Cận thị là gì? Những điều cần biết về tật cận thị (Myopia/Nearsightedness)

Cận thị là gì? Những điều cần biết về tật cận thị (Myopia/Nearsightedness)
Cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực trên thế giới hiện nay. Rối loạn thị giác này có thể nặng hơn theo thời gian. Việc hiểu rõ cận thị là gì sẽ giúp cho người bệnh tìm được các phương pháp điều trị và phòng tránh thích hợp.

Hiện nay khoảng 1.5 triệu học sinh ở Việt Nam mắc tật cận thị và đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, trong đó có nguyên nhân không được mang kính. 

1. Cận thị là gì?

Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, hầu hết bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên bệnh về mắt để điều trị cận thị. Người bị cận thường chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng khó khăn khi nhìn vật ở xa. 

Do hình ảnh quan sát được hội tụ trước võng mạc, vì vậy khi người cận thị nhìn vật ở xa thường phải nheo mắt. Tình trạng này có thể diễn tiến dần dần hoặc nhanh chóng, thường trở nên nặng hơn ở thời thơ ấu và niên thiếu.

Cơ chế của cận thị

Mắt đóng vai trò là một thấu kính hội tụ và "hứng" ảnh lên trên võng mạc, thông qua các tế bào thụ cảm và thần kinh thị sẽ giúp não bộ nhận biết được hình ảnh. Ảnh của vật thông qua thấu kính của mắt sẽ nằm phía trước võng mạc thay vì trong võng mạc đối với người bị cận thị, do đó ảnh sẽ không nhìn rõ được.

Trong quang vật lý học, điểm cực viễn là điểm xa nhất là mắt có thể nhìn rõ khi không điều tiết, điểm cực cận là điểm gần nhất mắt có thể ghi nhận ảnh rõ nhất sau khi điều tiết tối đa. Đối với mắt bình thường, điểm cực viễn sẽ là ở vô cực, điểm cực cận sẽ vào khoảng 5 cm. Mắt cận thị thì cả điểm cực cận và cực viễn đều bị dời gần lại, người ta xác định được độ cận diop bằng phép tính 1/OCv (OCv là khoảng cách từ mắt đến điểm cực viễn).

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 2.

Cận thị là khi xảy ra tật ở mắt chỉ nhìn gần, nhìn xa không rõ - Ảnh minh họa

2. Phân loại cận thị

2.1. Cận thị đơn thuần (Simple Myopia)

Đây là loại cận thị phổ biến nhất, bệnh thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi đi học từ 10 đến 18 tuổi. Người bị cận đơn thuần có độ cận dưới 6 diop và thường đi kèm với loạn thị. Bệnh phát triển trong một thời gian và ngưng lại ở một mức độ nhất định.

Nguyên nhân cận thị đơn thuần do mắt thường xuyên phải làm việc trong khoảng cách gần khiến thủy tinh thể phải phồng lên, không xẹp xuống lại được. Bệnh thường là do chế độ làm việc và di truyền.

2.2. Cận thị thứ phát (Induced Myopia hoặc Acquired Myopia)

Nguyên nhân của cận thị thứ phát là do:

- Sơ hóa thủy tinh thể (nuclear sclerosis).

- Tác dụng phụ do tiếp xúc với một số loại thuốc kê đơn.

-  Đường huyết tăng cao (phần lớn do tiểu đường) và một số nguyên nhân khác.

2.3 Cận thị ban đêm (Noctural Myopia hoặc Night Myopia)

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 3.

Cận thị ban đêm xảy ra khi tầm nhìn bị giảm vào ban đêm hoặc ánh sáng yếu - Ảnh minh họa

Cận thị ban đêm là tình trạng tầm nhìn bị giảm vào ban đêm hoặc khi ánh sáng yếu, nhưng ban ngày tấm nhìn của mắt vẫn bình thường. Khi bị bệnh, đồng tử sẽ điều tiết giãn ra để thu được nhiều ánh sáng hơn dẫn đến việc hình ảnh sẽ bị biến dạng khi tới mắt.

2.4 Cận thị giả (Pseudo Myopia)

Tình trạng này xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết, khiến các cơ thể mi – phụ trách chỉnh khả năng điều tiết mắt- bị co cứng, khiến tầm nhìn xa bị suy giảm tạm thời.

Biểu hiện của cận thị giả cũng như cận thị bình thường, tuy nhiên mắt sẽ hồi phục tầm nhìn sau một thời gian nghỉ ngơi.

2.5 Cận thị thoái hóa (Degenerative Myopia hoặc Pathological Myopia)

Đây là bệnh cận thị nặng nhất, người bị bệnh thoái hóa thường có độ cận trên 6 Diop, kèm theo thoái hóa bán phần sau nhãn cầu. Khi bị cận thị thoái hóa, trục nhãn cầu liên tục dài ra, khiến độ cận liên tục tăng làm cho tình trạng cận ngày một nặng hơn.

Nguy hiểm hơn nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ gây các bệnh như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc,…gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mắt. 

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của tật cận thị là do mất cân bằng giữa chiều dài trục nhãn cầu và công suất khúc xạ của mắt. Thường thấy nhất là do trục nhãn cầu dài, làm khoảng cách đến võng mạc dài ra, ảnh không rơi được vào võng mạc. Ngoài ra thay đổi cấu trúc, độ cong của nhãn cầu như trong bệnh giác mạc hình chóp, thể thủy tinh cong trong thể thủy tinh chóp trước và chóp sau cũng có thể là nguyên nhân gây cận thị.

Bên cạnh đó, một số thói quen xấu hàng ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến cận thị như:

- Đọc sách, xem ti vi, sử dụng vi tính và các thiết bị điện tử quá nhiều, sử dụng những nơi thiếu ánh sáng, làm mắt phải luôn điều tiết.

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 4.

Đọc sách ở môi trường tối - Ảnh minh họa

- Tư thế học tập, ngồi đọc ngồi viết không đúng, bàn ghế không đúng chuẩn học đường.

Những ai thường mắc bệnh cận thị?

Mặc dù cận thị thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 8 và 12, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh cận thị là gì?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị cận thị, chẳng hạn như:

- Tiền sử gia đình. Tình trạng này có xu hướng di truyền trong gia đình. Bạn sẽ có nguy cơ cao nếu bố hoặc mẹ của mình bị cận thị hoặc cả hai đều cận thị; 

- Đọc sách, làm việc nhiều trong điều kiện môi trường không đủ ánh sáng.

4. Biến chứng

Tật cận thị thường không gây biến chứng nặng, trừ trường hợp điều tiết quá kém có thể gây lé ngoài, không điều chỉnh tốt thì có nguy cơ bị nhược thị.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa tật cận thị và bệnh cận thị. Tật thì độ cận thường không quá 6 Diop, còn bệnh thì có thể đến 20D, thậm chí 60D. Bệnh cận thị luôn kèm theo các biến chứng nặng nề như teo gai thị, thoái hóa võng mạc,...

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 5.

Thoái hóa võng mạc - Ảnh minh họa

5. Triệu chứng cận thị

Nếu bị cận thị bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi nhìn các vật ở xa. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của cận thị bao gồm:

- Nhìn mờ khi nhìn vào vật thể ở xa.

- Thường xuyên nheo mắt.

- Nhức đầu do mỏi mắt.

- Khó nhìn thấy vào ban đêm.

6. Các phương pháp điều trị cận thị

6.1. Đeo kính gọng

Kính gọng là giải pháp thông dụng và ít tốn kém nhất để điều chỉnh tật cận thị. Người bị cận thường sử dụng thấu kính phân kỳ. Tuy có ưu điểm là tốn ít chi phí nhưng kính gọng sẽ đem lại những bất tiện cho người sử dụng như ít tham gia được các hoạt động thể thao, tầm nhìn bị mờ khi trời mưa.

Ngoài ra đeo kính gọng chỉ là giải pháp tạm thời, không điều trị triệt để tật cận thị. Kính gọng chỉ có thể sử dụng được trong một thời gian nhất định, sẽ phải thay kính mới khi độ cận tăng.

6.2. Đeo kính áp tròng

Kính áp tròng mềm cũng là giải pháp được nhiều người lựa chọn để điều chỉnh tật cận thị. Ưu điểm của kính áp tròng là tính thẩm mỹ cao. Nhược điểm khi đeo kính áp tròng: có thể bị dị ứng với kính áp tròng nếu mắt mẫn cảm, mắt dễ bị khô.

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 6.

Đeo kính áp tròng để nhìn rõ - Ảnh minh họa

Ngoài ra nếu kính áp tròng không được vệ sinh đúng cách có thể gây viêm nhiễm mắt. Hơn thế nữa, bệnh nhân phải thay kính khi hết hạn sử dụng và chi phí mỗi lần thay kính là không nhỏ.

6.3. Chỉnh hình giác mạc tạm thời bằng Ortho K

Phương pháp này được sử dụng để điều trị cận thị cho những người chưa đủ tuổi phẫu thuật (dưới 18 tuổi) hoặc không muốn phẫu thuật. Ortho K là kính áp tròng ban đêm, sẽ khử độ cận tạm thời bởi khả năng chỉnh hình giác mạc.

Tuy nhiên khi ngừng sử dụng, giác mạc sẽ dần quay về trạng thái cong ban đầu, vì thế không điều chỉnh triệt để được tật khúc xạ. Nhược điểm của phương pháp này là ít hiệu quả với độ cận nặng và chỉ có tác dụng tạm thời. Giá kính Ortho K đắt đỏ và bệnh nhân vẫn có khả năng bị viêm nhiễm.

6.4. Phẫu thuật khúc xạ

Đây là phương pháp được nhiều người sử dụng nhất để trị cận thị. Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả đem lại tốt, độ an toàn cao, và thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn. 

6.5. Phẫu thuật Phakic

Phương pháp này còn có tên gọi khác là đặt kính nội nhãn. Phẫu thuật Phakic thường áp dụng cho những bệnh nhân có độ cận cao nhưng không đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ. Nhược điểm của phương pháp này là có nguy cơ tăng nhãn áp, có khả năng viêm nhiễm, thời gian phục hồi lâu hơn phương pháp phẫu thuật khúc xạ.

6.6 Phẫu thuật thay thủy tinh thể

Đây là phương pháp cuối cùng trong điều trị tật khúc xạ, phương pháp này chỉ được chỉ định khi bệnh nhân có độ cận quá cao và không thể phẫu thuật bằng các phương pháp khác.

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 7.

Phẫu thuật mắt - Ảnh minh họa

7. Bị cận thị nên ăn gì?

Chế độ ăn uống khi bị cận thị là gì rất được quan tâm. Hãy ghi nhớ rằng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất giúp nuôi dưỡng một đôi mắt sáng và mạnh khỏe. 

Các vi chất như vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hoá võng mạc và hoàng điểm của mắt. Một số trường hợp cận thị tiến triển nhanh có thể bổ sung dưỡng chất bằng các loại thuốc bổ mắt thông dụng.

8. Phòng tránh tật cận thị như thế nào?

Một trong những cách tốt nhất để phòng tránh cận thị là giảm sự tiến triển của cận thị đi kèm với các phương pháp chăm sóc mắt cận thị. Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc một số biện pháp dưới đây cũng sẽ giúp bạn phòng tránh cận thị:

- Cho mắt nghỉ ngơi hợp lý. Với nhân viên văn phòng hay học sinh cần biết cách chăm sóc, cho mắt nghỉ ngơi. Hãy áp dụng quy tắc 20-20-20 vào cuộc sống hàng ngày. Cứ 20 phút làm việc lại nhìn vào một vật cách xa 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây. 

- Học sinh cần vui chơi, nghỉ ngơi giữa giờ, không đọc sách hay sử dụng điện thoại vào giờ ra chơi.

- Chú ý đến ánh sáng. Phòng học, phòng làm việc cần đầy đủ ánh sáng, ánh sáng tự nhiên càng tốt. Ánh sáng cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như không quá sáng, không bị khuất bóng, không chiếu trực tiếp vào mắt…

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 8.

Chú ý ánh sáng phòng học để đảm bảo mắt tốt - Ảnh minh họa

- Khoảng cách đọc, viết và làm việc hợp lý sẽ giảm nguy cơ mắc tật cận thị. Việc đọc hay làm việc quá gần sẽ khiến mắt liên tục phải điều tiết, tăng nguy cơ phát triển cận thị. Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh là 35-40cm. Với dân văn phòng, khoảng cách từ mắt tới màn hình khoảng 40-50cm, mắt cần cao hơn trung tâm màn hình. 

- Thường xuyên vui chơi ngoài trời giúp mắt thư giãn, hạn chế được nguy cơ mắc tật khúc xạ. 

- Thường xuyên khám mắt để phát hiện sớm tật khúc xạ. Với người bị cận thị nên khám mắt 6 tháng một lần để kiểm tra độ cận, điều chỉnh kính hợp lý. Với ai không bị cận thị thì nên khám mắt định kỳ 1 năm 1 lần để phát hiện sớm các bệnh về mắt. 

- Thường xuyên bổ sung các dưỡng chất tốt cho mắt giúp đôi mắt sáng khỏe. Các thực phẩm tốt cho mắt như vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá, trứng giúp tăng khả năng điều tiết, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về mắt.  

9. Những câu hỏi thường gặp

Nhiều người cho rằng, khi mới phát hiện trẻ bị cận không nên cho đeo kính vì như vậy độ cận của trẻ sẽ bị tăng nhanh. Điều này có đúng không?

Để trả lời câu hỏi trên, các nhà khoa học đã làm nghiên cứu hai nhóm đối chứng, nhóm có đeo và không đeo. Hàng năm có đánh giá lại tình trạng khúc xạ thì thấy việc đeo hay không đeo kính không ảnh hưởng đến độ gia tăng cận thị. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là không đeo kính nhất định sẽ gặp khó khăn trong học tập và sinh hoạt, nhìn gần cường độ cao trong thời gian dài sẽ làm tăng số cận.

Đối tượng nào nên phẫu thuật Phakic?

Những đối tượng nên thực hiện phẫu thuật Phakic bao gồm:

- Độ tuổi trên 18.

Cận thị là gì? Tìm hiểu chung về tật cận thị - Ảnh 9.

Muốn phẫu thuật mắt nên lưu ý trên 18 tuổi hãy thực hiện phẫu thuật mắt cận thị - Ảnh minh họa

- Có độ khúc xạ ổn định.

- Không muốn thực hiện các phương pháp sử dụng tia laser.

- Không đủ điều kiện phẫu thuật bằng các phương pháp sử dụng tia laser do độ dày giác mạc     không đảm bảo.

- Sau khi sinh em bé tối thiểu 6 tháng.

Sau phẫu thuật Lasik có đạt được thị lực 10/10 không?

Đa số trường hợp sau phẫu thuật sẽ đạt thị lực bằng thị lực tốt nhất khi đeo kính trước mổ. Tuy nhiên, kết quả thị lực sau mổ còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Do đó, phẫu thuật chỉ đảm bảo bệnh nhân sau mổ không phụ thuộc vào kính. Một số ít trường hợp để đạt được thị lực tốt nhất vẫn cần dùng thêm một kính số thấp.

Hiện nay, các phương pháp thăm khám bệnh cận thị là gì?

Phát hiện cận thị không khó, trừ một số trường hợp giả cận thị hoặc cận thị gắn liền với các hội chứng bẩm sinh hoặc rối loạn chuyển hóa. Thông thường chỉ bằng việc thử thị lực, đo khúc xạ, thử kính thấy thị lực đạt tối đa là có thể kết luận trẻ có bị cận thị hay không. 

Các trường hợp khác như cận thị kèm với loạn thị, cận thị giả, cận thị là một biểu hiện của hội chứng nào đó... sẽ phức tạp hơn, cần có bác sĩ chuyên khoa khám xét cẩn thận.


Tác giả: Anh Dũng