Cẩn trọng với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già

Cẩn trọng với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già là căn bệnh với các triệu chứng chính như khó thở, ho có đờm dai dẳng. Bệnh phổ biến ở tuổi 45 trở lên và gặp nhiều ở người già.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già hay còn gọi là bệnh COPD là tình trạng tắc nghẽn đường thở nhiều ngày, phồi không hồi phục được chức năng hoàn toàn. Bệnh thường có ở lứa tuổi ngoài 40 và xuất hiện nhiều ở nam.

Những người hút thuốc nhiều năn hoặc làm những nghề nghiệp phải ở trong môi trường độc hại nhiều hóa chất, khói bụi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Tình trạng bệnh thường nặng dần theo thời gian nhưng nếu kiểm soát bệnh tốt sẽ giúp người bệnh có sức khỏe tốt hơn.

2. Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già

Nguyên nhân hàng đầu và phổ biến nhất chính là hút thuốc và hít khói thuốc lá nhiều. Người già cũng rất dễ mắc bệnh nếu sống trong môi trường không khí ô nhiễm với nhiều khói bụi xe cộ, khói than nhà máy, đốt lò gạch,..Nguyên nhân di truyền chiếm con số rất nhỏ, chỉ 1% trong các nguyên nhân. Người già thường có sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu nên càng dễ mắc bệnh hơn.

3. Sự nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già

Số lượng người mắc bệnh gia tăng nhanh chóng và bệnh cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu về bệnh tật ở các quốc gia. Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ 6,7% dân số. Vào thập niên 90, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là yếu tố gây tử vong nhiều thứ 6 thì ước tính đến năm 2020 sẽ lên thứ 3. Bệnh đặc biệt tiến triển xấu tỷ lệ thuận với độ cao của tuổi tác.

4. Phân biệt bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Hai căn bệnh này thường phổ biến ở người già và rất khó phân biệt vì có các triệu chứng bệnh tương tự nhau. Các triệu chứng đó là ho, khó thở, tức ngực nhưng chúng còn có một số triệu chứng khác để phân biệt là:

- Hen có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những người bị dị ứng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ngoài việc cơn hen tái phát, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường và dễ dàng điều trị với thuốc giãn phế quản.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già là căn bệnh gặp nhiều ở người ngoài 40 tuổi và bệnh gây khó thở nghiêm trọng theo mức độ tăng dần.

5. Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già

Để chẩn đoán bệnh phổi, người bệnh cần được đo chức năng hô hấp. Đây là xét nghiệm đơn giản nên bạn hoàn toàn có thể thực hiện được. Bệnh được chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn 1(nhẹ), giai đoạn 2 (trung bình), giai đoạn 3 (nặng), giai đoạn 4(rất nặng). Bệnh được điều trị theo từng giai đoạn, có thể dùng thuốc giãn phế quản như salbutamol, terbutaline, fenoterol,...hoặc kết hợp cùng các loại kháng cholinergic như ipratroium, oxitropium. Từ giai đoạn 2, bệnh nhân được cho dùng thêm thuốc giãn phế quản tác dụng dài như: salmerterol, formoterol… Từ giai đoạn 3, bệnh nhân được cho dùng thêm các thuốc corticoid dạng hít như khi có các đợt khó thở cấp tái phát. Đến giai đoạn 4, bệnh nhân được cân nhắc cho dùng thêm oxy lâu dài. 

Người mắc bệnh thường hay có các đợt cấp của bệnh. Khi khởi phát đợt cấp, người bệnh cần được sử dụng thuốc xịt, bơm giãn phế quản và đến bệnh viện 

6. Phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già

Kể cả khi đang ở giai đoạn bệnh mạnh hay yếu, bệnh nhân vẫn được khuyên nên tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như khói than, mùi hóa chất, khói bếp.

Bệnh nhân nên tiêm phòng bệnh cúm và viêm phổi vì nó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tới 50%. Những người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) được khuyến cáo nên tiêm phòng phế cầu để tránh bệnh viêm phổi cộng đồng, một yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già.

Chế độ ăn cũng cần được lưu ý, một cơ thể khỏe mạnh là cơ thể có đủ các dưỡng chất cần thiết.

Về chế độ tập luyện, người cao tuổi nên tập các môn thể thao phù hợp với sức khỏe như đi bộ, đi xe đạp, dưỡng sinh. Những môn thể thao này nhẹ nhàng, không quá mất sức và đặc biệt tốt cho cơ thể.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già cần được quan tâm và phòng ngừa tuyệt đối. Bệnh sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu người mắc bệnh đã cao tuổi và nguy cơ tử vong cao.


Tác giả: Quỳnh Anh