Cẩn trọng với một số căn bệnh về da thường gặp vào mùa hè

Cẩn trọng với một số căn bệnh về da thường gặp vào mùa hè
Nền nhiệt độ cao cộng với ánh nắng, khói bụi và ô nhiễm chính là nguyên nhân khiến các bệnh về da thường tăng mạnh khi mùa hè đến.

Da là cơ quan duy nhất trên cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống nên rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào mùa hè.

Như mọi người đã biết, mùa hè là thời điểm ánh nắng mặt trời gay gắt nhất trong năm, chỉ số tia cực tím tăng rất cao. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo chỉ số UV cao nhất ở Hà Nội những ngày nắng nóng có thể lên đến 10.

Còn theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động 0-2 là mức thấp, chỉ số UV từ 8 đến 10 là mức cao, mức này có thể gây bỏng da sau 25 phút tiếp xúc. Chỉ số UV từ 11 trở lên là mức rất cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Chỉ UV cao kết hợp với khói bụi, ô nhiễm môi trường làm cho da dễ bị tổn thương khiến bạn có thể mắc phải những căn bệnh thường gặp về da vào mùa hè sau đây:

Rôm sảy

Rôm sảy là tình trạng viêm da thường gặp ở trẻ vào mùa hè. Nguyên nhân gây bệnh do nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm, không thoáng khí hoặc trẻ mặc quần áo bí hơi, ít tắm rửa.

Biểu hiện của bệnh: trên da xuất hiện các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ trắng xen lẫn, thường xuất hiện ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán... nhiều khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân.

Biện pháp điều trị rôm sảy: Theo ý kiến của bác sĩ nhi khoa Đỗ Tiến Sơn: “Khi trẻ rôm sảy, phụ huynh cần cởi bỏ bớt quần áo trẻ để giữ da mát, khô thoáng. Đặc biệt chú ý đến các vùng da gấp nếp, ẩm ướt do nước tiểu, mồ hôi, phân. Tắm rửa bằng nước mát để loại bỏ dầu và mồ hôi trên da, sau đó để khô. Để thoáng vùng da rôm sảy, không cần mặc quần áo. Bật điều hòa, quạt để giữ mát cho con trẻ.”, theo Vnexpress.

Cẩn trọng với một số căn bệnh về da thường gặp vào mùa hè  - Ảnh 1.

Bệnh rôm sảy ở trẻ em vào mùa hè (Ảnh Internet)

Mụn trứng cá

Vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng quá cao, làn da có xu hướng bị kích ứng, tiết nhiều dầu khiến vi khuẩn P.acne dễ dàng xâm nhập vào lớp biểu bì, gây mụn trứng cá.

Mụn trứng cá tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn rất thẩm mỹ, sức khỏe tinh thần của người bệnh. Nếu mụn xuất hiện nhiều thì cũng được coi là một bệnh lý, cần được sớm điều trị.

Để phòng mụn trứng cá xuất hiện vào mùa hè, bạn cần phải vệ sinh da sạch sẽ, thường xuyên thoa kem chống nắng và áp dụng các biện pháp tránh nắng, che chắn da khi ra đường. Bên cạnh đó, cần uống đủ nước, sinh hoạt điều độ, tập thể dục và hạn chế thuốc lá, các chất kích thích.

Cẩn trọng với một số căn bệnh về da thường gặp vào mùa hè  - Ảnh 2.

Mùa hè da mặt rất dễ nổi mụn trứng cá (Ảnh: Internet)

Mụn nhọt (Nhọt)

Khác với mụn trứng cá, mụn nhọt nguy hiểm và cấp tính hơn nhiều. Mụn nhọt là những khối viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có khối trắng ở giữa (mủ).

Một số vùng đặc biệt khi bị nhọt rất nguy hiểm như vùng mặt quanh mũi miệng, thường gọi là đinh râu. Một số trường hợp nhọt tập trung thành cụm nhiều nhọt và thường hay ở sau lưng, khi các nhọt này vỡ để lại các lỗ rò mủ. Nếu không chữa trị hoặc chữa trị không đúng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý: Khi bị nhọt, người bệnh không được tự nặn, hút hoặc chườm nóng, chườm lạnh vì dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Trong trường hợp nhẹ, không có các biểu hiện như sốt, đau nhức… có thể đợi vài ngày cho nhọt “chín”, tự vỡ, sau đó dùng bông y tế vô khuẩn thấm dịch. Trường hợp nhọt không không tự vỡ và có những dấu hiệu nặng như sốt, đau, nhức lúc này tuyệt đối không được tự nặn mà nên đến bệnh viện, các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Cẩn trọng với một số căn bệnh về da thường gặp vào mùa hè  - Ảnh 3.

Nhọt mọc ở vùng quanh miệng (Ảnh Internet)

Viêm nang lông

Bệnh viêm nang lông có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhất là thanh thiếu niên và người trẻ, nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Biểu hiện của bệnh là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông.

Nếu bệnh nhẹ sẽ khỏi sau vài ngày với các biện pháp tự chăm sóc cơ bản. Đối với viêm nang lông nghiêm trọng hơn hoặc tái phát, người bệnh có thể cần gặp bác sĩ để dùng thuốc theo đơn.

Nấm da

Mùa hè, thời tiết nóng ẩm thích hợp cho các bệnh nấm da phát triển. Vì vậy, chúng ta cần hết sức lưu ý phòng bệnh.

Có 3 thể bệnh nấm da thường gặp nhất là nấm chân, bẹn và thân. Tổn thương do nấm thân có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm khác nhau. Khi trời nắng, tiết mồ hôi người bệnh sẽ bị ngứa nhiều.

Để phòng ngừa bệnh nấm da cần vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên. Bên cạnh đó cần chú ý tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Đây được coi là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh nấm da, đặc biệt là ở những nơi nóng ẩm.

Nổi mề đay

Nhiều người cứ đến mùa hè là bị nổi mề đay. Nguyên nhân do cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng với các các chất kích thích hoặc các yếu tố từ môi trường ngoài như thực phẩm, thuốc, cây cỏ, thời tiết nắng nóng.

Bệnh có những triệu chứng rất dễ phát hiện như: trên da xuất hiện những nốt sẩn phù và mẩn đỏ, ngứa ngáy, khó chịu. Tình trạng mề đay cấp tính có thể mất dần theo thời gian và khỏi hoàn toàn trong một vài ngày (kéo dài không quá 6 tuần). Tuy nhiên, nếu là bệnh mày đay mãn tính thì rất lâu khỏi. Lúc này người bệnh cần đến bệnh viện khám và điều trị.

Cẩn trọng với một số căn bệnh về da thường gặp vào mùa hè  - Ảnh 4.

Mề đay nổi trên lưng (Ảnh Internet)

Một số cách phòng tránh các bệnh thường gặp mùa hè.

Để phòng tránh những bệnh ngoài da trong những ngày nắng nóng, nhìn chung chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

Uống nhiều nước: có thể uống nước lọc, nước dừa, nước ép trái cây.

Bổ sung các loại vitamin, chất xơ: bằng cách ăn nhiều rau củ quả để cơ thể không bị nhiệt, nóng.

Luôn đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ: thường xuyên tắm rửa, thay quần áo để đảm bảo làn da khô thoáng.

Trang phục: lựa chọn quần áo chất liệu mềm nhẹ, có khả năng thấm hút mồ hôi.

Bảo vệ da khi làm việc ngoài trời bằng cách: đeo khẩu trang, đội mũ nón, mặc áo khoác để ngăn chặn bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập.

Khi bị ngứa: không nên gãi quá mạnh, làm tổn thương da, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tốt nhất, nên đến gặp bác sĩ để được chuẩn đoán chính xác và dùng thuốc theo đơn.

Các căn bệnh về da không quá nghiêm trọng, tuy nhiên, nếu để kéo dài, bệnh sẽ từ tình trạng nhẹ diễn tiến sang tình trạng nặng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, do đó cần phải chữa trị kịp thời. Việc nắm bắt được thông tin và cách phòng tránh các căn bệnh làn da dễ gặp phải vào mùa hè sẽ giúp bạn có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng xảy ra.

Tác giả: Trang Lê