Những dấu hiệu của chứng trầm cảm vào buổi sáng sớm hoàn toàn không giống như bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa. Đây là loại bệnh được các chuyên gia xem xét dưới góc độ một loại bệnh lý riêng biệt, nhưng cũng là một trong nhiều dấu hiệu của trầm cảm nói chung.
Năm 2013 một nghiên cứu đã chứng minh rằng những người mắc bệnh trầm cảm có nhịp sinh học bất thường. Sự gián đoạn của đồng hồ sinh học là một trong những nguyên nhân của chứng trầm cảm vào buổi sáng.
Thông thường, cơ thể mỗi người đều trải qua chu kỳ 24 giờ đồng hồ mỗi ngày, theo đó con người tỉnh táo vào buổi sáng và buồn ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên vì một lý do nào đó nhịp đồng hồ sinh học thay đổi sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan của cơ thể như: nhịp tim, thân nhiệt, năng lượng cho đến suy nghĩ, sự tỉnh táo và tâm trạng.
Sự thay đổi của đồng hồ sinh học sẽ ảnh hưởng đến khả năng mắc chứng trầm cảm buổi sáng (Ảnh: Internet)
Nhịp điệu sinh học giúp cơ thể sản sinh các loại hormone vào đúng lúc cần thiết. Ví dụ cơ thể sẽ sản sinh cortisol vào mỗi sáng sớm để báo hiệu một ngày mới. Khi mặt trời lặn, cơ thể sinh ra melatonin, một loại hormone giúp bạn ngủ ngon hơn.
Khi nhịp điệu sinh học bị gián đoạn, cơ thể bắt đầu tạo ra các loại hormone chẳng ăn nhập gì với thời gian trong ngày. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn. Ví dụ khi melatonin được sản xuất quá nhiều vào ban ngày bạn sẽ dễ cáu kỉnh và luôn thấy mệt mỏi.
Trầm cảm vào buổi sáng trên thực tế cũng là một phần của các dấu hiệu chứng trầm cảm nên không có tiêu chuẩn chẩn đoán riêng. Tuy nhiên, vẫn có phương pháp để xác định tình trạng của bạn thông qua các câu hỏi về giấc ngủ và sự thay đổi tâm trạng của bạn:
Tâm trạng của bạn có xu hướng tệ hơn vào buổi sáng hay buổi tối?
Mỗi sáng thức dậy bạn có gặp khó khăn trong việc tập trung và bắt tay vào làm việc gì đó hay không?
Tâm trạng của bạn trong các thời điểm khác nhau có thay đổi đáng kể hay không?
Bạn có bị chứng khó tập trung hơn bình thường không?
Bạn có cảm thấy vui vẻ khi làm những việc mình thích không?
Các thói quen sinh hoạt trong ngày của bạn có gì thay đổi không?
Điều gì (nếu có) có thể cải thiện tâm trạng của bạn?
Bạn có dễ mệt mỏi, tâm trạng hay thay đổi hoặc mất hứng thú làm việc? (Ảnh: Internet)
Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng thuốc, tâm lý với bác sĩ, bạn cũng nên tự tạo ra một số thay đổi giúp giảm triệu chứng trầm cảm buổi sáng như:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Ăn uống đủ và đúng giờ Không ngủ lâu hơn cần thiết.
- Phòng ngủ cần thoải mái, mát mẻ, tối một chút để khuyến khích bản thân đi vào giấc ngủ
- Tập thể dục thường xuyên nhưng tránh tập nặng trong vòng 4 giờ trước khi ngủ
- Tránh các chất kích thích khiến bạn khó ngủ như caffeine, nicotine…
Các chất kích thích chỉ làm bệnh trầm cảm của bạn nặng thêm (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, bạn nên tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất. Chứng trầm cảm vào buổi sáng sớm này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có phác đồ điều trị đúng cách.
Trầm cảm vào buổi sáng không có gì nguy hiểm nếu chúng ta phát hiện và điều trị nó từ sớm. Do đó, bạn cần có sự theo dõi và chú ý đến các dấu hiệu chứng trầm cảm vào buổi sáng để phát hiện kịp thời, tránh gây hậu quả cho thể chất và tâm trạng sau này.