn rôm

Nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen sử dụng phấn rôm  như một "công cụ" để chống hăm cho trẻ, nhưng các bác sĩ lại khuyên không nên dùng phấn rôm để tránh gây ảnh hưởng đến phổi. 

Thành phần chính của phấn rôm là bột talc, chất hóa học này là thủ phạm gây nên những rắc rối với đường hô hấp trẻ. Bạn nên nhớ, phổi của trẻ vẫn còn khá non yếu trong khi sức đề kháng lại chưa cao. Do đó, nếu tiếp xúc quá nhiều với bụi phấn rôm, trẻ sẽ nhanh chóng mắc phải các bệnh viêm khí quản, viêm phổi…


Tác giả: hoanglan.ngonguyen