Cẩn thận với hiện tượng đau lưng đột ngột - lời cảnh báo sớm của nhiều bệnh nguy hiểm

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cẩn thận với hiện tượng đau lưng đột ngột - lời cảnh báo sớm của nhiều bệnh nguy hiểm
Đau lưng là một triệu chứng do rất nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng nếu bạn có những cơn đau lưng đột ngột thì rất có thể cơ thể bạn đang mắc một căn bệnh nguy hiểm. Bị đau lưng đột ngột có thể là triệu chứng của bệnh lao, bong gân, giãn dây chằng… hoặc nguy hiểm hơn, có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

1. Những cơn đau lưng đột ngột biểu hiện điều gì?

1.1. Bệnh lao

Nếu xuất hiện cơn đau lưng phía trên kèm theo tức ngực, có ho kéo dài với sốt nhẹ, người bệnh sút cân kéo dài đó là dấu hiệu thường gặp trong bệnh lao. Đau lưng ở vùng giữa, hay gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt thấy xương sống có chỗ gồ lên, có thể là lao cột sống.

1.2. Bong gân, giãn dây chằng

Đau lưng ở đoạn dưới và đau nhiều sau khi mang vác nặng có thể do bong gân, giãn dây chằng. Đau lưng đột ngột xuất hiện ở đoạn cuối, khi nâng vật nặng hoặc khi vặn mình là nguyên do thoát vị đĩa đệm.  

1.3.  Đau dây thần kinh, gai cột sống

Đặc biệt đau vùng thắt lưng kèm theo một bên đùi hoặc bàn chân thấy đau, tê và yếu có thể do dây thần kinh bị kẹt hoặc gai đôi. Ở những người đứng ngồi sai tư thế để cho hai vai thõng xuống cũng là một nguyên nhân gây ra đau lưng.

1.4. Thoái hóa cột sống

Người có tuổi bị đau lưng lâu năm, kèm thêm làm việc chóng mệt, hay tối sầm mặt mày đó là dấu hiệu của bệnh thoái hóa cột sống, gây hội chứng thiếu máu não. Phụ nữ trong kỳ có kinh hoặc có thai thường đau ở vùng thắt lưng là chuyện bình thường.  

Ngoài ra các bệnh nhiễm trùng đường ruột, ở thận, niệu quản, bàng quang người bệnh cũng cảm thấy đau lưng cấp hoặc mãn. 

2. Đau lưng đột ngột: Cảnh giác với bệnh tim 

Đột ngột đau ngực hoặc đau lưng dữ dội, cảm giác đau như xé, lan lên cổ hoặc lan ra sau lưng, có thể bạn đã bị bóc tách động mạch chủ - một dạng bệnh tim rất nguy hiểm.

2.1. Người bệnh có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời 

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất cơ thể, xuất phát từ tim và dẫn máu đi nuôi các cơ quan. Nó cấu tạo bởi ba lớp: lớp ngoài (ngoại mạc), lớp giữa (trung mạc) và lớp trong (nội mạc). Bóc tách động mạch chủ xảy ra khi lớp trong của động mạch chủ bị rách, máu đi qua chỗ rách này dưới áp lực cao sẽ tách rời lớp trong và lớp giữa, tạo thành một lòng giả cùng chứa máu song song với lòng thật ban đầu. 

Đây là bệnh lý rất nặng: 33% bệnh nhân sẽ tử vong nếu không điều trị kịp thời trong 24 giờ đầu tiên. Tỷ lệ này tăng lên 50% trong 48 giờ đầu và 75% trong hai tuần đầu tiên. Tử vong trong bóc tách động mạch chủ là do bóc tách lan đến các động mạch nuôi tim (động mạch vành), động mạch nuôi não và các tạng quan trọng của cơ thể, do vỡ lòng giả...

2.2. Ai dễ bị bóc tách động mạch chủ?

Những người có nguy cơ cao bị bóc tách động mạch chủ: nam có tỷ lệ gấp đôi nữ; Bệnh nhân lớn tuổi, tỷ lệ bóc tách động mạch chủ cao nhất ở người 60-70 tuổi; Người tăng huyết áp, rối loạn lipid máu kéo dài không điều trị hoặc điều trị kém; Người hút thuốc lá; Bệnh nhân bị các bệnh ảnh hưởng đến thành động mạch chủ: van động mạch chủ hai mảnh, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers - Danlos.

2.3. Dấu hiệu cần cảnh giác 

Triệu chứng của bóc tách động mạch chủ gần giống với các triệu chứng của bệnh mạch vành. Các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý bao gồm: đột ngột đau ngực hoặc đột ngột đau lưng dữ dội, cảm giác đau như xé, lan lên cổ hoặc lan ra sau lưng; Khó thở; Vã mồ hôi; Ngất; Dấu hiệu giống tai biến mạch máu não: đột ngột khó nói, nhìn mờ, yếu liệt một bên cơ thể. Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh nên lập tức gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị thích hợp cũng như chuyển đến những bệnh viện lớn kịp thời.

2.4. Điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Bóc tách động mạch chủ là tình trạng cấp cứu, đòi hỏi phải điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị phẫu thuật hay điều trị nội khoa (uống thuốc) tuỳ thuộc vào phần động mạch chủ bị ảnh hưởng. Vì bóc tách diễn ra khi áp lực trong lòng động mạch chủ tăng cao nên cách tốt nhất để phòng bệnh là kiểm soát huyết áp trong ngưỡng điều trị:

- Tăng huyết áp (uống thuốc điều trị tăng huyết áp hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch, đo huyết áp thường xuyên để đánh giá hiệu quả của thuốc; Ngưng hút thuốc lá; Giữ cân nặng lý tưởng, tập thể dục đều đặn; 

- Nếu trong gia đình có người bị bóc tách động mạch chủ, nên đi khám để tầm soát các yếu tố nguy cơ nhằm phòng ngừa bệnh.

Do tính chất phức tạp và nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn bị đau lưng đột ngột. Vì vậy khi bị đau lưng người bệnh cần đến các cơ sở y tế để có những chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh sử dụng các bài thuốc nam, chữa mẹo có thể làm cho bệnh nặng thêm.m


Tác giả: Tuệ Nghi