Trên toàn cầu, có khoảng 685 triệu ca nhiễm norovirus được báo cáo mỗi năm. Trong số đó, hơn 200 triệu ca nhiễm norovirus ảnh hưởng đến trẻ em. Dưới đây là một số thông tin về norovirus mà bạn cần chú ý chẳng hạn norovirus là gì? Triệu chứng bệnh do nhiễm norovirus có nguy hiểm không?,... Đặc biệt nếu trong gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu có nhiều khả năng bị nhiễm trùng nghiêm trọng do nhiễm norovirus hơn.
Norovirus là gì? Norovirus là một loại virus dạ dày ruột gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính (tiêu chảy và nôn mửa).
Loại virus này có thể tồn tại trong cả môi trường nóng và lạnh, có thể sống ngoài cơ thể người tới vài ngày, đồng thời chúng có khả năng chống lại nhiều chất khử trùng nên cần đặc biệt thận trọng khi trong gia đình có người nhiễm bệnh.
Đọc thêm:
- Mùa lạnh, cẩn thận nôn mửa và tiêu chảy do Rota virus
- Tránh ăn gì khi đang bị nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy?
Norovirus có lây không? Norovirus là loại virus rất dễ lây lan từ người sang người thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp với người mang virus thông qua đường không khí, chất thải, thức ăn, nước uống hay bề mặt bị ô nhiễm như tay nắm cửa, bàn ăn và thậm chí lây truyền qua khí dung trong môi trường khép kín....
Nói cách khác, con người là vật chủ duy nhất được biết đến của norovirus. Virus này chủ yếu lây truyền qua đường "phân - miệng" và cũng có thể bài tiết qua chất nôn. Nhiễm trùng với một lượng rất nhỏ virus cũng sẽ dễ lây lan.
Đối tượng nguy cơ dễ nhiễm norovirus là gì? Theo Medical News Today, có một vài yếu tố nguy cơ có thể làm tăng rủi ro nhiễm norovirus hơn ở một người, bao gồm:
+ Người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn bệnh nhân từng trải qua đại phẫu ghép tạng, người sống chung với bệnh HIV.
+ Người sống trong gia đình không có thói quen vệ sinh sạch sẽ, an toàn thực phẩm khi chế biến kém.
+ Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi.
+ Dùng chung đồ cá nhân với người nhiễm norovirus.
Trước khi tìm hiểu về các triệu chứng nhận biết khi nhiễm norovirus là gì, thì thời kỳ ủ bệnh của norovirus cũng là một điểm quan trọng cần chú ý. Theo CDC, thì các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện trong khoảng từ 12 - 48 giờ sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Các triệu chứng nhiễm norovirus thường giống nhau ở cả trẻ em và người lớn. Người lớn có thể bị tiêu chảy nhiều hơn trẻ em và trẻ em có thể nôn nhiều hơn người lớn.
Các triệu chứng nhiễm norovirus khởi phát đột ngột và phổ biến nhất chủ yếu là cảm giác buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy và đau dạ dày. Ngoài ra, nhiễm norovirus cũng có thể gây sốt, đau đầu và đau nhức cơ thể trong một số trường hợp.
Người bị nhiễm norovirus có thể cảm thấy cực kỳ khó chịu với cơn nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Điều này cũng làm tăng rủi ro mất nước với các dấu hiệu mất nước thường gặp như: Cảm giác chóng mặt khi đứng dậy, khô miệng, khô họng, mờ mắt, giảm lượng nước tiểu và tần suất đi tiểu, li bì, lơ mơ, da khô lạnh, tim đập nhanh, mắt trũng, tụt huyết áp, cáu kỉnh; ở trẻ nhỏ có thể quấy khóc nhiều hơn, thũng thóp, bỉm khô.
Bệnh do nhiễm norovirus kéo dài bao lâu? Thông thường người bệnh sẽ khỏe lại trong vòng 2 - 3 ngày nhưng cũng có thể kéo dài tới 10 ngày hoặc lâu hơn, trong đó tiêu chảy cũng có thể kéo dài tới 3 ngày. Điều quan trọng là chú ý tới các triệu chứng bất thường hoặc nghiêm trọng hơn khi nhiễm bệnh, chẳng hạn như tiêu chảy lẫn máu hay mất nước không bù được bằng điện giải hay chất lỏng khác - để thăm khám bác sĩ sớm. Mất nước không bù được bằng đường uống có thể cần phải bù nước bằng truyền dịch tĩnh mạch.
Bên cạnh đó cần lưu ý rằng, một người vẫn có thể lây lan norovirus qua phân và chất nôn trong 2 tuần sau khi các triệu chứng nhiễm bệnh đã biến mất. Ngoài ra, một số người có thể bị nhiễm norovirus mà không có dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng lây nhiễm và có thể lây lan virus cho người khác.
Không có biện pháp điều trị cụ thể khi bị viêm dạ dày ruột do norovirus, thay vào đó bác sĩ sẽ hướng tới mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát mất nước cũng như điều trị các triệu chứng.
Tại cơ sở y tế, để chấn đoán nguyên nhân bị đau bụng, tiêu chảy hay nôn mửa liên tục của bạn là gì, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm mẫu phân để xác nhận chẩn đoán có phải do nhiễm norovirus hay không hay do nhiễm khuẩn khác. Xét nghiệm thường là cần thiết nếu bản thân người bệnh có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của thống miễn dịch và khả năng chống lại nhiễm trùng xâm nhập.
Đối với vấn đề nên ăn gì khi bị viêm dạ dày ruột khi nhiễm norovirus, cần chú ý ưu tiên các thức ăn dễ tiêu hóa, mềm và nhạt chẳng hạn như cháo, cơm, súp; đối với trẻ sơ sinh nên tiếp tục bú mẹ để tránh mất nước nghiêm trọng. Khi ăn, nên ăn chậm và cắn từng miếng nhỏ hoặc uống từng ngụm nhỏ chất lỏng bởi ăn quá nhanh hoặc quá nhiều, cơ thể bạn có thể từ chối thức ăn nạp vào và lại tiếp tục bị nôn mửa.
Sau khi bị bệnh, người bệnh nên nghỉ ngơi ở nhà ít nhất 3 ngày, sau khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn. Trong thời gian này, cố gắng không tiếp xúc gần với các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Khi chăm sóc trẻ bị nhiễm norovirus hay người bệnh thì cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ; tuyệt đối không dùng chung cốc, khăn rửa mặt, bàn chải đánh răng, thìa, đũa, bát,... Đối với các bề mặt dính chất nôn của người nhiễm norovirus, cần phải vệ sinh ngay lập tức cả những bề mặt xung quanh, tránh gây lây lan. Ưu tiên sử dụng khăn giấy dùng một lần và phân loại rác cẩn thận bởi norovirus có thể tồn tại trên các vật thể trong vài ngày.
Có một số bệnh cơ thể sẽ sinh ra miễn dịch ngăn ngừa việc nhiễm trùng lần 2 nhưng với norovirus thì không. Bạn vẫn có thể nhiễm norovirus nhiều hơn một lần, có thể là chủng norovirus khác. Nếu bạn có khả năng miễn dịch với một loại norovirus, khả năng này có thể không kéo dài mãi mãi. Điều này có nghĩa là có thể có một khoảng thời gian dài giữa lần nhiễm đầu tiên và lần nhiễm norovirus thứ hai.
Theo Medical News Today, cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của norovirus là thực hành chế biến thực phẩm sạch sẽ và đúng cách, ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để giảm nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và trước khi chuẩn bị thức ăn.
Trong gia đình, cần chú ý dọn dẹp không gian sống sạch sẽ, làm sạch các bề mặt thường xuyên sử dụng bằng chất tẩy rửa gia dụng có chứa thuốc tẩy, chất khử trùng. Làm sạch theo hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm, đối với một số bề mặt có thể cần giữ thuốc tẩy rửa trong khoảng 5 phút rồi mới lau dọn.
Trong ăn uống, ngoài sơ chế thực phẩm sạch sẽ thì cần tránh các loại động vật có vỏ ở các vùng nước bị ô nhiễm. Chẳng hạn, đã có nhiều trường hợp báo cáo bị nhiễm norovirus do ăn hàu sống bị ô nhiễm. Nguy hiểm hơn nữa là hàu và các thực phẩm bị nhiễm norovirus thường không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ bề ngoài, mùi cho đến mùi vị. Chính vì vậy điều quan trọng vẫn là chú ý tới các bất thường của cơ thể sau khi ăn, uống.
Khác với một loại virus cũng gây tiêu chảy và nôn mửa khác là rota virus thì norovirus chưa có vaccine phòng bệnh. Chính vì vậy cần chú ý thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa nhiễm norovirus trong gia đình, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What to know about norovirus
2. Norovirus