Tháng 10 - 11 là thời điểm thường xuyên xảy ra mưa bão, dẫn đến tình trạng ngập úng ở nhiều nơi, gây nên tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt. Các chuyên gia y tế lo ngại, sau khi mưa lũ xảy ra, dịch đau mắt đỏ có thể bùng phát khi điều kiện vệ sinh sau mưa lũ chưa được đảm bảo. Hiện cũng đang là thời điểm giao mùa - thích hợp để bệnh đau mắt đỏ bùng phát.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà - bệnh viện Mắt Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng riêng thời điểm giao mùa là dễ gặp và lây lan mạnh hơn cả. Lý do là bởi điều kiện vệ sinh sau mùa lũ không được đảm bảo, người dân sử dụng phải nguồn nước ô nhiễm, dẫn đến viêm kết mạc cấp.
Cũng theo bác sĩ, bệnh sẽ xuất hiện đột ngột, thường bị đau một bên mắt rồi sau đó lây sang mắt còn lại. Nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm trùng, dị ứng, do mắt gặp phải hóa chất. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân là bởi mắt tiếp xúc với vi khuẩn và virus, đặc biệt là vi khuẩn Adenovirus, liên cầu, tụ cầu, phế cầu... Con đường lây bệnh chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với gỉ mắt của bệnh nhân thông qua bàn tay hoặc các vật dụng trung gian như khăn mặt, chậu rửa, cốc chén, đồ chơi, chăn gối... chưa được vệ sinh sạch sẽ; bệnh cũng có thể lây qua hơi thở, nước bọt người bệnh mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi...
Bác sĩ Ngọc Hà cho hay, bệnh nhân khi mắc bệnh đau mắt đỏ sẽ cảm thấy khó chịu, cộm trong mắt như có cát. Sau khi ngủ dậy sẽ thấy khó mở mắt do nhiều gỉ mắt dính chặt, hai mi mắt bị sưng mọng,... Một số trường hợp viêm kết mạc cấp do virus sẽ bị nổi hạch trước tai gây sưng và đau, có thể kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, khò khè. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc gây sưng húp mi mắt, loét trợt biểu mô giác mạc rất nguy hiểm, có thể kèm theo xuất huyết kết mạc và chảy nước mắt lẫn máu hồng.
Bình thường bệnh sẽ giảm dần và hết sau 5 - 7 ngày. Nếu bị biến chứng viêm giác mạc sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, nhìn mờ, chói mắt khi nhìn ra ánh sáng. Trường hợp này nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây loét giác mạc rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.
Bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ, người bệnh nên tới khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị đúng. Không nên tự ý mua thuốc điều trị, hoặc dùng thuốc của người này điều trị cho người khác.
Để chủ động phòng ngừa dịch đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện một số biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch; vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý; khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, người dân cần sử dụng kháng sinh tra mắt để chống nhiễm khuẩn như dung dịch Cloroxit 0,4%; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Trên địa bàn TP Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng nặng nề khi mưa lớn. Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với các TTYT các quận/huyện đẩy mạnh tuyên truyền ngay cho người dân các xã bị ngập lụt biện pháp vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải, giữ nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Đóng gói, phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng cloramin B, phèn chua để xử lý nước sinh hoạt hàng ngày; Hướng dẫn người dân vùng ngập lụt biết cách chủ động phòng tránh các dịch bệnh thường gặp khi mưa lũ như sốt xuất huyết; sốt rét; đau mắt đỏ; bệnh ngoài da; các bệnh đường tiêu hóa như tả, lị, tiêu chảy; rắn độc cắn; điện giật; đuối nước.