Cảnh báo những dấu hiệu thừa vitamin A của cơ thể

Cảnh báo những dấu hiệu thừa vitamin A của cơ thể
Khi cơ thể có quá nhiều vitamin A, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Tùy vào mức độ và cách thức dung nạp, mà dấu hiệu thừa vitamin A sẽ khác nhau.

1. Nguyên nhân

- Hầu hết mọi người bị thừa vitamin A do bổ sung thuốc uống ở liều cao, uống vitamin A khi không được chỉ định và không cần thiết.

- Hiếm khi xuất hiện các dấu hiệu thừa vitamin A do thực phẩm. Các đối tượng bị thừa vitamin A do ăn uống thường là người có sở thích ăn uống đặc biệt, ăn định kỳ một vài nhóm thực phẩm giàu vitamin A trong thời gian dài. Đặc biệt dễ gặp các dấu hiệu thừa vitamin A ở những người thích ăn gan động vật.

- Thừa vitamin A cũng có thể được gây ra bởi việc sử dụng vitamin A lâu dài để điều trị bệnh. Ví dụ như sử dụng vitamin A liều cao để điều trị mụn trứng cá.

2. Các dấu hiệu thừa vitamin A

Các dấu hiệu thừa vitamin A sẽ khác nhau, dựa trên việc thừa vitamin A là cấp tính hay mãn tính. Thừa vitamin A cấp tính xảy ra sau khi tiêu thụ 1 lượng vitamin A rất lớn trong 1 khoảng thời gian ngắn, thường là trong vài giờ hoặc vài ngày.

Thừa vitamin mãn tính xảy ra khi một lượng lớn vitamin A tích tụ trong cơ thể bạn trong một thời gian dài.

2.1. Dấu hiệu thừa vitamin A cấp tính

- Buồn ngủ

- Cáu gắt

- Đau bụng

- Buồn nôn, nôn

- Tăng áp lực nội sọ.

2.2. Dấu hiệu thừa vitamin A mãn tính

- Tầm nhìn mờ hoặc thay đổi thị lực

- Xương bị sưng và đau

- Chán ăn

- Chóng mặt

- Buồn nôn và nôn

- Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời

- Da khô ráp, sần sùi, ngứa và bong tróc, vàng da

- Rụng tóc

- Móng tay bị gãy

- Khóe miệng bị nứt, loét miệng

- Hay bị các bệnh về đường hô hấp

- Cảm thấy bất ổn, hoang mang.

2.3. Dấu hiệu thừa vitamin A ở trẻ sơ sinh và trẻ em

Ngoài các dấu hiệu thừa vitamin A trên, ở trẻ em và trẻ sơ sinh có thể mắc thêm một số triệu chứng riêng biệt như:

- Mềm xương sọ

- Thóp bị phồng

- Nhãn cầu bị phồng

- Nhìn sự vật thành 2

- Không thể tăng cân

- Hôn mê.

3. Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ bắt đầu quy trình chẩn đoán bằng cách hỏi bạn về lịch sử y tế và các dấu hiệu thừa vitamin A của cơ thể mà bạn cảm nhận được. Họ cũng sẽ muốn biết về chế độ ăn uống, cũng như bất kỳ thuốc bổ nào bạn đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu làm 1 số xét nghiệm để kiểm tra chính xác bạn có thừa vitamin A hay không. 

Các xét nghiệm thường là:

-  X-quang xương

 - Xét nghiệm canxi máu

 - Xét nghiệm cholesterol 

 - Kiểm tra chức năng gan

 - Xét nghiệm máu.

Trong đó, xét nghiệm máu là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để xác định nguy cơ và mức độ thừa vitamin A. Thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ Retinol trong huyết thanh để đánh giá. 

4. Khắc phục tình trạng thừa vitamin A

- Cách hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng thừa vitamin A là ngừng bổ sung vitamin A liều cao. Hầu hết mọi người sẽ phục hồi hoàn toàn trong vòng một vài tuần.

- Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Phosphatidylcholine để  chuyển đổi retinol thành este Retinyl (dạng lưu trữ của vitamin A). Hoặc sử dụng vitamin E để làm giảm bớt lượng vitamin A dư thừa trong cơ thể

- Bất kỳ biến chứng nào xảy ra do thừa vitamin A, chẳng hạn như tổn thương thận hoặc gan , sẽ được điều trị độc lập. Nếu tổn thương gan đã tiến triển thành xơ hóa, khả năng tổng hợp bị tổn hại, các dấu hiệu thừa vitamin A không có tiến triển thì ghép gan có thể là một lựa chọn.

Thừa vitamin A gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe. Mọi người cần tránh tự ý bổ sung vitamin A bằng thuốc uống, nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm để tránh tình trạng thừa vitamin A. Đặc biệt, mọi người cần quan tâm đế sức khỏe bản thân, khi xuất hiện dấu hiệu thừa vitamin A cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/hypervitaminosis-a#treatment

Tác giả: Mai Nhung