Cẩn thận với biến chứng vô sinh khi mắc bệnh quai bị!

Cẩn thận với biến chứng vô sinh khi mắc bệnh quai bị!
Biến chứng vô sinh khi mắc bệnh quai bị là biến chứng thường gặp nhất, kể cả đối với nam hay nữ giới. Tình trạng vô sinh này chủ yếu do viêm tinh hoàn hoặc viêm buồng trứng sau khi mắc bệnh gây ra.

Quai bị là một bệnh lý khá phổ biến và xảy ra quanh năm ở nước ta. Bệnh lành tính và có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó biến chứng vô sinh khi mắc bệnh quai bị là thường gặp nhất, có thể xảy ra cả ở nam và nữ giới.

1. Quai bị là bệnh lý phổ biến nhưng đi kèm biến chứng nặng nề

Nguyên nhân gây bệnh quai bị là do virus Paramyxovirus nên nó có thể lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Bệnh lây qua đường hô hấp và có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ em. Người lớn đôi khi vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa được miễn dịch. Những người sống ở khu vực đông dân cư, đời sống thấp và khí hậu lạnh, ẩm thường có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn những người khác.

Hằng năm, tỷ lệ mắc quai bị ở Việt Nam chiếm khoảng 10 đến 40 trường hợp trên 100,000 dân và tập trung ở các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên. Nam giới thường dễ mắc quai bị hơn nữ giới. Dịch bệnh quai bị cũng thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn. Thường gặp nhất ở nhóm tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo và phổ thông. Người ở tuổi trưởng thành nếu chưa có miễn dịch có tỷ lệ mắc bệnh cũng rất cao, chiếm tới 85%.

Tình hình dịch bệnh quai bị bùng phát nhanh và chủ yếu lây truyền qua những giọt bắn khi nói chuyện, hắt hơi… Thời gian ủ bệnh lâu, từ 12 đến 25 ngày, thông thường là 18 ngày kể từ khi nhiễm virus. Tỷ lệ lây nhiễm bệnh cao nhất là 48 giờ trước khi khởi phát bệnh. Vì vậy, quai bị dễ lây lan thành dịch và vô cùng nguy hiểm.

2. Vì sao quai bị dễ gây vô sinh?

Quai bị có rất nhiều biến chứng. Những biến chứng này đều rất nguy hiểm cho sức khỏe người mắc phải như nhồi máu phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tụy cấp,… Tuy nhiên, biến chứng vô sinh khi mắc bệnh quai bị là biến chứng thường gặp nhất. Giả đáp thắc mắc vì sao quai bị dễ gây vô sinh?

Quai bị rất dễ dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn và viêm buồng chứng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vô sinh ở cả nam và nữ giới. Đối với nam giới, quai bị có thể gây ra viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản về sau của người bệnh.

Ngoài ra, viêm tinh hoàn còn khiến người bệnh đau đớn. Tình trạng viêm, đau kéo dài dẫn đến sốt cao và dai dẳng. Đối với các trường hợp bệnh nặng, bệnh có thể dẫn đến teo tinh hoàn và làm số lượng tinh trùng giảm đáng kể gây vô sinh.

Đối với nữ giới, biến chứng khi mắc quai bị có thể gây ra viêm buồng trứng. Bệnh cũng có khả năng ảnh hưởng đến sinh sản. Khi mắc viêm buồng trứng, các biểu hiện thường thấy là đau bụng dưới, rong kinh. Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai nếu mắc quai bị thì dễ bị sảy thai, sinh non hoặc thai bị chết lưu ở ba tháng đầu của thai kỳ.

Cẩn thận với biến chứng vô sinh khi mắc quai bị ! - Ảnh 1.

Nữ giới cũng có thể bị biến chứng vô sinh khi mắc bệnh quai bị (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, biến chứng của quai bị rất nguy hiểm. Không chỉ có viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng mà còn có thể là viêm màng não, viêm tụy cấp… Tuy nhiên, biến chứng vô sinh thường gặp nhất và dễ gây hoang mang trong cộng đồng. Những biến chứng này đều có tác động đến khả năng sinh sản, nhưng có gây vô sinh hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố và cần làm các xét nghiệm cụ thể. Không phải cứ mắc quai bị là sẽ bị vô sinh, tùy theo người bệnh có bị biến chứng hay không.

Hơn nữa, chỉ khi bị viêm cả hai bên tinh hoàn hay buồng trứng thì nguy cơ vô sinh mới cao. Vì thế, người bệnh không nên quá lo lắng mà nên tuân thủ các nguyên tắc phòng tránh bệnh quai bị cũng như tập trung điều trị và cách ly nếu như không may mắc bệnh.

3. Biến chứng vô sinh khi mắc bệnh quai bị như thế nào?

Viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn thường xuất hiện ở 1 bên và xảy ra ở 20 đến 30% nam giới trưởng thành. Trong khi đó, viêm buồng trứng chỉ gặp ở 5% nữ giới trưởng thành nếu mắc bệnh quai bị. Vậy làm thế nào mà viêm tinh hoàn và viêm buồng trứng có thể gây vô sinh?

3.1. Viêm tinh hoàn

Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, cứ 5 nam thanh thiếu niên bị bệnh quai bị thì sẽ có 1 người bị viêm và sưng tinh hoàn. Thông thường, khoảng 25 - 30% các trường hợp mắc quai bị sau tuổi dậy thì sẽ gặp phải biến chứng này. Trong khi đó trẻ em trước tuổi dậy thì ít gặp viêm tinh hoàn hơn.

Cẩn thận với biến chứng vô sinh khi mắc quai bị ! - Ảnh 2.

Tỷ lệ nam giới bị mắc viêm tinh hoàn do biến chứng của quai bị là rất cao (Ảnh: Internet)

Virus quai bị Paramyxovirus là nguyên nhân duy nhất gây nên tình trạng viêm tinh hoàn đơn thuần. Trên thực tế, khoảng 90% các trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị chỉ xảy ra ở một bên, còn lại khoảng 10% sẽ có tình trạng viêm ở cả hai bên. Người bệnh cũng có thể bị viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn…

Bệnh nhân mắc viêm tinh hoàn do quai bị nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dần chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này, bệnh dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng hơn nữa. Để có thể phát hiện sớm, người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh như:

- Sốt quay trở lại.

- Buồn nôn và nôn.

- Tinh hoàn đau, đặc biệt là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ da thấy chắc, bìu bị phù nề, căng, bóng, đỏ.

Nếu được điều trị tốt và kịp thời, bệnh nhân sẽ hết sốt sau từ 3 đến 5 ngày. Tinh hoàn giảm sưng từ từ, có thể 3 đến 4 tuần sau mới hết sưng đau (với thể nặng) và không có mủ. Bệnh nhân có thể bị viêm tinh hoàn trước, sau hoặc đồng thời với đợt viêm tuyến mang tai.

Người bệnh nếu chủ quan với bệnh, chỉ trong vài ngày đầu, virus sẽ tấn công các tuyến tinh hoàn, dẫn đến viêm nhu mô. Sau đó tách các ống dẫn tinh và thâm nhiễm tế bào lympho kẽ quanh mạch máu. Chính vì thế, lớp bao trắng của tinh hoàn sẽ tạo thành một rào cản chống lại phù nề. Từ đó, dưới sự gia tăng áp lực nội mạc sẽ dẫn đến teo tinh hoàn do áp lực.

Quá trình teo tinh hoàn có thể diễn ra sau vài tháng xuất hiện viêm cấp tính, khoảng 50% tinh hoàn bị teo dần, còn 50% còn lại tinh hoàn vẫn có thể sinh tinh và trở về trạng thái bình thường. Teo tinh hoàn có thể gây các tình trạng không có tinh trùng dẫn đến vô sinh hiếm muộn.

Tuy nhiên, nếu chỉ teo một bên tinh hoàn, việc sinh sản sẽ không có ảnh hưởng gì lớn do bên tinh hoàn lành còn lại sẽ hoạt động bù trừ. Nếu nam giới ở tuổi trưởng thành bị viêm tinh hoàn nặng cả hai bên sẽ làm xơ hóa tinh hoàn. Từ đó khiến tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.

Quai bị không chỉ gây viêm tinh hoàn mà còn có thể gặp phải Biến chứng teo tinh hoàn sau khi mắc quai bị.

3.2. Viêm buồng trứng

So với biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, tỷ lệ viêm buồng trứng ở nữ giới chỉ chiếm khoảng 7%. Tuy tỷ lệ thấp hơn rất nhiều nhưng viêm buồng trứng cũng để lại những hậu quả nặng nề không kém.

Giống như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng do biến chứng của quai bị ảnh hưởng phần lớn đến các bệnh nhân trong hoặc sau tuổi dậy thì. Bệnh bắt đầu xuất hiện sau khi quai bị được điều trị và giảm bớt các triệu chứng. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu như:

- Đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn ở một bên hố chậu hoặc vùng bụng dưới,

- Sốt.

- Ra nhiều khí hư bất thường, có mùi hôi, biến đổi về màu sắc…

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mãn tính vùng quanh chậu. Các triệu chứng lúc này trở nên nặng hơn như:

- Đau xương hông,

- Toàn thân mệt mỏi, tinh thần bất ổn,

- Cảm giác sưng hậu môn,

- Lượng kinh nguyệt ra nhiều, thậm chí kinh nguyệt ra vón cục.

- Khi tiến hành kiểm tra phụ khoa sẽ thấy đau dữ dội dưới hông, các phần phụ dày.

Nếu không điều trị kịp thời, viêm buồng trứng do biến chứng quai bị sẽ có thể dẫn đến nguy cơ dính buồng trứng, u nang ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, mưng mủ ở buồng trứng, ống dẫn trứng, tắc vòi trứng, hình thành áp xe trên buồng trứng, chất lượng trứng suy giảm,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới.


Tác giả: Anh Dũng